Khủng hoảng kinh tế – cơ hội kìm hãm biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Thế giới đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song có một cuộc khủng hoảng khác đang diễn ra tuy âm thầm nhưng cũng nghiêm trọng không kém – khủng hoảng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đó không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho thế giới tiến nhanh đến một nền kinh tế cácbon thấp thông qua đầu tư quy mô rộng vào công nghệ và kinh tế giảm thải cácbon, thân thiện môi trường, nhằm ổn định tài chính toàn cầu và phát triển bền vững.

Hai cuộc khủng hoảng toàn cầu

Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ tháng 5/2007 được coi là một thảm họa toàn cầu. Các ngân hàng trung ương lần lượt theo nhau giảm tỉ lệ lãi suất về gần mốc 0, khiến nền kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào bẫy thanh khoản toàn cầu khi các chính sách tài khóa và tiền tệ trở nên không hiệu quả và điều tiết thị trường trở thành công cụ chính để khôi phục nền kinh tế. Hậu quả của cái bẫy đó là suy thoái kinh tế toàn cầu và tình trạng thất nghiệp phổ biến trong những năm tới.

Đằng sau cuộc khủng hoảng trên còn tồn tại một cuộc khủng hoảng khác – hiểm họa từ sự biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Mặc dù những thay đổi khí hậu diễn ra rất chậm, song sự tích tụ ngày càng tăng của hiệu ứng nhà kính sẽ khiến thảm họa tự nhiên có nguy cơ xảy ra nhiều hơn, phá hủy cuộc sống yên bình của con người và dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt trong thời gian dài.

Thách thức và cơ hội

Hai cuộc khủng hoảng này có liên quan chặt chẽ với nhau. Cả hai đều phát sinh từ lòng tham vô đáy của con người vốn không thể kiểm soát nổi bằng đạo đức, bằng mối quan tâm đến đồng loại ở những vùng đất xa xôi hay đến các thế hệ tương lai. Và tình trạng này của nền tài chính thế giới có thể hoặc cản trở nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hoặc nếu thế giới có đối sách hợp lý, đó sẽ là cơ hội có một không hai để giải quyết vấn đề.

Hầu hết các chính sách nổi bật ở thời điểm hiện tại đều là các công cụ dựa vào thị trường như kế hoạch xúc tiến thị trường khí thải – định giá cácbon. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đang khiến cho những chính sách như vậy trở nên thiếu khả thi và mất hiệu quả. Mức giá cácbon trong kế hoạch thị trường hóa khí thải của EU gần đây đã và đang bị giáng xuống mức thấp nhất do nhu cầu về điện giảm khi nền kinh tế đang xuống dốc.

Nếu nhu cầu cấp phép khí thải giảm khiến giá cácbon tiếp tục tụt xuống gần mốc 0 thì không những thế giới mất đi khả năng giảm lượng khí thải mà còn có thể mất đi những kinh nghiệm quý báu về thị trường cácbon đã được gây dựng.

Đầu tư trực tiếp – giải pháp cho kinh tế và môi trường

Có một cách để khôi phục giá cácbon theo kế hoạch là thắt chặt các chỉ tiêu giảm khí thải đến năm 2020. Thậm chí chỉ cần tuyên bố rằng việc thắt chặt các chỉ tiêu này đang được xem xét cũng đủ để đẩy giá cácbon lên.

Vậy làm thế nào để hoạt động đầu tư có thể đạt được sự bình ổn tốt nhất cho tình trạng biến đổi khí hậu dù mức giá cácbon có biến động? Báo cáo đánh giá lần thứ 4 của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) xuất bản năm 2007 đã kiểm chứng điều này và kết luận rằng hầu hết các động thái đã chứng tỏ rằng việc giảm khí thải nhà kính có liên quan đến các quy định cấp phép thương mại hay thuế cácbon. Không có nhiều động thái liên quan đến nguồn đầu tư trực tiếp từ chính phủ, như xây dựng các công trình xây dựng hiệu quả hơn, giảm phá rừng, đầu tư vào giao thông công cộng, trợ cấp và hỗ trợ nghiên cứu năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên đã có một số thay đổi từ bản báo cáo mới đây của IPCC. Các thị trường tài chính quốc tế không còn như giai đoạn cuối năm 2006, khi bản đánh giá được hoàn thành. Chúng ta đang đối mặt với tình trạng thất nghiệp toàn cầu trên diện rộng và thị trường cácbon không mang lại động lực như mong đợi nhằm đem lại sự cải tiến công nghệ. Trong bối cảnh mới này, các biện pháp như đánh thuế cácbon, trao đổi cácbon và quy định chặt chẽ của ngành công nghiệp dường như bắt đầu trở nên ít hấp dẫn hơn đầu tư trực tiếp từ chính phủ.

Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính vẫn tiếp diễn, nền kinh tế đã chứng kiến rộng rãi một nguồn đầu tư rất quan trọng từ chính phủ – kích thích tài chính – để khôi phục lòng tin vào khả năng vực dậy của nền kinh tế, kích thích tiêu dùng và tăng công ăn việc làm. Đây chính là cơ sở để tin rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính có thể hỗ trợ các chính sách về khí hậu. Để kết hợp giải quyết hai cuộc khủng hoảng đòi hỏi sự đầu tư tập trung vào nền kinh tế giảm thải cácbon ở qui mô quốc gia và quốc tế theo đúng lộ trình.

Hành động như vậy sẽ mang lại giải pháp nhanh chóng cho cả hai cuộc khủng hoảng nếu được kết hợp với các biện pháp giải quyết tình trạng phá sản của các ngân hàng và bảo vệ hợp lý tài sản của người gửi tiền và các cổ đông nhỏ. Các giải pháp toàn cầu khác cũng cần thiết như một phản ứng kết hợp để giúp đỡ các nhà đầu tư trong cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, quy mô khủng hoảng tài chính hiện nay đòi hỏi nhiều sự đầu tư hơn. Nhìn về quá khứ, nguồn tài chính đầu tư vào việc giảm thải cácbon có vẻ như còn quá ít.

Chúng ta đang ở trong sự suy thoái toàn cầu. Sự thu nhỏ rõ nét của hoạt động kinh tế nhất định có ảnh hưởng đến sự phát thải khí nhà kính. Trong nền kinh tế toàn cầu dựa vào các nhiên liệu hóa thạch, sự tăng trưởng liên quan mật thiết đến sự phát thải, vì thế suy thoái đồng nghĩa với thải khí nhà kính ít hơn, ít nhất là trong một khoảng thời gian.

Điều này đương nhiên không có nghĩa rằng cuộc khủng hoảng tài chính giúp giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu bởi sức ảnh hưởng của nó chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng cuộc khủng hoảng có thể mang lại nguồn động lực cần thiết để tiến đến một nền kinh tế cácbon thấp. Bởi vì trong giai đoạn kinh tế ảm đạm, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ mới trở nên dễ dàng với chi phí thấp và lợi nhuận cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác.

Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng và nghiêm trọng đòi hỏi sự đầu tư tạo công ăn việc làm với quy mô lớn. Và cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu sắp xảy đến có thể góp phần giải quyết vấn đề thông qua việc đầu tư tạo công ăn việc làm với quy mô lớn từ phía chính phủ.

Nếu điều này không được xúc tiến nhanh chóng, chính khủng hoảng tài chính có thể làm suy yếu một cách nghiêm trọng các chính sách thay đổi khí hậu theo cơ chế thị trường, vì thế để ngăn chặn biến đổi khí hậu, nguồn đầu tư trực tiếp là một yêu cầu cấp thiết.

Câu trả lời đã quá rõ ràng. Giải pháp của khủng hoảng tài chính toàn cầu phải được xem như là một cơ hội thúc đẩy sự chuyển giao nhanh chóng đến nền kinh tế ít cácbon, điều này hoàn toàn cần thiết trong những thập kỷ tới nếu chúng ta muốn tránh một sự biến đổi khí hậu toàn cầu nghiêm trọng.