Cà Mau cần thêm vốn để ngăn mặn, giữ ngọt

ThienNhien.Net – Sau hơn một tháng nhận được chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc làm rõ vấn đề báo chí nêu, Bộ Nông nghiệp mới đây đã có văn bản giải trình về hai sự vụ được Thông tấn xã Việt Nam phản ánh trong tháng 11/2011 liên quan tới câu chuyện phá rừng ở Bình Phước và nguy cơ mặn hóa vùng ngọt ở Cà Mau.

Về vấn đề ngăn mặn, giữ ngọt, Bộ khẳng định, Cà Mau hiện có 18 tiểu vùng thủy lợi thuộc Nam Cà Mau, do tiếp giáp với biển đông và chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều nên không có nguồn nước ngọt, chủ yếu sử dụng nước mưa là chính; trong khi đó 5 tiểu vùng còn lại ở Bắc Cà Mau có tổng diện tích 204.000 ha được quy hoạch khép kín thành vùng ngọt hóa để sản xuất lúa.

Khai thác thủy sản ở vùng ngọt hóa Cà Mau (Ảnh: agroviet.gov.vn)

Tuy nhiên, do gặp khó khăn về kinh phí nên 5 tiểu vùng chưa thể quy hoạch khép kín toàn bộ, khiến tình trạng nhiễm mặn vẫn thường xảy ra vào mùa khô. Bên cạnh đó, việc người dân tự ý phá đập, đưa nước mặn vào vùng ngọt để nuôi trồng thủy sản cũng là nguyên nhân khiến diện tích bị xâm nhập mặn ngày càng tăng, ước tính con số này đã lên tới trên 11.000 ha tính từ 2001 đến nay.

Trước thực trạng này, Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con, đồng thời kiến nghị Chính phủ bổ sung nguồn vốn nhằm hoàn thiện hệ thống thủy lợi khép kín tiểu vùng, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả cho vùng Cà Mau.

Về vụ phá rừng tại Bình Phước, Bộ cho biết, diện tích rừng bị phá theo phản ánh của báo chí tại các khoảnh 3,4 thuộc tiểu khu 314, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước có tổng diện tích 65,2 ha, hiện trạng là rừng hỗn giao gỗ nghèo Lồ ô, trạng thái rừng IIIA1.

Trên thực tế, khu vực này đã được UBND tỉnh Bình Phước giao cho Công ty TNHH Cao su Sông Bé liên doanh với Công ty TNHH một thành viên Đại Phúc Thành trồng rừng cao su từ tháng 3/2011 và được phê duyệt chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su từ tháng 4/2011.

Từ tháng 7-9/2011, Công ty Cao su tiếp tục được tỉnh phê duyệt dự án trồng rừng giống cây keo lai và cây đa mục đích tại khoảnh 4 tiểu khu 308 và được Sở NN&PTNT tỉnh phê duyệt thiết kế, cấp phép khai thác tận thu lâm sản tại khoảnh 4.

Sau khi nhận được các quyết định này, Công ty Cao su Sông Bé đã hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân Đại Phúc Thành tiến hành tận thu, tận dụng lâm sản. Và ngay trong ngày 15/9/2011, đại diện hai đơn vị đã tới khoảnh 4 tiểu khu 308 để khai thác tận thu 4,48 ha rừng, tổng sản lượng 45,429m3.

Đối chiếu nội dung giải trình của Bộ với thông tin mà Thông tấn xã đã phản ánh, dễ nhận thấy điểm “vênh” lớn nhất trong câu chuyện này là trong khi Bộ Nông nghiệp khẳng định các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã ban hành đầy đủ thủ tục cấp phép khai thác tận thu lâm sản cho Công ty Cao su Sông Bé thì Thông tấn xã lại đưa tin, doanh nghiệp Phúc Thành trong khi chưa nhận được sự cho phép của UBND tỉnh đã liên tục cho người vào phá rừng tự nhiên trồng cao su, gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt doanh nghiệp này không hề có tên trong danh sách các công ty được chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cao su tại địa bàn.