Việt Nam là một quốc gia thiếu… nước!

Nếu chiếu theo tiêu chuẩn quốc tế, một quốc gia sẽ bị xếp vào loại thiếu nước nếu bình quân đầu người mỗi năm dưới 4.000m3, thì rõ ràng Việt Nam là một quốc gia thiếu… nước, dù là xứ sở của sông nước – một điều nghe rất nghịch lý! Cuối tuần qua, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam có tổ chức cuộc hội thảo về "Bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020", đã bàn nhiều đến vấn đề này.

Xứ sở sông nước nhưng thiếu… nước!

Hệ thống sông Đồng Nai từ lâu đã được đánh giá là lớn nhất miền Đông Nam bộ. Hệ thống sông này bao gồm nhiều con sông, trong đó quan trọng nhất là các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông La Ngà, sông Vàm Cỏ, sông Bé, sông Thị Vải… đi qua 10 tỉnh thành và có ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của lượng dân cư lên đến 12 triệu người.

Trên thực tế, mỗi năm hệ thống sông này cung cấp hơn 1 tỷ mét khối nước sinh hoạt cho dân cư sống ven bờ và sống tại các đô thị lớn như TP.HCM, thành phố Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai, thị xã Thủ Dầu Một – tỉnh Bình Dương thông qua các nhà máy lọc nước Tân Hiệp, Thủ Đức, Hóa An…

Bên cạnh đó, hệ thống sông Đồng Nai còn chu cấp hàng chục tỷ mét khối nước mỗi năm cho hoạt động công nghiệp tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho 1,85 triệu ha cây trồng trong lưu vực.

Các chuyên gia dự báo: nhu cầu sử dụng nước sông cho sinh hoạt, sản xuất sẽ ngày một tăng cao theo đà phát triển kinh tế và sự tăng nhanh dân số vùng ven sông.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tiến sĩ Đỗ Tiến Lanh, nhận xét rằng sự phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng của khu vực trong thời gian qua đã và còn đang tiếp tục đặt ra cho hệ thống sông Đồng Nai nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó nghiêm trọng nhất là vấn đề thiếu nước và ô nhiễm môi trường.

Như đã nói, với lượng dân số phục vụ lên tới 12 triệu người, nhưng lưu lượng nước của toàn hệ thống sông Đồng Nai chỉ vào khoảng 41,5 tỷm3/năm, tính ra bình quân mỗi đầu người chỉ có khoảng 3.500m3/năm. Điều này cũng có nghĩa là Việt Nam là một quốc gia thiếu… nước.

Cạn kiệt cũng còn bởi ô nhiễm

Nói về thực trạng nguồn nước sông mà không nhắc tới vấn đề ô nhiễm thì sẽ là một thiếu sót, đặc biệt đối với hệ thống sông có quy mô lớn như Đồng Nai. Tại hội thảo, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết một thông tin rất đáng ngại. Tại một số khu vực gần Biên Hòa, nước sông có hàm lượng coliform vượt chuẩn từ 186 đến 920 lần, có nơi vượt đến 1.860 lần ! Xem ra so với sông Sài Gòn, sông Đồng Nai cũng chẳng “mạnh khỏe” hơn bao nhiêu.

Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hệ thống sông Đồng Nai? Các cơ quan chức năng cho biết mỗi ngày sông Đồng Nai phải tiếp nhận khoảng 60.000m3 nước thải từ các cơ sở sản xuất phân bổ trong 24 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đó là chưa tính lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh bên ngoài khu công nghiệp. Hầu hết lượng nước thải ấy lại thải trực tiếp mà chưa qua xử lý.

Tình hình trên sông Thị Vải lại ảm đạm theo một hướng khác: Đây là con sông ô nhiễm nhất hệ thống (cũng do phải hứng nước ô nhiễm từ các khu công nghiệp nằm dọc hai bên bờ) đến nỗi có cả một đoạn dài trên 10km, từ hợp lưu Suối Cả – Thị Vải đến khu công nghiệp Mỹ Xuân đã biến thành đoạn sông chết.

Xét sơ sơ trên hai con sông lớn thuộc hệ thống sông Đồng Nai là thế, còn trong tổng thể, toàn hệ thống sông Đồng Nai đều đều mỗi ngày vẫn phải tiếp nhận khoảng 1,73 triệu m3 nước thải sinh hoạt. Trong lượng nước thải khổng lồ này, các chuyên gia xác định có đến 702 tấn cặn lơ lửng, 756 tấn COD, 421 tấn BOD5, nhiều vi trùng gây bệnh và các tác nhân gây ô nhiễm khác. Dự kiến đến năm 2010, hệ thống sông Đồng Nai còn tiếp nhận thêm khoảng 1,54 triệu m3 nước thải công nghiệp với nhiều chất độc hại, kim loại nặng…

Có nhiều ý kiến cho rằng sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng môi trường nước cách nào đó cũng đang làm cho nguồn nước dần cạn kiệt. Vì thế, việc bảo vệ và phát triển nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai đang đặt ra hết sức bức thiết. Đó cũng chính là hoàn cảnh ra đời một đề án trị giá gần 2.000 tỷ đồng, mà Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đang thực hiện. Đề án này đã được giới thiệu tại hội nghị.

Theo đề án bảo vệ môi trường hệ thống nước sông Đồng Nai, ngân sách nhà nước, chính quyền các tỉnh thành có hệ thống nước sông này đi qua và cả các doanh nghiệp có sử dụng nước thuộc hệ thống cần phải đóng góp 1.938 tỷ đồng chỉ riêng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 để triển khai thực hiện đề án.

Có những việc thuộc diện ưu tiên, cần phải làm ngay từ nay đến năm 2010, đó là cần sớm thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sông; thu gom các chất thải trên sông để cải thiện môi trường nước; hạn chế việc khai thác cát; bảo vệ rừng đầu nguồn để phát triển nguồn nước…