Nữ anh hùng trồng cây của châu Phi

Wangari Maathai tại Lễ trao giải Nobel Hòa bình tổ chức ở Oslo, Na Uy năm 2004 (Ảnh: Nobelprize.org)

ThienNhien.Net – Nếu phải chọn ra một cái tên có nhiều đóng góp cho môi trường và nền hòa bình thế giới, chắc hẳn nhiều người sẽ không ngần ngại chọn Wangari Maathai – một nhà hoạt động chính trị và môi trường uy tín người Kenya.

Sinh ra tại Nyeri, Kenya vào năm 1940, Wangari Maathai được thừa hưởng tính truyền thống của nền giáo dục trong nước và cả sự tiến bộ của nền giáo dục Hoa Kỳ. Đặc biệt, bà còn là người sở hữu rất nhiều cái “đầu tiên”: người phụ nữ đầu tiên ở vùng Đông và Trung Phi đạt được học vị Tiến sĩ (năm 1971) và nhà hoạt động môi trường đầu tiên đoạt giải Nobel Thế giới – Nobel Hòa bình (năm 2004) vì những đóng góp cho phát triển bền vững, nền dân chủ và hòa bình thế giới.

Sớm nhận thức được hậu quả của nạn khai thác gỗ, tàn phá rừng, năm 1977, Wangari Maathai đã lập nên Phong trào Vành đai xanh với thành viên chủ yếu là phụ nữ, tập trung trồng cây, bảo vệ môi trường và hướng tới bảo vệ quyền phụ nữ. Phong trào có sứ mệnh trồng 45 triệu cây xanh ở Kenya và hướng tới mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh khắp thế giới để góp phần hiện thực hóa Chiến dịch 7 Tỷ Cây đang diễn ra rầm rộ trên quy mô toàn cầu.

Suốt mấy thập kỷ qua, bà Maathai đã giúp nâng cao nhận thức về môi trường của người dân châu Phi, đồng thời mở rộng phong trào trồng cây xanh khắp Kenya, chống xói mòn, sa mạc hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.

Ngoài vai trò một nhà hoạt động môi trường tích cực, Wangari Maathai còn giành được ghế trong Quốc hội Kenya và từ đầu năm 2003 đến cuối năm 2005, nhờ năng lực, uy tín của mình, bà được vinh dự giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường của nước này.

Sau những đóng góp không mệt mỏi cho môi trường và sự phát triển bền vững, ngày 25/9 vừa qua Wangari Maathai đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 71. Bà để lại những nỗ lực, cống hiến sẽ mãi mãi được cộng đồng quốc tế, được nhân dân Kenya ghi nhận và tiếp tục nhân rộng trên toàn thế giới.