Hạn hán lịch sử ở Kenya: ‘Nếu động vật chết, chúng ta cũng chết’

Xác động vật chết khô chính là bức tranh chân thực nhất về nạn hạn hán kéo dài liên tục ở phía bắc Kenya, trong một loạt cú sốc biến đổi khí hậu xảy ra tại vùng rừng châu Phi.

Trong khi các nhà lãnh đạo trên thế giới vẫn đang phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP26 ở Glasgow, thì tại Kenya, những người chăn gia súc phải chứng kiến nguồn sống của họ chết do thiếu nước và thức ăn.

Những người chăn nuôi gia súc lấy nước từ lỗ khoan cho lạc đà tại Kuruti, gần hạt Garissa, Kenya. (Ảnh: AP)
Herder Yusuf Abdullahi đi ngang qua xác bốn con dê của mình đã chết vì đói ở Dertu, hạt Wajir, Kenya. (Ảnh: AP)

“Nếu chúng chết, tất cả chúng ta đều chết”, Herder Yusuf Abdullahi tuyệt vọng khi anh đã mất 40 con dê trong đàn của mình.

Chính phủ Kenya đã ban bố tình trạng thảm họa quốc gia tại 10 trong số 47 hạt của quốc gia này. Theo Liên hợp quốc, hiện hơn 2 triệu người dân đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Đối với những người phải tìm kiếm nguồn thức ăn và nước uống ở khu vực xa hơn, các nhà quan sát cảnh báo rằng sự căng thẳng giữa các cộng đồng có thể trở nên trầm trọng hơn.

Một gia đình chăn nuôi gia súc tại Kuruti, gần hạt Garissa, Kenya. (Ảnh: AP)

Cũng theo thống kê từ Liên hợp quốc, hơn 465.000 trẻ em dưới 5 tuổi và hơn 93.000 phụ nữ mang thai bị suy dinh dưỡng ở khu vực phía bắc của Kenya.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Hạn hán Quốc gia (NDMA) cũng cho thấy giá thực phẩm ở Kenya đang leo thang. Tại Quận Marsabit, chúng cao hơn mức trung bình 16%.

Moses Loloju, một người chăn gia súc từ hạt Isiolo, người tình nguyện giúp phân phối thực phẩm từ chính quyền hạt cho biết: “Dê không bán được, bò còn tệ hơn và con cái chúng tôi đang chết đói”.

Người dân đợi chính phủ phân phối nước gần Kuruti, thuộc hạt Garissa, Kenya. (Ảnh: AP)

Mohamed Sharmarke, chủ tịch của Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã Subuli cho biết, động vật hoang dã cũng đang bắt đầu chết dần. “Sức nóng trên mặt đất đang cảnh báo về dấu hiệu của nạn đói mà chúng ta đang đối mặt”, ông lo ngại.

Các nhân viên kiểm lâm từ Cơ quan Bảo tồn Động vật Hoang dã Sabuli bơm nước cứu trợ động vật hoang dã trong khu bảo tồn ở hạt Wajir, Kenya. (Ảnh: AP)
Một con hươu cao cổ chết vì đói gần làng Matana, hạt Wajir, Kenya. (Ảnh: AP)

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng những cú sốc biến đổi khí hậu như vậy sẽ trở nên phổ biến hơn trên khắp châu Phi, khu vực vốn đã góp phần ít nhất vào sự nóng lên toàn cầu, nhưng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo chia sẻ từ Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta: “Châu Phi hiện đang chịu trách nhiệm về một lượng không đáng kể trong tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng đang bị đe dọa nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Châu lục này chỉ chịu trách nhiệm cho 4% lượng khí thải toàn cầu”.

Người dân đang chăn những con lạc đà của gia đình tranh thủ tắm mát và đổ đầy nước vào các thùng nhựa từ một điểm nước trên sa mạc gần Dertu, Hạt Wajir, Kenya. Ảnh: AP

Kenyatta là một trong những nhà lãnh đạo châu Phi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP26 khi họ kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn và hỗ trợ tài chính hàng tỷ đô cho lục địa châu Phi.

Xác động vật nằm la liệt trên sa mạc gần Dertu, hạt Wajir, Kenya. (Ảnh: AP)

Đây là mùa thứ hai liên tiếp không có mưa ở phía bắc Kenya, một vùng bán khô hạn của đất nước, không giống như phía nam xanh tươi và màu mỡ hơn. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết, thiếu mưa đồng nghĩa với việc 2,4 triệu người trong khu vực sẽ phải vật lộn để tìm đủ thức ăn vào tháng 11.

Maurice Onyango, Trưởng khu vực quản lý rủi ro thiên tai của tổ chức từ thiện cho biết: “Các đợt hạn hán trước đây phần lớn đều có thể dự đoán được. Chúng có chu kỳ dài hơn từ 5 đến 10 năm. Nhưng giờ đây, hạn hán thường xảy ra 2 năm một lần, thậm chí đôi khi còn đến hàng năm”.

Một cậu bé đứng gần xác một con lạc đà chết vì đói đã bị thiêu để ngăn mùi hôi, ở Belif, hạt Garissa, Kenya. (Ảnh: AP)

Dựa trên dữ liệu từ chính phủ Mỹ, nhiệt độ ở phía bắc Kenya đã tăng 0,34 ° C mỗi thập kỷ, kéo dài từ năm 1985-2015. Trong tương lai, Mỹ cảnh báo nhiệt độ sẽ còn leo cao hơn nữa, với các đợt nắng nóng trong 5 thập kỷ tới có thể sẽ kéo dài hơn từ 9 đến 30 ngày, khiến việc trồng trọt hoặc chăn nuôi trở nên khó khăn khi lượng nước bốc hơi nhiều hơn.

Nguồn nước ở Kenya giờ đây là quá quý hiếm đối với cả con người lẫn động vật. (Ảnh: AP)
Những người chăn gia súc từ nhóm dân tộc Rendille cho gia súc của họ uống tại một nguồn nước gần thị trấn Kargi, hạt Marsabit, Kenya. (Ảnh: Reuters)