5 Công viên động vật hoang dã và khu bảo tồn hoang dã hàng đầu ở Kenya

Kenya là một đất nước nằm ở miền Đông châu Phi, nổi tiếng với hệ sinh thái được xem là “Công viên động vật hoang dã tự nhiên” lớn nhất thế giới. Đến với đất nước Kenya, du khách được hoà mình với thiên nhiên và động vật hoang dã.

Chúa sơn lâm- sư tử trên đồng cỏ Maasai Mara

Khu bảo tồn Masai Mara

Khu bảo tồn Quốc gia Maasai Mara nằm ở tỉnh Narok là công viên động vật hoang dã nổi tiếng nhất ở Kenya. Đây là khu bảo tồn được đặt theo sự tôn kính của thổ dân Maasai đang sống ở khu vực này và là địa danh thu hút khách du lịch đông nhất tại Kenya. Tên của khu bảo tồn để vinh danh những người Maasai (tổ tiên ở khu vực này) và mô tả về khu bảo tồn khi nhìn từ xa, từ “Mara” trong ngôn ngữ Maasai có nghĩa là “đốm”, hình ảnh của những tán cây, cây bụi và bóng mây trên khu vực đồng cỏ nhiệt đới.

Đàn ngựa vằn trong Khu bảo tồn Quốc gia Maasai Mara

Masai Mara được thành lập vào năm 1961, có diện tích rộng 1.500km2, là ngôi nhà chung của 95 loài động vật có vú, động vật lưỡng cư, bò sát và hơn 400 loài chim cư trú. Trong đó, tập trung đông nhất là 5 loài mãnh thú lớn: trâu rừng, voi, báo, sư tử và tê giác. Thêm vào đó là những loài linh cẩu, hươu cao cổ, linh dương đầu bò, khỉ đầu chó, ngựa vằn, hà mã, cá sấu ở sông Mara… cũng góp phần làm giàu cho “dân số” của khu bảo tồn.

Cuộc đại di cư của đàn linh dương đầu bò

Khu bảo tồn này còn nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ số lượng lớn các loài sư tử Masai (hay còn gọi là sư tử Đông Phi), báo hoa châu Phi và báo săn Tanzania, đặc biệt là cảnh tượng di cư của hàng triệu con loài ngựa vằn, linh dương Thomson, linh dương đầu bò đến và đi từ vùng đồng cỏ Serengeti trong khoảng thời gian từ tháng 7 – 10 hằng năm.

Các bộ lạc nơi đây như người Turkala, El Molo, Kikuyu và Maasai đều sống hòa mình với thiên nhiên, cùng nhiều tập tục lạ và trang phục sặc sỡ. Những tộc người này góp phần tạo nên sức hấp dẫn kỳ thú của đất nước Kenya.

Ngồi trên chiếc xe đặc chủng có thiết kế đặc biệt, đi giữa đồng cỏ bốn bề rộng mênh mông gần như vô tận, bạn sẽ thấy mình như đang ở trong bối cảnh của phim trường lớn, bao quanh là thế giới tự nhiên hùng vĩ và đời sống hoang dã ngay trước mắt mang hơi thở sôi động của sự sống.

Công viên quốc gia Lake Nakuru

Theo các nhà nghiên cứu, hồ Nakuru là nơi tập trung khoảng hơn 2 triệu chim hồng hạc, gồm hồng hạc lớn, chân dài, cổ dài và hồng hạc nhỏ. Bởi vậy, Công viên Quốc gia hồ Nakuru còn có tên gọi khác do du khách đặt tên là “Hồ hồng hạc”. Ngoài hồng hạc, đây còn là nơi tập trung của hơn 450 loài chim quý hiếm nhất thế giới, nằm trong sách đỏ cần được bảo tồn với nhiều cấp độ khác nhau.

Chim hồng hạc tại hồ Nakuru

Chính điều kiện sinh thái phong phú, nhiều hồ, đồng cỏ và nguồn thức ăn phong phú đã làm hồ Nakuru ngày càng trở nên sôi động bởi nhiều thanh âm vô cùng ấn tượng của đàn chim bay về tổ trên bầu trời hoàng hôn rực rỡ.

Vườn quốc gia núi Kenya

Vườn quốc gia núi Kenya có diện tích khoảng 620km2, được thiết lập năm 1949 để bảo vệ các khu vực xung quanh núi Kenya. Ban đầu nó là một khu bảo tồn rừng trước khi trở thành vườn quốc gia. Hiện nay, Vườn quốc gia này nằm trong khu bảo tồn rừng bao quanh nó. Tháng 4/1978, khu vực này đã được UNESCO đưa vào danh mục khu dự trữ sinh quyển. Năm 1997, Vườn quốc gia này đã được công nhận là Di sản thế giới.

Những ngọn núi lửa Kenya

Trong vườn quốc gia núi Kenya nổi bật với ngọn núi lửa cùng tên được tạo ra bởi các hoạt động phun trào liên tục của hàng lọat núi lửa cách đây khoảng 2,5-3 triệu năm. Ngọn núi này cao 5.199m, là ngọn núi cao thứ hai ở châu Phi, sau núi Kilimanjaro và đã ngừng hoạt động. Núi Kenya cách thủ đô Nairobi 150km về phía Bắc – Đông Bắc. Ban đầu, núi này có một hồ miệng núi lửa trên đỉnh nhưng đã bị bào mòn và để lại một loạt các đỉnh có tuyết bao phủ, các thung lũng có hồ nước đóng băng, nhưng khoảng 150.000 năm trước thì các sông băng đã tan và chảy xuống các vùng ấm hơn ở chân núi. Đến cuối thế kỷ 19, 7 trong số các sông băng này đã hoàn toàn tan hết, các sông băng còn lại thì vẫn đang tan đi nhanh chóng.

Núi Kenya có hệ sinh thái phong phú gồm các vùng đồng cỏ, cây thấp trên cao nguyên và rừng mưa rậm bao phủ đến độ cao 3.200m. Khu bảo tồn là nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm như tê giác, voi, trâu rừng cũng như các hồ nước, suối khoáng và rừng tuyệt đẹp. Ngọn núi là một lưu vực vô cùng quan trọng, cung cấp nước cho khoảng 50% dân số Kenya và sản xuất 70% thủy điện của Kenya.

Công viên quốc gia Amboseli

Tê giác tại Công viên quốc gia Amboseli

Công viên quốc gia Amboseli nằm dưới chân núi Kilimangiaro, quanh năm mây phủ. Đặc biệt, thảm thực vật đa dạng với những gốc đại thụ lâu năm, đến nhiều cây bụi gai, cây xương rồng khổng lồ… cùng nhiều loài chim sinh sống. Mặc dù chỉ là một công viên nhỏ, nhưng Amboseli là công viên quốc gia nổi tiếng nhất ở Kenya. Ở đây có các loài voi, sư tử, báo đen, báo đốm, hà mã, hươu cao cổ Maasai, trâu… được thả tự do để du khách chiêm ngưỡng khi ngồi trên xe chuyên dụng tham quan.

Bên cạnh đó, bạn cũng được thăm khu làng Maasai để trải nghiệm văn hóa của bộ tộc Kenyan. Người Maasai đặc biệt mến khách, họ có đời sống du mục, cùng với gia súc, hòa hợp với thiên nhiên nhiều thế kỷ nay.

Vườn Quốc gia Aberdare

Vườn quốc gia Aberdares thu hút khách du lịch với thác nước tuyệt đẹp

Vườn quốc gia Aberdares với địa hình đa dạng hùng vĩ gồm các sông băng, thác nước và những cánh rừng mưa đã tạo nên một hệ động, thực vật khá độc đáo khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác trên đất nước Kenya. Khi những giọt sương sớm còn đọng trên lá hay lúc hoàng hôn chìm dần trong tĩnh lặng, bạn có thể tiếp cận với vô số các loài động vật hoang dã quý hiếm như trâu rừng, voi, sơn dương, lợn rừng… kéo nhau từng đàn lũ lượt về uống nước và nghỉ ngơi.

Tê giác trong Vườn quốc gia Aberdares

Đặc biệt hơn bạn còn được trải nghiệm cảm giác qua đêm trên những nhà nghỉ được xây dựng trên những cây Dẽ có độ tuổi hàng trăm năm trên con đường mòn mà các loài thú hoang phải lần theo để đến được đầm nước, muối khoáng duy nhất có trong rừng.