Xử lý bèo hoa dâu nhờ mọt

ThienNhien.Net – Trên sông Till đoạn gần Saxilby (Lincolnshire, Anh), bèo hoa dâu (Azolla filiculoides) đã phát triển với tốc độ chóng mặt và phủ kín một đoạn sông dài 4km. Tại đây, thảm bèo dày đặc choán hết mặt nước, hứng trọn lượng ánh sáng và oxy cần thiết cho sự sống của các loài thực vật thủy sinh, cá và động vật không xương sống.

Để giải quyết tình trạng trên, Cơ quan Môi trường Anh (EA) đã tiến hành thả 8.000 con mọt ăn bèo hoa dâu (Stenopelmus rufinasus) xuống sông Till nhằm làm sạch khúc sông. Nhân viên EA cho biết chỉ trong vòng vài tuần, Stenopelmus rufinasus sẽ sinh sản và phát triển lên tới hàng triệu con, đủ để kiểm soát tất cả bèo hoa dâu đang “chiếm đóng” khúc sông này.

Stenopelmus rufinasus, loài mọt được Anh sử dụng để diệt bèo hoa dâu (Ảnh: Bbc.co.uk)

Bèo hoa dâu vốn là loài dương xỉ thủy sinh được nhập khẩu từ Bắc Mỹ vào Anh để làm cảnh, trang trí ao hồ ngay từ thập niên 40 của thế kỷ XIX. Đầu năm nay, thời tiết ấm và khô đã tạo điều kiện cho loài này bùng phát mạnh và trở thành vấn nạn môi trường trên sông Till – một nhánh của sông Witham.

Hồi tháng 6 vừa qua, chính quyền địa phương đã từng nỗ lực dọn sạch bèo hoa dâu, nhưng do tốc độ sinh sản quá nhanh, chỉ sau 4 đến 5 ngày, số lượng bèo lại tiếp tục nhân đôi và theo dòng chảy lan khắp sông Witham.

Cơ quan môi trường Anh cho hay, mỗi năm các loài sinh vật xâm lấn gây thiệt hại khoảng 1,7 triệu bảng cho nền kinh tế nước này.