25 loài rùa nguy cấp nhất

ThienNhien.Net – Hiện nay, số lượng loài rùa trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á đang giảm mạnh vì nạn săn bắt trái phép để làm thực phẩm, vật nuôi, thuốc chữa bệnh… và vì môi trường sống bị phá hủy. Báo cáo mới đây của Liên minh Bảo tồn Rùa cho biết rùa hiện đang nằm trong nhóm các loài động vật có xương sống bị đe dọa nhất trên thế giới, với khoảng một nửa trong số 300 loài có nguy cơ tuyệt chủng. Báo cáo đã chỉ ra 25 loài đang bị đe dọa nhất, bao gồm 17 loài ở ở châu Á, 3 ở Nam Mỹ, 3 ở châu Phi, 1 ở Úc, 1 ở Trung Mỹ và Mexico.

Rùa Batagur (Batagur baska) trước đây phân bố chủ yếu ở các con sông và cửa sông vùng Nam Á, ở Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar. Loài này trở nên nguy cấp do bị săn bắt (kể cả trứng), do suy giảm và mất môi trường sống từ các hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện, ô nhiễm… (Ảnh: Rupali Ghosh).
Rùa hộp McCord’s (Cuora mccordi) là một loài thuộc chi Cuora Đông Nam Á (họ Geoemydidae). Đây là một trong những loài rùa đặc hữu nguy cấp của Trung Quốc vì đang bị ráo riết săn bắt để làm thuốc cổ truyền. (Ảnh: Torsten Blanck)
Rùa lưỡi cày (Astrochelys yniphora) được cho là một trong những loài rùa hiếm nhất thế giới do nạn buôn bán “thú cưng” bất hợp pháp. Đây cũng là loài đặc hữu của Madagascar. Nếu không có những biện pháp bảo vệ, các nhà khoa học dự đoán chúng sẽ tuyệt chủng trong vòng 30 năm tới. (Ảnh: A.G.J. Rhodin)
Rùa đầu đỏ Batagur kachuga từng sống phổ biến ở các con sông lớn thuộc miền Bắc Ấn Độ, Bangladesh và Nepal, nhưng do tình trạng thu thập trứng rùa, xây đập và ô nhiễm nguồn nước nên hiện chỉ còn một số cá thể sống ở sông Chambal, miền Trung Ấn Độ. (Ảnh: Brian Horne)
Rùa sông Miến Điện Batagur trivittata là họ hàng với loài Batagur kachuga. Chúng đã từng cho là tuyệt chủng từ năm 1935 và được phát hiện lại vào năm 1993 trên hệ thống sông Irrawaddy của Miến Điện (Myanmar – Burma). Đến nay, số lượng của loài đã giảm xuống dưới 10 cá thể. Đây là hệ quả của tình trạng thu lượm trứng, săn bắn và suy thoái môi trường sống trong đó có tác động từ các đập nước và hoạt động khai thác vàng. (Ảnh: Rick Hudson)
Rùa cổ rắn (Chelodina mccordi) được phát hiện trên hòn đảo nhỏ Roti của Indonesia vào năm 1994. Chúng cũng nằm trong nhóm động vật hoang dã bị lùng bắt dữ dội tới mức gần như tuyệt chủng vào năm 2000. (Ảnh: Anders G.J. Rhodin)
Rùa khổng lồ Pinta (Chelonoidis abingdoni) hiện chỉ còn duy nhất 1 cá thể ở đảo Pinta của Ecuador. (Ảnh: Anders G.J. Rhodin)
Rùa mai mềm khổng lồ Rafetus swinhoei hiện chỉ còn 4 cá thể sống trên thế giới và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao. Trong đó, hai cá thể loài này đang  ở Trung Quốc, 1 cá thể sống tại hồ Hoàn Kiếm và 1 ở hồ Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. (Ảnh: Tim McCormack)
Rùa hộp Zhou’s (Cuora zhoui) (Ảnh: Torsten Blanck)
Rùa nước ngọt Batagur affinis. (Ảnh: E.H. Chan)
Rùa hộp đầu vàng (Cuora aurocapitata). (Ảnh: Gerald Kuchling)
Rùa hộp ba vạch hay còn gọi là rùa vàng (Cuora trifasciata) có chiều dài mai khoảng 32cm. Trước đây, loài này ở Việt Nam và Lào được coi là một phân loài khác, Cuora cyclornata, song hiện nay quan điểm này không được thừa nhận rộng rãi. Gắn với quan niệm về tài lộc và vị thuốc của người Trung Quốc, cộng với sự suy giảm và mất môi trường sống, loài này gần như tuyệt trong tự nhiên và được nhân nuôi rộng rãi. (Ảnh: Paul Crow)
Rùa sao Miến Điện (Geochelone platynota) với những hoa văn sao đối xứng tỏa ra trên mai đang bị đe dọa bởi nhu cầu nuôi cảnh và giết thịt. (Ảnh: Brian D. Horne)
Rùa mai mềm đầu nhỏ Châu Á (Chitra chitra) có lẽ là loài rùa nước ngọt lớn và nặng nhất với trọng lượng và chiều dài mai kỷ lục từng đo được lên tới 254kg và 120cm, phân bố tại Indonesia, Maylaysia và Thái Lan. (Ảnh: Chris Tabaka)
Rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) là một loài rùa nước ngọt có mặt ở các đầm lầy ven biển và sông tại một số tỉnh miền Trung Việt Nam, từ Đà Nẵng tới Phú Yên. Đến nay loài rùa này gần như biến mất trong tự nhiên vì bị săn bắt, môi trường sống thay đổi và do tác động từ các hoạt động phát triển. Năm 2006, một quần thể rùa Trung bộ hoang dã đã được tìm thấy ở gần Hội An (Quảng Nam). Đây là phát hiện mới nhất về sự có mặt của loài này trong tự nhiên kể từ năm 1939. (Ảnh: Rick Reed)
Rùa sông Trung Mỹ (Dermatemys mawii) được tìm thấy chủ yếu tại Mexico, Guatemala và Belize. Thịt của nó thường được ưa chuộng trong dịp Lễ hội ăn chay và Lễ Phục sinh ở Trung Mỹ, và đó là nguyên nhân khiến loài rùa này bị đe dọa. (Ảnh: Melvin Merida)
Rùa đầu to Madagascar (Erymnochelys madagascariensis). (Ảnh: Anders G.J. Rhodin)
Rùa rừng Sulawesi (Leucocephalon yuwonoi). (Ảnh: Cris Hagen)
Rùa Batagur borneoensis. (Ảnh: Doug Hendrie)
Rùa sông Magdalena (Podocnemis lewyana). (Ảnh: Alejandra Cadavid)
Rùa rừng Philippine (Siebenrockiella leytensis). (Ảnh: R.M. Brown)
Rùa mai hình răng (Psammobates geometricus). (Ảnh: Atherton de Villiers)
Rùa Mesoclemmys hogei. (Ảnh: Russell A. Mittermeier)
Rùa cổ rắn đầm lầy (Pseudemydura umbrina). (Ảnh: Gerald Kuchling)
Rùa hộp Vân Nam (Cuora yunnanensis) vốn được cho là tuyệt chủng và cho tới năm 2005, một vài cá thể đã được phát hiện tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Zhou Ting)

Nếu không có những nỗ lực bảo tồn hiệu quả, các loài rùa trên sẽ tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới, theo báo cáo Loài rùa lâm nguy: 25 loài rùa nguy cấp nhất trên thế giới năm 2011 (Turtles in Trouble:The World’s 25+ Most Endangered Tortoises and Freshwater Turtles—2011) của Liên minh Bảo tồn Rùa.