REDD và nguy cơ tham nhũng

ThienNhien.Net – Mặc dù đã bắt đầu được triển khai tại nhiều nước, xung quanh các chương trình REDD vẫn tồn tại những nghi ngờ, hiểu lầm cùng nỗi lo ngại rằng nếu không được quản lý hợp lý, Giảm khí thải do Phá rừng và suy thoái rừng (REDD) sẽ trở thành “thỏi nam châm thu hút tham nhũng và tội phạm có tổ chức”.


Đến thập kỷ tới, các nước đang phát triển có thể nhận được 35 tỷ USD mỗi năm để giảm phá rừng. Indonesia đã nhận được 30 triệu USD từ Na Uy, gói tài chính đầu tiên trong trong thỏa thuận REDD.

Một thống kê gần đây cho thấy có đến 144 sáng kiến theo kiểu REDD+(*) đang được nhiều tổ chức theo đuổi. Bất chấp những khó khăn về nguồn vốn, sự khó khăn trong thiết lập cơ sở, xác định đối tượng hưởng lợi… và dù thế giới đã sẵn sàng hay chưa, REDD+ vẫn đang được thực thi rộng rãi.

Một trong những đất nước đang thực hiện cơ chế này là Guyana, nơi mà tổng thống Bharrat Jagdeo, người đầu năm nay được Liên hiệp quốc trao giải Champion of the Earth, đã phát biểu: “Biến đổi khí hậu có thể là thương vụ tốt cho chúng tôi. Nó có thể là điều tốt đẹp nhất với những đất nước sở hữu rừng”.

Guyana và Na Uy đã ký Bản ghi nhớ hồi cuối tháng mười năm ngoái, theo đó Guyana sẽ nhận 250 triệu USD từ Na Uy để bảo vệ rừng trên đất nước mình. Tuy nhiên quá trình đàm phán vẫn đang kéo dài và hàng triệu đô của Na Uy tới nay vẫn chưa đến nơi.

Tham nhũng và sự thiệt thòi cho các cộng đồng bản địa

Về lâu dài, bảo vệ rừng có thể mang lại lợi ích kinh tế nhưng trước mắt các nước đang phát triển vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Tổng kết vấn đề này, Dane Gobin, giám đốc tổ chức bảo vệ rừng Iwwokrama ở Guyana từng phát biểu: “Chúng tôi có nguồn để kiếm tiền. Bất kể bằng cách các bạn trả tiền để chúng tôi bảo vệ các dịch vụ sinh thái hay bằng cách bán rừng cho các công ty gỗ Malaysia”.

Ngăn chặn tình trạng phá rừng, vốn là nguyên nhân gây ra 20% khí thải CO2 mỗi năm, có thể mang lại lợi ích cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nếu thực thi kém, REDD+ và những thỏa thuận tương tự có thể dẫn đến tham nhũng, bóc lột người dân bản địa và không đạt được mục tiêu giảm phát thải tổng thể.

Theo các dự án REDD+, hàng tỷ USD sẽ chảy về các nước đang phát triển mà nhiều nước trong số đó đứng trong danh sách các quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới. Điều này mang lại rủi ro cho các dự án REDD và đó là lý do quản trị nguồn thu từ REDD một cách minh bạch và chặt chẽ là vô cùng cần thiết.

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc tổ chức Global Witness, tham nhũng không chỉ là một nguy cơ mà là mối nguy hiểm thực sự. Khi đó những người sống phụ thuộc vào rừng không được đảm bảo những quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng. Và REDD chỉ thành không nếu xã hội dân sự đóng vai trò giám sát độc lập. Nếu không, đồng tiền sẽ không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề phá rừng.

Thêm vào đó, mặc dù REDD+ có thể là một cơ hội thu lợi về mặt tài chính đối với cộng đồng thiểu số với vai trò chủ rừng. Song với REDD+, các cộng đồng không có quyền sở hữu đất hợp pháp mà chỉ có quyền sở hữu theo luật tục sẽ bị thiệt thòi.

Hơn nữa, ở các quốc gia đang triển khai REDD, nguyên tắc thông báo và đồng thuận trước nhiều khi không được tôn trọng, dẫn đến việc vi phạm nghiêm trọng quyền con người.

Mặt khác, việc thu được lợi ích từ REDD+ phụ thuộc vào sự tham gia đầy đủ của người bản địa vào quá trình thực thi. Tuy nhiên, ở nhiều cộng đồng REDD chưa được nhận thức đúng đắn. Tại Papua New Guinea, nhiều người dân vẫn hiểu lầm tai hại khi cho rằng họ cần đóng chai CO2 trước khi có thể bán chúng, hay tồi tệ hơn là cần đốt rừng và thu gom carbon để làm giàu. Ở Ecuador một cộng đồng người bản địa đã từ chối REDD+ vì cho rằng nó làm mất quyền kiểm soát tài nguyên của họ.

Chưa hết thách thức

Không có sự hỗ trợ trong quản lý, giám sát của những cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, REDD+ sẽ không thể thành công. Các nghiên cứu đã chứng tỏ rằng tỷ lệ phá rừng thấp hơn ở rừng Amazon trên lãnh thổ Brazil do người bản địa quản lý.

Tuy nhiên, kể cả có sự hỗ trợ của cộng đồng, quản lý rừng vẫn rất phức tạp và tốn kém. Guyana phải chi 5 triệu USD từ nguồn vốn của Na Uy để bảo vệ 13 triệu ha rừng mà một phần diện tích trong đó chỉ có thể tiếp cận bằng đường hàng không. Trong khi đó, tại Indonesia 40-55% gỗ của cả nước bị đốn hạ bất hợp pháp. Nếu điều này không thể kiểm soát, chi phí bảo vệ rừng là vô nghĩa.

Theo Rebecca Chacko, giám đốc chính sách khí hậu của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, REDD+ là cơ chế đầu tiên có thể cho thấy tiềm năng đáng kể trong việc thanh toán các dịch vụ hệ sinh thái ở cấp độ toàn cầu. Mặc dù vậy, điều này chỉ xảy ra trên cơ sở người gây ô nhiễm phải trả tiền cho bảo tồn rừng chứ không phải kinh doanh và mua bán ô nhiễm.

Trong khi đó, kế hoạch tín dụng carbon cũng giúp các nước phát triển tránh được các quyết định chính sách không được ủng hộ bằng cách đền bù carbon ở nơi khác. Và nếu các khoản tín dụng carbon rừng có giá rẻ, họ thậm chí có thể trì hoãn việc áp dụng các công nghệ sạch hơn.

Suy cho cùng, các kế hoạch kiểu REDD+ chưa được thực hiện đủ lâu để biết được liệu chúng có thể hoạt động hiệu quả không, trong khi giảm CO2 lại là vấn đề cấp bách. Và REDD+ chỉ có ý nghĩa nếu phá rừng thực sự giảm trên toàn cầu. Để làm được như vậy, nguyên nhân gốc rễ của nạn phá rừng cần được giải quyết, có tính đến nhu cầu của Phương Tây đối với các sản phẩm nông nghiệp từ các nước có rừng, cũng như 80% diện tích trồng trọt mới ở các nước nhiệt đới là do chuyển đổi rừng.

Để giải quyết vấn đề quản trị và tham nhũng trong REDD, Báo cáo Nguyên tắc giám sát độc lập REDD (IM-REDD) của Tổ chức Global Witness đã khuyến cáo thiết lập một hệ thống giám sát độc lập dựa trên 10 quy tắc, bao gồm sự tách bạch về quyền lợi giữa các cơ quan chức năng và khối tư nhân, minh bạch đấu thầu, sự ủy nhiệm chính thức từ các quốc gia liên quan, việc tiếp cận thuận lợi với các các khu vực rừng, tiếp cận rộng rãi với thông tin và quyền công bố kết quả giám sát… Tuy nhiên, Báo cáo cũng cảnh báo rằng bất chấp các giải pháp đã được áp dụng trong các thỏa thuận REDD, nạn tham nhũng và lạm dụng vẫn làm phương hại tới việc thực thi chương trình. 


(*)REDD+ mở rộng qui mô của cơ chế REED, không chỉ bảo tồn rừng và tăng cường trữ lượng cacbon mà bao gồm cả quản lý rừng bền vững.