Rừng và đất rừng Tây Nguyên (Kỳ 1)

Rừng ở Tây Nguyên không chỉ lớn về diện tích mà còn có giá trị đặc biệt về chất lượng. Năm 1980, tổng diện tích rừng của Tây Nguyên có 3.868.400 ha, chiếm 70,66% tổng diện tích tự nhiên. Nhưng từ năm 1980 đến 1995, trung bình mỗi năm Tây Nguyên "xóa sổ" 120 nghìn ha rừng.

Rừng giàu và trung bình giảm 75%, rừng nghèo tăng 109%. Từ năm 1995 đến nay, mỗi năm không dưới 45 nghìn ha rừng bị phá.

Quan niệm về phát triển và giữ rừng gần đây mới được các cấp, các ngành nhận thức rõ. Mất rừng ở Tây Nguyên là đánh mất thế mạnh và ảnh hưởng tích cực của nó đối với môi trường, sinh thái.

Ðiều dễ thấy trong những năm gần đây, khí hậu Tây Nguyên diễn biến bất thường: hạn hán, lũ quét, mùa khô đến sớm và kéo dài, nhiệt độ trung bình hằng năm tăng lên…

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với sự phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên, trong Quyết định 168/2001/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên 2001-2005 đã đặt ra yêu cầu “phát triển mạnh lâm nghiệp Tây Nguyên là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài… nâng độ che phủ lên 65% vào năm 2010”.

Nếu thực hiện đúng mục tiêu đề ra thì đến năm 2010 vẫn còn thiếu 5% nữa mới bằng độ che phủ năm 1975. Dù có chậm song đã có sự quyết tâm giữ rừng, trồng lại rừng để bù trả cho thiên nhiên những cái đã mất.

Gần đây, Ðảng, Nhà nước đề ra chủ trương xã hội hóa nghề rừng và để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã có quyết sách mạnh mẽ trong việc huy động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia vào quá trình xã hội hóa nghề rừng theo hướng bền vững, Quyết định 304/2005/QÐ-TTg ra ngày 23/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên là một minh chứng cho quyết tâm đó.

Rừng và đất rừng cần có bàn tay của cộng đồng. Ở Tây Nguyên không có người chủ nào cần và thiết tha với rừng hơn đồng bào dân tộc thiểu số. Ðiều đáng nói hơn, giao rừng cho đồng bào cũng đồng nghĩa với việc khôi phục nhiều tập quán tốt đẹp trong sản xuất và đời sống, khôi phục ý thức “làm chủ” đối với rừng của đồng bào.

Xét về nhiều góc độ, rừng luôn gắn bó khăng khít với cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và gần đây nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa cũng bàn nhiều về vấn đề sự suy giảm tài nguyên rừng kéo theo sự suy giảm về văn hóa.

Bởi theo tục lệ, từ xa xưa, đồng bào các dân tộc đã có ý thức cao về bảo vệ rừng. Dù rừng mênh mông như vậy song từng thôn, buôn, bản làng… đều quy ước về ranh giới rừng, đất rừng và mọi người đều tuân thủ ranh giới đó.

Luật tục người Tây Nguyên xử phạt rất nặng đối với ai phạm vào tội phá rừng, ngay cả việc phát rừng làm rẫy. Bà con không bao giờ đụng đến rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, vì đồng bào quan niệm rừng có thần linh và rừng gắn với văn hóa.

Trước hết, rừng là không gian sinh tồn của các dân tộc Tây Nguyên. Không một buôn, làng nào tách biệt khỏi rừng, đất rừng. Rừng không chỉ cung cấp cho cuộc sống hằng ngày mà còn là nền tảng của sản xuất, là văn hóa trong cuộc sống của đồng bào.

Trong 1.500 bản quy ước ở thôn, buôn của tỉnh Ðác Lắc đều đề cập đến rừng, phát triển và bảo vệ rừng. Tỉnh Lâm Ðồng đã có 225 thôn, buôn triển khai quy ước bảo vệ phát triển rừng (BVPTR) với sự tham gia của người dân.

Xây dựng quy ước BVPTR là một chính sách phù hợp với việc đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xã hội hóa nghề rừng, nó phát huy vai trò tự nguyện và tính dân chủ trong dân, được cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở quan tâm, ủng hộ và nó mang lại lợi ích thiết thực, làm cho mọi người phấn khởi khi tham gia bảo vệ rừng, nhất là sau khi được giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng theo Quyết định 134, 178 của Chính phủ.

 
Chăm sóc vườn cây giống ở huyên Ea Ca, Đắk Lắk.

Tập quán tốt đẹp của đồng bào được phát huy, trong đó vai trò già làng, trưởng bản được coi trọng và từ đó thúc đẩy cộng đồng luôn quan tâm giữ và phát triển rừng.

Sau 5 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và quy ước về phát triển kinh tế rừng, tài nguyên rừng ở Lâm Ðồng được bảo vệ và phát triển khá tốt, tỷ lệ che phủ rừng không ngừng tăng lên, đến nay toàn tỉnh có 650 nghìn ha rừng, độ che phủ chiếm 60%.

Ama Hợp, trưởng buôn Yang Ré, xã Yang Ré (huyện Krông Bông, Ðắk Lắk) cho biết: Không lâu nữa mầu xanh sẽ phủ kín vùng đồi Yang Ré này, bà con trong buôn tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng lắm, không những thế, chính quyền địa phương luôn động viên và hỗ trợ, Nhà nước hỗ trợ hai triệu đồng tiền giống và phân bón trên mỗi héc-ta. 32 hộ trong buôn đều tham gia trồng rừng, hộ nào nhiều đất thì trồng nhiều, hộ ít tham gia ít; ngoài ra, tất cả các hộ đều đã được tập huấn và tham gia trồng, bảo vệ rừng.

Ðược biết, vườn quốc gia Chư Yang Sin, đơn vị lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn hai huyện (huyện Krông Bông, huyện Lắc, tỉnh Ðắk Lắk) đã giúp đỡ cho bà con ba xã (Ea Tru, Yang Ré, Hòa Sơn) trồng 144 ha rừng với hơn 100 hộ tham gia, trong đó 30% là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó đời sống của bà con từng bước được cải thiện.

Cách trung tâm xã Ðắk Nuê, huyện Lắc, tỉnh Ðắk Lắk chừng 20 km, có một vườn rừng của người cựu chiến binh tên Trần Khắc Châu, quê ở Nghệ An vào lập nghiệp.

Từ năm 2005, khi có chủ trương cho Công ty Lâm nghiệp liên kết với các hộ trồng rừng, ông Trần Khắc Châu nhận trồng 40 ha nằm rải rác trên năm quả đồi với phương thức, gia đình đầu tư trồng 20 ha (100% vốn), còn 20 ha (công ty 50% vốn, gia đình 50% vốn). Lợi nhuận chia theo tỷ lệ góp vốn.

Hiện năm quả đồi mà ông Châu nhận trồng đã thành một mầu xanh mát mắt và chỉ có người gắn bó với rừng mới hiểu những thành quả sau bao ngày vất vả và say mê rừng.

Vậy là cộng đồng người Tây Nguyên đã gắn bó với rừng. Mầu xanh dần trả lại trên từng khoảng đồi, từng mảnh đất khô cằn mà bao năm ít ai nhìn đến.

Ðánh giá công tác xã hội hóa nghề rừng, các ngành chức năng của tỉnh Ðắk Lắk nhận định: Công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ, trồng rừng được các cấp, các ngành quan tâm và đạt thành quả nhất định; năm 2007, toàn tỉnh tiến hành rà soát, quy hoạch ba loại rừng và từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành lâm nghiệp quản lý, phát triển rừng đạt kết quả đề ra.

Bằng nguồn vốn 661, đã trồng 378 ha rừng, đạt 102% kế hoạch, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn huy động từ các doanh nghiệp trồng 1.999 ha, đạt 112% kế hoạch, hỗ trợ trồng rừng sản xuất đến hộ dân trồng được 2.018 ha.

Bên cạnh đó, trong năm qua, tại Ðắk Lắk còn triển khai mô hình quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững (giữa Việt Nam và CHLB Ðức) để tiến hành lập bản đồ, xác định chức năng rừng, tính toán điều tiết rừng…

Bằng nhiều hình thức giao khoán, quản lý, bảo vệ nhằm đẩy nhanh công tác xã hội hóa nghề rừng, các tỉnh Tây Nguyên đã giúp các hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp gắn bó với rừng, nhiều buôn làng đã giảm đói nghèo từ sản vật của rừng. Chính sách thông thoáng, phù hợp với tình hình thực tế đã từng bước hướng dẫn cộng đồng lấy lại mầu xanh của rừng.