Thuỷ điện Cần Đơn trước nguy cơ xóa sổ

ThienNhien.Net – Hằng năm cứ vào mùa mưa, mực nước hồ thủy điện Cần Đơn, nằm trên địa bàn huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước luôn ở đỉnh điểm. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, tuy nhà máy chưa xả lũ nhưng mực nước hồ vẫn thấp hơn cùng kỳ từ 3 đến 5 mét. Ngoài yếu tố ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu toàn cầu, lượng mưa ít, thì một tác động gián tiếp nhưng rất nghiêm trọng là hiện tượng bồi lấp dòng sông Đak Huýt, nơi khởi nguồn của thủy điện Cần Đơn.


Hiện tượng bị bồi lấp của dòng sông Đak Huýt đã diễn ra từ nhiều năm nay – hậu quả của nạn phá rừng, và nghiêm trọng nhất là trong 2 năm trở lại đây. Từ lòng hồ thủy điện Cần Đơn đến thượng nguồn sông Đak Huýt dài gần 30 km, nhưng hiện rất nhiều đoạn trên tuyến sông này đã bị bồi lấp, chặn đến nửa dòng. Ngư dân đánh cá và cán bộ kiểm lâm huyện Bù Đốp là những người thường xuyên gắn bó, tuần tra trên tuyến sông Đak Huýt, cảm nhận rất rõ hiện tượng đáng quan ngại này.

Trên dọc tuyến sông Đak Huýt, đoạn thuộc khu vực Vườn Chuối, là điểm chỉ cách lòng hồ Cần Đơn hơn 15 km, nhưng cũng là một trong những điểm bị bồi lấp nghiêm trọng nhất của tuyến sông này. Những năm trước, quanh năm, ghe thuyền đều dễ dàng qua lại, nhưng nay ở điểm này, một nửa khúc sông đã bị bồi lấp bởi một đống đất, đá khổng lồ. Phần còn lại đã tạo thành một khúc ghềnh và một bãi sình rất nguy hiểm. Ghe, thuyền khó mà vượt qua.

Men theo triền sông, đoạn thuộc địa phận các xã Bù Gia Mập, Phú Nghĩa, Đakơ huyện Bù Gia Mập, hầu như đoạn nào cũng xuất hiện hiện tượng lở, xói mòn đất từ trên các ngọn đồi trọc và khe, suối đổ xuống. Hiện tượng này đã được Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp, lên tiếng cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng chưa được một cơ quan chức năng nào quan tâm.

Hiện nay, mức độ bị bồi lấp của dòng sông Đak Huýt đã quá nghiêm trọng. Nếu các ngành chức năng cứ tiếp tục phớt lờ, rừng tự nhiên cứ tiếp tục cho thanh lý để chuyển đổi sang rừng sản xuất, thì thủy điện Cần Đơn không chỉ “đoản thọ” mà mỗi mùa mưa lũ về, hạ lưu sẽ gánh lấy rất nhiều hậu họa.

Đến lúc đó, thủy điện Cần Đơn cũng chỉ còn là một công trình của quá khứ, của hoài niệm, chứ không còn là nơi tự hào đóng góp một lượng điện năng đáng kể vào lưới điện quốc gia, phục vụ cho việc phát triển kinh tế nước nhà. Đây cũng là lời cảnh báo chung cho những công trình thủy điện có chung số phận mà ở đó rừng đầu nguồn đang từng ngày bị bức tử một cách không thương tiếc.