Báo động về “lục địa thứ 7”

"Tân lục địa" này nằm giữa quần đảo Hawaii và miền duyên hải Bắc Mỹ. Đó chính là "bãi rác lớn nhất Thái Bình Dương", hay còn gọi là "lục địa thứ 7", được hình thành bởi hàng triệu tấn rác thải với sự "trợ giúp" của các dòng hải lưu.

1/3 diện tích Châu Âu

Các dòng hải lưu vùng này chuyển động xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ, làm thành một vòng xoáy khổng lồ, gom hút các loại rác thải trong biển lại một chỗ, giống như tác dụng của một luồng gió xoáy với những tờ giấy vậy.

Rác do các hoạt động của con người ở vùng ven biển hay từ các con tàu thải ra bị cuốn vào vòng xoáy, tích tụ trong nhiều năm, làm thành một “khối” có diện tích bề mặt tới 3,43 triệu km2 (tương đương 1/3 diện tích Châu Âu, hay gấp 6 lần diện tích nước Pháp).

Trong nước biển ở đây, người ta xác định được cứ 6 tấn nhựa mới có 1 tấn planton (loài vi sinh vật trong nước biển). Bề mặt của “lục địa thứ 7” thật khủng khiếp: Lớp rác nhựa dày 30m!

Việc hình thành “đảo rác nhựa” ở Bắc Thái Bình Dương không phải là chuyện mới. Người ta biết nó hình thành khoảng 10 năm trước nhưng vì đây là một vùng heo hút ít tàu bè qua lại nên chỉ gần đây nó mới thực sự gây chú ý.

Tổ chức Hòa bình Xanh đã nhiều lần lên tiếng báo động về “đảo rác” này nhưng chỉ khi một tổ chức hoạt động môi trường của Mỹ công bố những số liệu điều tra cụ thể, người ta mới nhận thức được mức độ nghiêm trọng của “đảo” ô nhiễm này.

Tác động của dòng nước xoáy làm khối rác ngày càng chặt. Khối lượng tổng cộng của nó ước tính khoảng 3,5 triệu tấn, trong đó nhựa chiếm phần lớn.

Diện tích bề mặt “đảo rác” tăng gấp 3 kể từ năm 1997 tới nay và có thể tăng hơn 10 lần từ nay tới năm 2030! Theo Hòa bình Xanh, trung bình 1km2 mặt biển ở đây có… 3,3 triệu món rác đủ kích cỡ!

Ô nhiễm dây chuyền

Các chuyên gia cảnh báo: Những thiệt hại mà hệ sinh thái biển phải gánh chịu do ô nhiễm rác nhựa sẽ khó lòng cứu vãn. Thực tế, rác nhựa có tuổi thọ tới 500 năm. Trong suốt thời gian đó, chúng có thể bị chia cắt thành những mảnh ngày càng nhỏ nhưng tính chất hóa học không hề thay đổi.

Từ đó xuất hiện loại “cát nhựa”, “súp nhựa”… bị các loài cá, chim biển… ăn vào nhưng không tiêu hóa được, tích tụ trong dạ dày khiến chúng có thể chết vì suy dinh dưỡng.

“Cát nhựa” cũng trở thành một loại “bọt biển” hút giữ những độc tố như DDT hay PCB… với nồng độ cao hơn bình thường hàng triệu lần, trở nên cực kỳ độc hại. Hậu quả có thể ảnh hưởng tới cả các loại thực phẩm dành cho người.

Hòa bình Xanh thống kê có ít nhất 267 loài sinh vật biển bị nhiễm độc kiểu này.