“Di dân tự do” trên lòng hồ thủy điện

ThienNhien.Net – Hai năm sau ngày dòng điện của thuỷ điện Tuyên Quang, thuỷ điện lớn thứ hai ở Miền Bắc hoà vào mạng lưới điện Quốc gia, và sau gần chục năm kể từ ngày người dân đầu tiên phải tái định cư để nhường đất cho lòng hồ, cuộc sống người dân tái định cư vẫn bộn bề khó khăn. Rất nhiều gia đình, vì không chịu được sự khó khăn tại nơi ở mới, buộc lựa chọn trở thành những “di dân tự do” trên chính mảnh đất xưa kia của mình, nay đã trở thành lòng hồ mênh mông sóng nước.


Tái định cư  sau gần mười năm vẫn chưa ổn định

Nằm cách trung tâm thị trấn chỉ khoảng 3 cây số, nhưng cuộc sống người dân tái định cư (TĐC) khu 876 và thôn Bản Nẻ (Nà Hang) khá đìu hiu. Hầu hết người dân TĐC khu vực này là những người di dời đến nơi TĐC sớm nhất, nhường đất đai phục vụ hồ thủy điện Tuyên Quang. Thế nhưng, sau gần 10 năm di dời, cuộc sống của những hộ TĐC tại khu 876 và Bản Nẻ không phải đang phát triển theo hướng ổn định và đi lên mà ngày càng… khó khăn hơn.

Bà Nông Thị Dung, trưởng thôn Bản Nẻ cho biết, 100% dân TĐC Bản Nẻ không có ruộng nương, ngoài 200m2 đất ở được phân khi mới về. Chính vì không có ruộng nương nên cuộc sống người TĐC nơi này rất bấp bênh. Để có tiền duy trì cuộc sống, người dân phải đi làm thuê đủ việc và xoay đủ nghề kiếm sống nhưng cái đói, cái nghèo vẫn chưa buông tha.

Ông Nguyễn Ích Hoàng, chủ hộ TĐC Bản Nẻ kể: Trước gia đình ông sống tại xã Vĩnh Yên. Ngay khi có chủ trương giao đất làm lòng hồ thủy điện, gia đình gồm 6 nhân khẩu của ông đã giao hơn hai nghìn mét ruộng, nương cho lòng hồ để đi TĐC. Tại nơi TĐC Bản Nẻ, gia đình chỉ được nhận vẻn vẹn 200m2 đất ở nên sau đó, cả nhà rơi vào cảnh không công ăn việc làm. Khoản tiền 150 triệu gia đình được hỗ trợ đến nơi TĐC chỉ sau 2,3 năm đã hết. Vì vậy, các con ông Hoàng, người thì chạy xe ôm kiếm sống, người chuyên vào rừng đào măng hoặc bốc vác gỗ thuê cho các lái gỗ ở thị trấn.

Như gia đình ông Hoàng, nhà bà Đinh Thị Huệ cũng có 3 đứa con trưởng thành không nghề nghiệp và không công ăn việc làm. Bà Huệ kể, cũng may vợ chồng bà còn có lương hưu, nếu không thì gia đình bà không biết sẽ sống thế nào. Không ruộng nương, không công ăn việc làm nên 5 nhân khẩu gia đình bà Huệ chỉ tập trung vào chăm nom mấy con lợn và mấy con gà. Nhưng vì diện tích đất quá nhỏ, lại chia dài thườn thượt nên việc chăn nuôi cũng rất bất tiện. Ngày nào gia đình cũng phải vài lần khiêng chất thải của gia cầm, gia xúc qua nhà chính đem đi đổ. Khi được hỏi những dự định lâu dài trong cuộc sống, bà Huệ chỉ biết thở dài. Bà rất sợ khi vợ chồng bà không còn nữa… không biết những đứa con không công ăn việc làm, không đất cát, ruộng nương làm ăn, chúng sẽ sống ra sao?

Nằm ngay sát khu TĐC Bản Nẻ, khu TĐC 876, với mấy chục hộ gia đình TĐC nhường đất cho lòng hồ thủy điện cũng có hoàn cảnh tương tự. Bà Mai Thùy Duyệt, Bí thư kiêm tổ trưởng tổ dân phố tổ 13 (khu TĐC 876) cho biết: không có ruộng, đa số dân không có việc làm nên đi đãi vàng, kiếm măng. Nhiều hộ TĐC không có ruộng nương rất muốn vay vốn để sản xuất, kinh doanh, nhưng hiện vẫn chưa có chính sách hỗ trợ vay vốn nào đến được với người dân TĐC.

Cùng khu TĐC với bản Nhùng, người dân bản TĐC Nà Chao cũng trong hoàn cảnh tương tự. Anh Bàn Văn Khé, trưởng bản Nà Chao cho biết: Phần lớn người dân TĐC ở đây đều ít ruộng, nương. Muốn bám trụ ở nơi TĐC cần phải mua thêm ruộng của người bản địa. Nhưng ruộng ở Nà Chao, phần lớn chỉ cấy được một vụ vì thiếu nước nên có nhiều hộ gia đình một năm có 5,6 tháng thiếu ăn,phải đi làm thuê để lấy tiền đong gạo.

Cuộc sống nơi TĐC khó khăn nên không ít hộ dựng được cái nhà xong thì quay lại lòng hồ kiếm sống. Anh Khé cho biết thêm, trong số 52 hộ gia đình đến Nà Chao TĐC, đã có 13 hộ chuyển về nơi ở cũ. Trở về nơi ở cũ, cuộc sống tuy bấp bênh nhưng ở đó, họ còn có kế sinh nhai.

Những phận người “tôm tép” giữa lòng hồ

Chỉ sau mấy phút đi thuyền, những ngôi “làng nổi” cứ mở ra trước mắt, trên mặt nước mênh mông. Những ngôi nhà được làm rất đơn sơ, dựng trên những bè lứa nổi lềnh bềnh trên lòng hồ, cuộc sống mong manh, tạm bợ.

Vừa băm chuối cho đàn vịt ngan, bà Mai Thị Thu cho biết: Năm 2004, mấy chục hộ dân bản Vòng Trục, xã Vĩnh Yên chuyển về TĐC ở xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn. Nhưng ở nơi TĐC, ruộng nương quá ít, lại thiếu nước phục vụ nông nghiệp. Năm 2006, vì quá khó khăn, vợ chồng bàn nhau quay trở lại lòng hồ sinh sống.

Tại lòng hồ mênh mông sóng nước, không có đăng ký tạm trú nên vợ chồng bà dựng ngôi nhà nhỏ trên bè lứa, ngày ngày đánh bắt cá, chăn nuôi ngan vịt. “Mang tiếng là di dân tự do, nhưng cuộc sống mới trên lòng hồ vẫn dễ chịu hơn cả việc sống ở nơi TĐC” – bà Thu cho biết.

“Tiền đền bù cho bà con, không phải thông báo mỗi hộ được 450 triệu đồng là được nhận cả 450 triệu. Mà tiền đó gồm cả tiền hỗ trợ chỗ ở mới, rồi điện, đường, trường, trạm. Bởi để có nơi cho người dân chuyển tới, chúng tôi phải mua đất làm ruộng, đất xây nhà, làm đường điện, xây trường học, đường nước, nhà văn hóa…. Cuộc sống người tái định cư thì khó khăn rồi. Nhưng theo tôi, cái khó khăn nhất của người dân tái định cư chính là khó khăn hội nhập văn hóa chứ không phải những khía cạnh khác”. (Ông Nguyễn Văn Chuyền – Phó chủ tịch UBND huyện Na Hang)

Chính vì sống trên lòng hồ dễ kiếm sống hơn nên rất nhiều người dân TĐC đã quay lại lòng hồ kiếm sống ngày một nhiều. Cách nhà bà Thu không xa là gia đình anh Phạm Công Hạnh, anh Dương Văn Luân và Trần Ngọc Minh.

Anh Minh cho biết, trước anh và gia đình sống ở bản 7, xã Vĩnh Yên. Năm 2003, gia đình đi TĐC ở xã Hoàng Khai, nhưng vì cuộc sống khó khăn, anh đã đưa cả gia đình (5 người) về lòng hồ kiếm sống bằng cách đi bắt tôm bắt cá. Anh Minh cho biết, hiện có rất nhiều gia đình trở lại lòng hồ, họ còn dựng cả lán để tăng gia sản xuất trên đồi.

Để ngăn cấm người dân trở lại nơi ở cũ định cư, chính quyền địa phương không ít lần đi phá lán, không cho trồng hoa màu nhưng nhiều người vẫn cứ lén lút làm, dù biết việc trở lại lòng hồ sinh sống và cấy trồng… là vi phạm pháp luật.

 Cũng là một “di dân tự do” sống trên lòng hồ thủy điện, anh Ma Văn Bạo, trước ở bản Nà Neo, xã Pắc Ban, sau này chuyển về TĐC tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn cho biết: di dời TĐC từ năm 2003, nhưng cuộc sống gia đình quá khó khăn nên năm 2006, anh và con trai đã quay lại lòng hồ kiếm sống.

Ngày mới trở lại lòng hồ thủy điện, hai bố con làm lán canh tác ruộng nương bị dỡ bỏ, nên phải dựng lều trên bè làm nghề đánh cá. Cuộc sống tạm bợ, nhưng anh vẫn thấy đỡ vất vả hơn nhiều cuộc sống tại nơi TĐC. Anh Bạo cho biết: Tại nơi gia đình TĐC, nhiều người bỏ nhà cửa, nương đất để quay lại lòng hồ sinh sống, với ý định sẽ định cư lâu dài.

Tuy không xác định chuyển hẳn về lòng hồ sinh sống, nhưng anh Triệu Văn Thanh và vợ là Bàn Thị Tâm, người bản Nà Tông, xã Vĩnh Yên, đã chuyển vào TĐC ở bản Nà Chao, xã Năng Khả nói: Nếu chính quyền làm căng, đuổi gia đình đi thì sau một, hai tháng, vợ chồng anh vẫn sẽ tiếp tục quay lại lòng hồ thủy điện kiếm sống, vì theo anh, nơi TĐC cuộc sống khó khăn lắm.

Cũng theo anh Thanh, ngoài gia đình anh còn có nhiều gia đình từ bản Nà Chao quay về đây sinh sống và làm nghề câu cá ở hồ. Mới đây, có lẽ chính quyền thị trấn biết anh trồng sắn, trồng ngô trên đồi và có ý định định cư lâu dài nên đoàn thanh tra liên ngành đã gửi giấy thông báo yêu cầu gia đình phải dỡ lều và chuyển về sống tại nơi TĐC.