Ô nhiễm làng mộc

ThienNhien.Net – Chàng Sơn và Dị Nậu (thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội) là nơi nổi tiếng với nghề làm mộc. Sản phẩm của họ có ở nhiều nơi, đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân. Nhưng dần theo năm tháng, sự phát triển của nghề kéo theo mức độ ô nhiễm môi trường ngày một tăng.

Người dân Chàng Sơn sinh sống bằng nguồn thu nhập chính là nghề mộc – một nghề phụ có từ lâu đời, do nơi đây từ xưa đã “lắm người, ít ruộng”. Còn xã Dị Nậu lại là nơi nghề mộc mới thịnh hành, sau nghề xây dựng.

Phần lớn xưởng mộc của người dân ở Dị Nậu đều gắn liền với khu sinh sống của gia đình. Tiếng máy bào, máy cắt, máy cưa ở các xưởng chế biến gỗ cùng mùi sơn phun và gỗ ngâm và bụi vẩn mùn cưa khiến không khí ngột ngạt, nồng nặc, đặc biệt dưới thời tiết nắng gắt càng trở nên khó chịu hơn.

Nhưng Dị Nậu chưa “nhằm nhò” gì so với Chàng Sơn. Trong khi Dị Nậu chỉ có khoảng 200 xưởng mộc thì Chàng Sơn nhà nhà đều tham gia làm mộc nên mức độ tiếng ồn, bụi và mùi gỗ ngâm cũng khủng khiếp hơn. 

Trước đây, người dân ở Chàng Sơn và Dị Nậu chỉ làm mộc thủ công bằng bào, đục, cưa nên mức độ ồn không cao, nhưng khi kỹ thuật phát triển, người dân quay ra sử dụng các loại máy móc bào-đục-cưa tạo nên tiếng ồn inh tai, nhức óc, bụi cưa bay tung tóe.

Mùi sơn nồng nặc cùng mùi gỗ ngâm bốc lên khắp làng khiến chính người dân cũng khó chịu đựng dù đã “chung sống” lâu nay. Nguồn nước ở đây trở nên ô nhiễm nặng bởi đủ các loại hóa chất độc hại sau quá trình ngâm tẩy gỗ. Nước ngâm này sẽ xả thẳng vào hệ thống rãnh thoát nước chung, sau đó đổ vào các ao tù hoặc ngấm luôn vào đất trong khi các hộ dân ở đây phải dùng nước giếng đào hoặc giếng khoan. Các loại bệnh liên quan, bệnh lạ và cả ung thư theo thống kê đều tăng.

Theo phản ánh của người dân, làm gỗ tự nhiên thì mức độ ô nhiễm còn thấp còn làm gỗ ván ép thì kinh khủng hơn.

Người dân đang hằng ngày mong ngóng có qui hoạch để sản xuất tập trung, tách khỏi khu dân cư nhưng giống như nhiều làng nghề truyền thống gây ô nhiễm khác, song đến nay họ vẫn phải chờ đợi. Bức bách, nhiều người đã chọn giải pháp tự qui hoạch như lấp ruộng chuyển xưởng ở Chàng Sơn!