Thế giới vi trùng trong nhựa tái chế

Đồ nhựa tái chế, ngoài chuyện chứa các hóa chất phụ gia độc hại, còn là chỗ trú ẩn lý tưởng của vi trùng, các nhà khoa học ở viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam (VAST) cảnh báo.

Vi trùng cố thủ


Lấy ngẫu nhiên một chiếc thìa nhựa tái chế trong một lô mua hết 20.000 đồng/kg ở một làng thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội, các nhà khoa học ở viện Hóa học thuộc VAST rửa sạch để loại bụi bẩn.


Họ cắt một mẩu trên lòng thìa màu trắng thường để ăn sữa chua, múc tương ớt, mắm, hoặc chè sen.


Soi lên kính hiển vi điện tử, nhà khoa học phát hiện một thế giới kinh dị. Lấy một giọt nước cống nhỏ lên thì thấy tất cả các hốc, các ngách kia ngập nước bẩn. Có những con bọ còn chui hẳn vào một hốc lớn nhất mà mắt thường không nhìn thấy được.


Rửa dưới vòi nước máy, mẩu thìa được mang trở lại để quan sát. Trên các mép, các rãnh, gờ hố, người ta thấy những sợi rác, những vật thể lạ từ giọt nước cống vẫn bám dính dai dẳng.


Các biện pháp rửa thông thường khó có thể lôi chúng ra khỏi những chỗ trú ẩn cực kỳ an toàn ấy cho đến khi thìa được đem đun sôi trong một thời gian dài hoặc tái chế ở nhiệt độ cao, thậm chí, đốt cháy.


Nhưng đun sôi ở 100 độ C, nhiều loại vi trùng vẫn chưa chết, GS.TSKH Trần Văn Sung, viện trưởng viện Công nghệ Hoá học, nói.


Vả lại, ở 100 độ C, nhiều thành phần hóa học của đồ nhựa tái chế bị biến đổi. Chúng có thể dễ dàng tan vào thức ăn như canh, nước mắm, tương ớt, sữa chua, sữa dừa…


Nhà khoa học cảnh báo, cho dù được bảo quản sản phẩm ngay từ khi ra khỏi khuôn đúc, thìa nhựa tái chế vẫn có thể chứa vi trùng. Các lỗ rỗng, dây dợ, cục, hòn, mạng nhện chằng chịt chính là nơi ẩn náu của chúng trong quá trình gia nhiệt ở nhiệt độ thấp.


Ở nhiệt độ ấy, 150 – 180 độ C, theo TS. Nguyễn Văn Tiến, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, “nguy cơ mầm bệnh vẫn còn”. Đấy là chưa kể “nhiều chủng loại nhựa phế thải không thể loại hết vi trùng”.


Với tình trạng phân loại rác thải y tế như hiện nay ở nước ta, các nhà khoa học cảnh báo, đồ thải nhựa y tế là nguồn nguy cơ cao nhất. 


Độc chất bồng bềnh


Kẻ thù đáng sợ hơn cả lại là chất độn, phụ gia đưa vào nhựa tái chế. Do mất nhiều đặc tính cơ, lý hóa ban đầu, để sử dụng lại, người ta bắt buộc phải đưa thêm vào một số phụ gia để tăng độ kết dính, độ xốp, tăng độ mềm dẻo, và tăng độ tươi của màu sắc để hấp dẫn người dùng v.v…


“Nhựa nguyên chất khi tái chế bị suy giảm nhiều đặc tính so với ban đầu” – TS Tiến nói.


Sự biến chất dễ quan sát nhất là màu. Từ màu sáng, trong, trắng, vật liệu tái chế chuyển sang màu vàng sau khi các cao phân tử (polymer) bị oxy hóa.


“Người ta thường pha thành màu tối bằng phụ gia” – TS Tiến nói tiếp. “Sau khi nghiền nhựa thành dạng bột, công nhân mới pha trộn”. Những phụ gia ấy – làm mềm dẻo, tạo màu, tạo sự ổn định – chứa các kim loại nặng như chì, cadmium, barium, thiếc, kẽm, v.v…


Bằng các phương pháp phân tích như sắc ký quang phổ, sắc khí lỏng, nhiệt, các nhà khoa học phát hiện hàm lượng kim loại nặng trong đồ nhựa tái chế rất cao. Trong thìa sữa chua, hàm lượng chì (Pb) là 26mg/kg thìa và cadmium (Cd) là 1mg/kg thìa.
Quan sát qua kính hiển vi điện tử, còn thấy thìa có nhiều cục carbonat với hàm lượng trên 20%, làm tăng hàm lượng kim loại nặng. Những cục, hòn nom như khối đá trên lớp bùn nhão trên ảnh phóng đại chính là phụ gia và chất độn.


“Với đồ nhựa tái chế đem đựng hoặc xúc thức ăn, nhất là thức ăn có tính acid cao như giấm, sữa chua, thạch, độc chất càng dễ hòa tan” -GS Sung cảnh báo.


Một nguồn khác làm bẩn đồ nhựa tái chế là khuôn đúc. Kiểm tra mẫu thìa sữa chua tái chế, còn thấy nhiều tạp chất hữu cơ lạ. “Chúng bị cấm sử dụng trong thực phẩm và có thể được dùng để lót khuôn đúc nhựa”.

Nếu được đưa vào tái chế, chất thải y tế còn có gây nguy cơ ngộ độc khác dù chúng đã được phân loại từ nguồn, không chứa vi trùng gây bệnh.


GS.TS KH Trần Văn Sung gọi hiện tượng đó là nhiễm độc hóa học. “Quá trình có thể xảy ra qua tiếp xúc với da, qua hít thở, ăn uống” – GS Sung nói.


Nguyên nhân của hiện tượng này là do, trong quá trình lưu giữ rác thải y tế để chờ xử lý, thường xảy ra hiện tượng lên men, vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Những vi sinh vật ăn rác thải y tế sẽ tạo ra hóa chất khác, gây độc cho những ai tiếp xúc hoặc hít thở phải nó.

“Cùng với các nguồn gây độc nêu trên, chúng biến các đồ nhựa tái chế dùng trong thực phẩm trở thành quả bom sinh học hẹn giờ”, nhà khoa học lo ngại.