Triển vọng phát triển cây mắc ca tại Đắk Nông

ThienNhien.Net – Trong thời gian gần đây, cây mắc ca (Macdamia) đã được nhiều hộ nông dân ở các vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đưa vào trong mô hình trồng xen. Tại Đắk Nông, mô hình trồng mắc ca xen trong vườn cà phê của gia đình ông Thu Cúc (thôn Phú Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) bước đầu đã cho thấy những hiệu quả tốt, mở ra triển vọng phát triển cây mắc ca tại Đắk Nông.


Từ năm 2004, gia đình ông Thu Cúc được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hỗ trợ 170 cây mắc ca giống, trồng xen trong vườn cà phê. Đến năm 2009, vườn mắc ca của gia đình ông đã thu hoạch được 800kg hạt/170 cây/năm, đặc biệt có một số cây cho năng suất 30kg hạt/năm.

Mắc ca là loại cây trồng mới còn mang tính thử nghiệm nên năng suất giữa các giống là không đồng đều, cơ cấu giống trong vườn còn có cả cây thực sinh, cây ghép và cây giâm cành. Tuy nhiên, bước đầu có thể khẳng định rằng mắc ca là cây trồng có giá trị kinh tế cao, ít sâu bệnh và có tính thích nghi rộng, không khó trồng, không đòi hỏi đầu tư quá nhiều, có thể trồng xen với nhiều loại cây khác như cà phê, chè, đậu đỗ.

So sánh cho thấy, điều kiện tự nhiên tại mô hình trồng mắc ca của hộ ông Thu Cúc với điều kiện tự nhiên một số vùng tại Đắk Nông là gần tương đồng nhau, hứa hẹn phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh sẽ xây dựng 11ha mô hình tại các huyện Đắk Rlấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Mil, với hy vọng cây mắc ca sẽ trở thành một loại cây trồng đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng.

Trong tương lai không xa, mắc ca sẽ trở thành loài cây có giá trị xuất khẩu cao bên cạnh nhiều loài cây khác như lúa, gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu.