“Thủ tướng cho phép triển khai dự án lọc dầu 27 tỷ USD”

ThienNhien.Net – Thông tin này được ông Hồ Quốc Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết tại buổi tọa đàm về thu hút đầu tư trên địa bàn.

Tính khả thi của dự án lọc dầu quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay là chủ đề được quan tâm trong buổi tọa đàm trực tuyến về thu hút đầu tư vào Bình Định, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 12/5. Tham gia chương trình có ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định.

Sau 3 năm đàm phán, tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đã ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD, dự kiến đặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, nhưng cũng dấy lên nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi, sự cam kết của nhà đầu tư cũng như các bước để triển khai dự án.

Trước những câu hỏi băn khoăn về dự án, tại buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề “Thu hút đầu tư – Kinh nghiệm từ Bình Định” tổ chức sáng 12/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: “Dự án rất khả thi ở nhiều khía cạnh”.

Theo ông, PTT là tập đoàn có sức mạnh về tài chính với tổng tài sản hơn 150 tỷ USD, nằm trong danh sách 100 tập đoàn có tài sản lớn nhất thế giới. Doanh thu hằng năm theo báo cáo tài chính của Tập đoàn là hơn 80 tỷ USD, lợi nhuận gần 3,5 tỷ USD.

Trong chiến lược phát triển, PTT cũng đề ra việc xây dựng nhà máy lọc dầu trong khu vực để nâng cao năng lực cạnh tranh. “Như vậy, năng lực và kế hoạch của nhà đầu tư đã có”, vị này nhấn mạnh.

Chính phủ cho phép triển khai "siêu" dự án lọc hóa dầu tại Bình Định (Ảnh: Bloomberg)
Chính phủ cho phép triển khai “siêu” dự án lọc hóa dầu tại Bình Định (Ảnh: Bloomberg)

Cũng theo ông Dũng, PTT từng khảo sát nhiều vị trí ở Việt Nam, Malaysia, Myanmar… trước khi chọn Khu kinh tế Nhơn Hội của Bình Định để triển khai nhà máy lọc hóa dầu. Ông khẳng định các ý kiến hoài nghi hiện nay chủ yếu tập trung vào năng lực tài chính của chủ đầu tư, chứ chưa ai khẳng định khu kinh tế Nhơn Hội không bảo đảm điều kiện xây dựng nhà máy lọc hóa dầu.

Ông Dũng cho biết khu kinh tế Nhơn Hội đã có sẵn hạ tầng, đầy đủ điều kiện để có thể triển khai dự án ngay lập tức, giá thuê đất rẻ nhất hiện nay trong khu vực. Nhơn Hội cũng có cảng nước sâu, kín gió, nằm trên đường giao thương quốc tế, có thể ra Bắc, vào Nam, đi ra với khu vực và trên thế giới.

“Cách đây 2 ngày, Thủ tướng đã ký văn bản chính thức cho triển khai dự án lọc hóa dầu tại khu kinh tế Nhơn Hội”, ông Hồ Quốc Dũng thông tin tại buổi tọa đàm.

Nêu quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “siêu dự án lọc hóa dầu tại Bình Định”, ông Vũ Đại Thắng – Trưởng ban quản lý các khu kinh tế nhận xét, đây là một dự án rất “táo bạo” trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, do vậy Bộ đã liên tục lập báo cáo để đánh giá.

Trước việc Thủ tướng đồng ý bổ sung sự án lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch, ông Thắng đánh giá cao sự kiện này nhưng cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt liên quan đến những chính sách ưu đãi đặc thù nhà đầu tư đặt ra và sự đáp ứng yêu cầu về kết cấu hạ tầng triển khai dự án.

Ông Man Ngọc Lý cho biết Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã ký văn bản giao UBND Bình Định hướng dẫn Tập đoàn Dầu khí Thái Lan lập dự án đầu tư. Tỉnh sẽ trình báo cáo dự án khả thi để Bộ Công Thương thẩm định, Thủ tướng ra quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, dự án cần được thẩm định về môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Tiếp theo nhà đầu tư dành thời gian 12 tháng lập hồ sơ mời thầu, 5 tháng chào thầu và xét duyệt kết quả đấu thầu trong khoảng 6 tháng. Sau bước này tiến hành thủ tục cấp phép xây dựng dự án và thời gian xây dựng kéo dài từ 2016 đến giữa năm 2020 trong khoảng 48 tháng, sẽ có sản phẩm đầu tiên của dự án.

Dự án có công suất khoảng 30 triệu tấn mỗi năm. Nguyên liệu dầu thô sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi, Nam Trung Mỹ với hơn 20 dòng sản phẩm lọc dầu và hóa dầu, chủ yếu để xuất khẩu.

Tổng vốn đầu tư cho nhà máy khoảng 27 – 28 tỷ USD. PTT đưa hai phương án là tỷ lệ vốn vay sẽ chiếm 50% hoặc 60% tổng vốn đầu tư, số còn lại là vốn tự có. Tập đoàn này sẽ bỏ ra 5 tỷ USD trong cả 2 trường hợp, còn lại là huy động từ đối tác trong và ngoài nước.

Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có văn bản phản đối việc triển khai nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội vì cho rằng không nằm trong quy hoạch và sẽ gây mất cân bằng cung cầu, vì hiện nay lọc dầu Dung Quất đã cung cấp 30% xăng dầu trong nước, sắp tới sẽ có thêm Nghi Sơn, Vũng Rô, Vân Phong… đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết quan điểm của Bộ là “ủng hộ” dự án.

Bình Định gần đây đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Định tăng từ vị thứ 38 năm 2011 lên vị thứ 4.


‘Không nên vội vàng với dự án lọc dầu 27 tỷ USD’

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng hiện Việt Nam không cần thêm nhà máy lọc dầu và lo ngại khả năng thu xếp vốn của dự án do nhà đầu tư Thái Lan khởi xướng, định đặt tại Bình Định.

Ông Trần Viết Ngãi chia sẻ quan điểm của mình khi UBND tỉnh Bình Định đang ủng hộ Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) xúc tiến kế hoạch xây nhà máy lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội với tổng vốn đầu tư 27 tỷ USD.

Theo tôi, dự án lọc dầu 27 tỷ USD tại khu kinh tế Nhơn Hội còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu chứ không phải quyết định được ngay. Thứ nhất là dự án này không nằm trong quy hoạch chung của ngành dầu khí Việt Nam. Thứ hai là ngành dầu khí hiện tại đã có nhà máy Dung Quất, chiếm 30% thị phần cung cấp xăng dầu trong nước, sắp tới còn triển khai nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn, Vân Phong và một số cơ sở lọc dầu khác nữa.

– Ông đánh giá như thế nào về đề xuất xây thêm nhà máy lọc hóa dầu tại Bình Định, sau khi Việt Nam đã có lọc dầu Dung Quất và đang triển khai xây dựng thêm nhà máy?

Nhu cầu trong nước không đòi hỏi thêm một nhà máy như vậy nữa. Ngoài ra, nhà máy này sẽ nhập dầu thô từ các quốc gia khác về lọc và sản phẩm sẽ xuất đi nước khác thì giá trị gia tăng Việt Nam thu được không cao.

Thông tin riêng mà tôi được biết thì PTT chỉ là bên nêu lên ý tưởng, họ còn phải kêu gọi rất nhiều nhà đầu tư khác nữa để đủ số vốn 27 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc kêu gọi hàng tỷ USD như vậy là không dễ dàng.

Do đó, tôi cho rằng phải có thời gian để nghiên cứu kỹ. Cần phải xem khả năng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường Việt Nam để không phải nhập từ nước ngoài. Đồng thời, đã có rất nhiều nhà đầu tư đưa ra con số hàng chục tỷ USD nhưng chưa chắc đã có, trừ phi họ giải ngân, nhà máy khởi công được thì mới nói dự án khả thi.

– Nhưng ý tưởng triển khai dự án được Bộ Công Thương ủng hộ về mặt chủ trương, sau khi đã tính tới nhu cầu thị trường?

Tôi chỉ cho rằng cần nghiên cứu kỹ về dự án. Phía PVN đã không đồng tình, phía Hiệp hội cũng không đồng tình vì một dự án tới 27 tỷ USD thì không hiểu nhà đầu tư Thái Lan có đủ tầm để thu xếp không.

Theo tôi, Chính phủ nên suy tính và không nên vội vàng với dự án lọc dầu này.

– Có ý kiến cho rằng PVN sợ mất thị phần nên mới phản đối. Ông bình luận gì về ý kiến này?

PVN không sợ mất thị phần, mà chỉ là họ hoạt động ở Việt Nam thì họ phải bảo vệ quyền lợi của Việt Nam. Hiện nay PVN cũng đi nhiều nước để khai thác dầu khí, PTT sang Việt Nam không khai thác mà chỉ lọc dầu thôi.

Tôi đặt câu hỏi tại sao PTT không đặt nhà máy tại Thái Lan mà phải đưa sang Việt Nam? Đây là vấn đề cần xem xét chứ không phải thấy 27 tỷ USD lớn mà ngay lập tức đồng ý.

– Câu chuyện triển khai dự án lọc dầu Nhơn Hội nói lên điều gì về quy hoạch ngành năng lượng hiện nay, thưa ông?

Quy hoạch ngành năng lượng hiện nay đang bị ngược. Đáng ra, nếu muốn xây nhà máy nhiệt điện thì phải có đủ nguồn than trước; bao nhiêu nhà máy điện chạy dầu thì phải quy hoạch dầu khí trước rồi mới đến quy hoạch điện. Tuy nhiên, hiện nay cách làm của chúng ta là quy hoạch điện trước rồi mới đến than, dầu khí.

Việc không đảm bảo quy hoạch có tính hệ thống, logic tạo ra những bất cập và khó khăn. Chẳng hạn hiện ngành điện xây dựng tới 52 nhà máy điện chạy than nhưng không có than để chạy, cũng chưa biết nhập ở đâu, mà giá than nhập khẩu lại đắt gấp đôi, gấp ba giá than trong nước. Từ đó khiến quy hoạch ngành điện khó có khả năng thành công.

Huyền Thư (ghi), 11/05/2013