Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Hy vọng từ việc “cởi trói” cho voi nhà

Lần đầu tiên, sau hàng chục năm, những chú voi nhà tại Đắk Lắk đã không còn phải chở hàng hay cõng khách. Từ Sáng kiến Du lịch sinh thái thân thiện, voi – biểu tượng vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên đang dần được “cởi trói” và trở về gần hơn với tự nhiên. Những hy vọng mới cũng từ đó le lói thành hình.

Những chú voi cô đơn tại hồ Lăk. Trong ảnh, nài voi Y Vinh bên chú voi đực hàng chục năm tuổi của mình. (Ảnh: Thành Đạt)
Giữa tháng 7/2023, dư luận cả nước xôn xao trước hình ảnh chú voi mang tên Banang bị xích chân, gầy mòn trong vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội). Thậm chí đã có một phong trào vận động trả Banang về với núi rừng Tây Nguyên, nơi chú đã sinh ra và trưởng thành.

Số phận của Banang thật ra không hề cá biệt, thậm chí còn có phần may mắn hơn nhiều đồng loại. Trước Banang, hàng trăm chú voi nhà cũng đã rơi vào “bi kịch” với nhiều câu chuyện thương tâm khác nhau. Đó là một Păk Kú tại Buôn Đôn (Đăk Lắk) từng bị chém hơn 200 nhát búa và rìu, bị rình trộm xác khi đã mất những năm 2010. Cũng trong cùng khoảng thời gian trên, hai chú voi phục vụ du lịch tại tỉnh Lâm Đồng đã bị kẻ gian chặt đuôi để về… làm trang sức.

Bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền cũng như các tổ chức bảo tồn nhằm giữ nhà và bảo vệ cho voi, quần thể sinh vật đặc hữu của Tây Nguyên vẫn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất lớn.

Nhân dịp này, Báo Nhân Dân xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết về Ký ức voi Tây Nguyên, với mong muốn giúp bạn đọc hiểu hơn về số phận bi kịch của Voi – một biểu tượng đang dần thất truyền nếu không có các hành động quyết liệt của vùng đất đỏ bazan kiêu dũng.

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Những con voi có số phận bi thảm nhất Tây Nguyên

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Nỗi lòng của “vua voi” Đàng Năng Long

Cần tính toán kỹ phương án nếu muốn trả voi Thủ Lệ “về nhà”

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Hy vọng từ việc “cởi trói” cho voi nhà

Voi và những ký ức vạm vỡ của đại ngàn Tây Nguyên: Việt Nam cần đưa ra kế hoạch bảo tồn voi bài bản và quyết liệt hơn

Từ hành trình H’Pló về rừng

H’Pló là tên một “cô voi” đã gần 50 tuổi tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ngày từ rừng về buôn làng, H’Pló được thuần dưỡng để phục vụ vận chuyển hàng hóa và sản xuất nông nghiệp.

Khi du lịch phát triển mạnh mẽ ở Buôn Đôn nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, cưỡi voi trở thành dịch vụ đặc trưng của địa phương này; đồng thời cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. H’Pló khi ấy đã phải cõng bộ ghế bành đồ sộ trên lưng.

Gần 10 năm tiếp theo, cuộc sống của “cô voi buôn Đôn” hầu hết chỉ là những tháng ngày chở khách. Giống như nhiều đồng loại, H’Pló bị xích cả ngày. “Cô” hụt hơi trong các dịp lễ Tết, bị quản tượng kiểm soát nghiêm ngặt với chiếc móc sắt nếu không nghe lời.

May mắn đã đến với H’Pló khi từ năm 2018, Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia), với sự hỗ trợ của quỹ từ thiện Olsen Animal Trust đã bắt đầu thực hiện Sáng kiến Du lịch sinh thái thân thiện với Voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Dự án ra đời nhằm thay thế du lịch cưỡi voi và những trải nghiệm trực tiếp tác động tới voi bằng mô hình du lịch sinh thái, thân thiện với voi.

Tháng 7 năm đó, Animals Asia đã cam kết tài trợ khoản tiền trị giá tối đa 65.000 USD trong thời gian 5 năm (từ tháng 7/2018 tới tháng 6/2023) nhằm hỗ trợ việc triển khai phát triển mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi.

Nội dung chính của dự án bao gồm hợp tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và bảo tồn voi cho cộng đồng dân cư xung quanh khu vực bảo tồn và trên cả nước. Bên cạnh đó, dự án cũng hướng tới việc hỗ trợ tư vấn thiết kế khu vực chăm sóc voi để đảm bảo phù hợp với mục đích và an toàn cho cả voi và khách tham quan.

Voi H’Pló sau khi được đưa về chăm sóc tại rừng quốc gia Yok Đôn. (Ảnh: Animals Asia)

Ngay từ thời điểm ấy, ông Y Lư Êban, chủ của H’Pló đã đồng ý chuyển voi về Yok Đôn để voi được sống tự do mà không phải làm việc hàng ngày. Đổi lại, gia đình ông cũng nhận được một khoản hỗ trợ từ Animals Asia. Và H’Pló trở thành “cô voi” đầu tiên của người dân địa phương tham gia mô hình du lịch voi thân thiện.

Tại “ngôi nhà mới”, H’Pló được tập dần với việc ghép đàn để cùng nhau khám phá, kiếm ăn, bơi lội trong các khu rừng già dưới sự giám sát của các nhân viên và chuyên gia. Cũng ở đây, sau nhiều năm, H’Pló được tái ngộ với người bạn cũ từng cùng chở khách khi xưa là H’Non. Ngay lập tức, chúng nhận ra nhau ngay và luôn gắn bó với nhau như hình với bóng tới tận bây giờ.

Trang web của Vườn quốc gia thậm chí còn có hẳn một mục riêng, giới thiệu… profile (lý lịch-PV) trích ngang của từng thành viên. Đó là một Bun Khăm, chú voi dũng mãnh được bán cho Vườn quốc gia Yok Don vào những năm 1990. Vào thời điểm đó, Vườn chưa được thành lập và đây vẫn là một Khu bảo tồn. Bun Khăm đã đi cùng với các cán bộ kiểm lâm trong các cuộc tuần tra đến phía tây của Vườn tới gần biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

Đó là H’Blú, người “chị” của đàn. Đã 63 tuổi, H’Blú có 1 thời gian dài làm việc trong các khu vui chơi, phục vụ chuyên chở du khách trên lưng như hầu hết các chú voi khác tại Đăk Lăk. Đầu năm 2022, H’Blú được… nghỉ hưu và bắt đầu tận hưởng khoảng thời gian tự do của mình trong môi trường bán hoang dã.

Đó còn là Thông Ngân, chú voi đực duy nhất và trẻ nhất tại Vườn. Năm nay 28 tuổi, Thông Ngân vốn sinh ra tại vùng rừng Suối Kiết, Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, cách Vườn quốc gia Yok Đôn gần 400 cây số. Năm 2001, gia đình 9 thành viên của Thông Ngân và người dân địa phương đã xảy ra xung đột voi-người. Trong cuộc xung đột đó, 2 cá thể voi đã chết, 1 cá thể chạy đến ngọn núi gần đó, số còn lại được đưa về Vườn quốc gia Yok Đôn để tái thả về tự nhiên. Thông Ngân được người dân giữ lại nuôi thành voi nhà trước chở khách, chở hàng trước khi tham gia vào chương trình thân thiện.

… Đến hy vọng “cởi trói” cho voi

Ông David Neale, Giám đốc Phúc lợi động vật của Animals Asia cho hay, tính tới thời điểm hiện tại, tại tỉnh Đắk Lắk, Tổ chức Động vật châu Á đã can thiệp phúc lợi cho 14 cá thể voi, trong đó 6 cá thể voi đang tham gia vào mô hình trải nghiệm voi thân thiện tại Vườn quốc gia Yok Đôn.

“Khi được đưa về, các thể voi sẽ được làm quen dần với nhau, ban đầu từ xa trước khi tiếp xúc gần hơn, để tiến tới ghép đôi, ghép đàn, đảm bảo đúng tập tính sinh sống của voi. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các chuyên gia quốc tế về voi, và các bác sỹ thú y thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe và phúc lợi của voi, để tư vấn và trực tiếp điều trị khi cần. Suốt quá trình ghép đàn, voi sẽ được đặt dưới sự giám sát các nhân viên, chuyên gia cũng như các nài voi có kinh nghiệm để voi không bị bỡ ngỡ trong môi trường mới”, Giám đốc Phúc lợi động vật của Animals Asia thông tin thêm.

Ông David Neale, Giám đốc Phúc lợi động vật của Animals Asia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Qua đánh giá của Animals Asia, voi nhà khi được đưa vào Vườn quốc gia Yok Đôn đã “thoát” được cảnh cõng khách du lịch, hay mua vui cho các lễ hội. Đặc biệt, voi được tự do di chuyển, hoạt động theo bản năng tự nhiên thay vì bị xích chân theo kiểu truyền thống của người dân địa phương.

Một tín hiệu đáng mừng là vào cuối năm 2022, dự án phúc lợi cho voi của Animals Asia tiếp tục được triển khai giai đoạn 2 cũng với thời hạn 5 năm. Ngày 15/12/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật châu Á đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc xây dựng và triển khai mô hình du lịch sinh thái thân thiện với voi tại Đắk Lắk nhằm hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi, góp phần bảo tồn voi.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2 giữa Animals Asia cùng Vườn quốc gia Yok Đôn. (Ảnh: Animals Asia cung cấp)

Animals Asia cũng cam kết viện trợ cho địa phương hơn 55 tỷ đồng để thực hiện dự án trong giai đoạn đến năm 2026 với mục tiêu phát triển mô hình du lịch thân thiện; qua đó bảo tồn và phát triển đàn voi nhà, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ.

Ngoài ra, dự án cũng hướng tới giúp chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi…

Đội quản lý chăm sóc voi của Animals Asia tại VQG Yok Đôn.

Vào thời điểm đó, ông Tuấn Bendixsen, trưởng đại diện Animals Asia tại Việt Nam khẳng định: Về lâu dài, chương trình muốn đưa tất cả voi nhà vào một chương trình du lịch thân thiện với voi để chúng được chăm sóc đúng cách, tạo điều kiện tinh thần, thể chất để có thể sinh sản, khôi phục đàn voi nhà.

Đại diện Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cũng thông tin: Hiện đơn vị đang mong muốn có thể quy tụ được đàn voi về chung một mối để tạo quần thể, qua đó nâng cao cơ hội “kết đôi” của voi. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk hiện cũng có kế hoạch xây dựng phối giống nhân tạo cho voi và đang xin chủ trương xin nhập 4 voi cái đang trong độ tuổi sinh sản ở Myanmar về phục vụ công tác bảo tồn.

Từng được coi là thủ phủ của voi, nhưng qua thời gian, số lượng voi nhà tại Đắk Lắk cũng giảm mạnh. Cụ thể, trong thời gian 1979-1980 tỉnh Đắk Lắk có 502 con voi thuần dưỡng; năm 1990 có 299 con; năm 1997 còn 169 con và năm 2000 chỉ còn 138 con, giảm 364 con trong vòng 20 năm (từ 1980-2000) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2013). Tới thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk chỉ còn gần 40 cá thể voi nhà, phân bố tại các huyện Buôn Đôn, Lắk và Krông Ana.

Trên góc độ chính sách, tại kỳ họp thứ 3 nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 78/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 về một số chính sách bảo tồn voi. Theo đó, tỉnh quy định hỗ trợ 500.000 đồng/chủ voi cái/ngày và 600.000 đồng/chủ voi đực/ngày trong thời gian 30 ngày voi gặp gỡ, giao phối. Trong thời gian voi mang thai và sinh sản, hỗ trợ 300.000 đồng/ngày trong 10 tháng đầu thai kỳ; 600.000 đồng/ngày từ tháng 11 thai kỳ đến tháng thứ sáu sau khi voi sinh con đối với chủ voi cái.

Tính tổng cộng, nếu voi cái mang thai (thời gian từ 22-24 tháng) và sinh sản, chủ voi có thể nhận khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, nài voi chăm sóc voi trong thời gian giao phối, sinh sản, nuôi con cũng nhận khoản hỗ trợ 200.000 đồng/ngày trong 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực.

Nhằm hạn chế xung đột giữa voi với người, tỉnh Đắk Lắk cũng ưu tiên những địa phương thường có voi hoang dã xuất hiện. Cụ thể, những địa bàn này được phép thành lập các tổ bảo vệ, mỗi tổ không quá 10 thành viên để theo dõi, giám sát di chuyển của voi, tổ chức xua đuổi voi phá hoại. Mỗi tổ nhận hỗ trợ 20 triệu đồng và mỗi thành viên được hỗ trợ 5 triệu đồng/năm.

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, sản xuất trong khu vực có voi hoang dã cư trú, di chuyển, khi bị voi tấn công thì được hỗ trợ 100% giá trị tài sản bị thiệt hại và 100% tiền khám, tiền thuốc điều trị vết thương do voi gây ra. Đồng thời, cá nhân được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với tỷ lệ sức khỏe bị tổn thương.

Tấm biển tuyên truyền được treo ngay đầu đường vào Khu du lịch Bản Đôn. Ngừng cưỡi voi và hãy cười cùng voi.

Còn với riêng những nài voi như Đàng Năng Long, Y Vinh, Y Thanh Uông, điều họ mong mỏi nhất lúc này là có được một khu rừng để chăn thả voi.

“Chúng tôi vẫn mơ về một cao nguyên, một đại ngàn cho voi sinh sống, kết đôi, yêu nhau và sinh ra các thế hệ kế tiếp trước khi chúng quá già”, vua voi người M’nông buông lời nguyện cầu nhẹ bẫng. Bên ngoài trời Tây Nguyên vẫn lất phất mưa bay…

Có cơ sở để thực hiện đề xuất đưa voi Thủ Lệ về nhà

Liên quan đến đề xuất đưa 2 con voi tại vườn thú Hà Nội về chăm sóc tại Vườn quốc gia Yok Đôn, ông David Neale, Giám đốc Phúc lợi động vật của Animals Asia khẳng định: Đề xuất trên hoàn toàn khả thi vì thực tế đã chứng minh sức khỏe về thể chất và tinh thần của voi được cải thiện rõ ràng khi tiếp xúc với môi trường tự nhiên.

Trước lo ngại về việc voi khó hòa nhập khi đã “lớn tuổi”, ông David Neale dẫn chứng: Trong số 14 cá thể voi đang được Animals Asia hỗ trợ chăm sóc có H’Khun là chú voi năm nay đã 67 tuổi. Ngoài ra còn có 3 cá thể khác cũng đạt độ tuổi trên 50. Các cá thể này đều đã thích nghi tốt với điều kiện mới.

Voi gầy mòn tại vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội)

Ngoài ra, trên thế giới, đã có nhiều trường hợp voi được đưa từ vườn thú về các khu bảo tồn có môi trường bán tự nhiên thành công, trong đó có thể kể tới Vườn thú San Francisco, Vườn thú Detroit, hay gần đây là Vườn thú Knoxville cũng đang chuyển dần đàn voi của mình về khu bảo tồn có môi trường bán tự nhiên. Còn ở Vương quốc Anh, vào năm 1984, tổ chức Born Free đã ghi nhận 20 vườn thú có trưng bày voi, nhưng hiện nay con số đó chỉ còn 11.

Các vườn thú đó đã quyết định không tiếp tục nuôi voi nữa và chuyển voi về môi trường bán tự nhiên sau khi đã cân nhắc rất kỹ về điều kiện sống và phúc lợi của voi trong điều kiện vườn thú, đặc biệt là các vườn thú được xây dựng trong đô thị có nhiều hạn chế về diện tích và cơ sở vật chất. Sau khi được chuyển về môi trường bán tự nhiên, các cá thể voi đều được ghép đàn và sống đúng theo bản năng tự nhiên của mình.