Đen bạc quẳng lại giữa… miền vàng! – Kỳ cuối

ThienNhien.Net – Bao nhiêu “đau thương” và phản trắc trong lòng người cũng như việc suy thoái môi trường sống nghiêm trọng ở các miền vàng tuyệt vời kia là do đâu? Tất nhiên, có tài nguyên trong lòng đất, thì phải tính kế khai thác phục vụ dân sinh và các mục tiêu quan trọng khác của quốc gia. Tất nhiên, đào vàng ở sâu tít trong bụng núi non, đất đai, sông ngòi, thì trước mắt, dù thế nào địa mạo miền vàng cũng bị xới lộn kiểu “đại công trường” ít nhiều…

 
“Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi”

 

Thế nhưng, tất cả những lý do trên không tài nào đủ để biện mình cho những sự thật vô lý đến nực cười, kiểu như: tàn sát các kho di sản thiên nhiên danh tiếng để “ăn cướp” quặng như ở Phia Oắc; cấp phép đào vàng trong “bể nước ăn” của cả một thị xã tỉnh lỵ như Cao Bằng; hoặc dung túng cho doanh nghiệp làm vàng đập nát vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên trong cả nghìn ngày, rồi cuỗm vàng biến mất, để lại các thôn bản tan hoang, đói khát, thậm chí chết chóc vì các hậu quả môi trường, hậu quả của sự lừa đảo theo đúng nghĩa đen như ở Na Rì, Bắc Kạn.

 

Càng không thể lý giải nổi, vì sao không ít cơ quan chức năng ở Bắc Kạn có biểu hiện “nương tay” cho các công ty Tấn Thành, Kim Mỹ Hưng “lặn không sủi tăm” sau khi giết chết nhiều khúc tuyệt mỹ nhất của dòng sông Bắc Giang, giết chết rừng đặc dụng, ruộng đồng, làm “náo loạn lòng đất” gây ra hiện tượng “bỗng dưng” nứt nổ nhà cửa và xóm mạc với những hố sâu dăm bảy chục mét…

 

Những câu chuyện đã như vậy và liên tục kiểu như vậy, khiến cho những người thực hiện loạt phóng sự này, không còn cách nào khác, là phải đặt câu hỏi về cách quản lý khai thác khoáng sản miền Đông Bắc: Đằng sau các quyết định “giao mỏ” cho doanh nghiệp là gì? Đằng sau sự bắt nạt dân lành, lộng hành “ăn cướp” tài sản của “công thổ quốc gia” kia là gì?

 

Nhà thơ Xuân Diệu, sinh thời chắc cũng vì quá đa tình nên đã phải cay đắng lắm khi đem thứ vàng ròng của tâm hồn mình ra tặng nhầm chỗ. Ông viết, “Người ta khổ vì thương không phải cách/ Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người/ Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi/ Người ta khổ vì xin không phải chỗ”. Bài thơ này có tựa đề “Dại khờ”.

 

Trong những ngày lang thang miền thượng du Bắc Kỳ với các kho vàng của tất cả chúng ta kia, tôi đã thấy câu thơ “Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi” nó đang vận vào chúng ta. Sao lại giao khối tài sản chung của quốc dân đồng bào kia cho các doanh nghiệp (mà không ít đơn vị là) bạc ác đó? Hậu quả là không chỉ mất kho vàng, mà còn khổ sở mọi lẽ, mất niềm tin vào cán bộ, gây mất trật tự an ninh xã hội.

 

Khi cơ quan “cầm cân nảy mực” tỉnh Cao Bằng cho phép mấy doanh nghiệp “xẻ thịt” dòng sông Hiến và các con suối đầu nguồn (là nguồn nước sinh hoạt của tỉnh lỵ và các huyện lỵ dăm bảy vạn dân), không biết bà con các dân tộc tỉnh Cao Bằng thu được cái lợi lộc gì chưa, nhưng thảm trạng thì đã hiển hiện.

 

Nước cấp cho nhà máy nước dùng để ăn vào miệng của người dân thị xã này đục gấp 400 lần cho phép, cách đây chưa lâu còn trong vắt, trông thấy từng cọng rêu dưới đá sỏi đáy sông, nay đã sền sệt đến mức, nước ấy để tưới rau đôi bờ cũng không được nữa.

 

Và, kết quả là, ông Quân, Giám đốc nhà máy nước phải ký công văn gửi UBND tỉnh Cao Bằng, lời lẽ vô cùng thống thiết: nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân và xianua là rất cao, các cái chất giết người cực kỳ kinh tởm đó sẽ làm tổn hại sức khoẻ của người dân. Nguồn lợi từ đào vàng, không tài nào đánh đổi được với sự sống còn của nhiều vạn cư dân như thế.

 

Chưa hết, lối cấp phép đào vàng “khó hiểu” đến mức, trong trao đổi với nhóm PV chúng tôi, ông Nông Văn Páo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cũng thấy “buồn cười” và không tài nào lý giải nổi đó, còn gây ra nhiều hệ luỵ nữa. Rằng: đào vàng trái phép là… đáng lên án, huyện uỷ, UBND huyện Thạch An (nơi có các mỏ vàng nổi tiếng) đã nỗ lực ra quân ngăn chặn rất hiệu quả rồi. Đùng một cái có tin sắp làm… thuỷ điện, ông doanh nghiệp san ủi lanh tanh bành, nhiều ông đem vài trăm công nhân vào đánh bay, chọc thủng các ngọn núi che kín bầu trời miền Tây huyện nhà ra. Họ làm gì, họ đào vàng. Ô hay, nhà nước cấp phép cho doanh nghiệp (3 “ông” với hàng trăm công nhân) đào vàng được, tại sao, dân chúng tôi ở nơi này từ ngàn đời, ruộng nương, sông suối, đường xá, nhà cửa này là nơi chúng tôi và ông bà ông vải chúng tôi đã “chôn nhau cắt rốn”, phải đào được quá đi chứ!

 

Từ bấy, nạn đào vàng bùng phát, mọi nỗ lực “ra quân” của UBND tỉnh Cao Bằng và ngành chức năng, tính đến đầu tháng 4 năm 2010 này, vẫn luôn ở dạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Đừng mong chiến dịch thành công, nếu lòng dân không đồng thuận. Mỏ vàng ở với dân, vàng tặc là… bà con mình chứ ai.

 

Xin nhấn mạnh: sự thật trên đã được lãnh đạo huyện Thạch An nói với chúng tôi trong các cuộc trả lời phỏng vấn chính thức tại trụ sở của họ; các chi tiết kia được thể hiện trong các bản báo cáo chính thức mà chính quyền huyện tá hoả gửi lên tỉnh!

 

Hậu quả là gì, là chiến dịch dẹp vàng tặc chưa ra quân đã… lộ, đoàn kiểm tra đến nơi thì chỉ thấy vài cái máy hỏng và mấy ông nông dân lơ thơ mót vàng rồi cứ thế đem kết quả ấy về, “nã” vào báo cáo. Quả là, người viết bài này phải cân nhắc lắm mới dám dùng một câu chua xót mà rất đúng bản chất vấn đề như sau: cung cách quản lý như vậy, rõ ràng là: “có kho vàng mà tặng chẳng tuỳ nơi”, để rồi “cán bộ địa phương, không ít người đứng về phe… vàng tặc”.

 

Bằng chứng là hơn 10 cán bộ ở 3 xã trọng điểm đào vàng trái phép trên đầu nguồn sông Hiến đã bị xử lý, kỷ luật, việc “buông lỏng quản lý” ở địa phương (cấp xã) đã được tỉnh nhận định bằng văn bản hẳn hoi. Cổng UBND xã, vàng tặc đào tan hoang, mà cán bộ mặc kệ. Đảng viên, công an viên, cũng làm chủ máy đào vàng tơi bời khói lửa.

 

Đặc biệt, ông Nguyễn Đặng, Bí thư huyện uỷ Thạch An buồn lắm, khi xác nhận: đến thành lập đoàn kiểm tra, các xã cũng… chịu, đến đi cùng cán bộ đi dẹp vàng tặc, nể nang lắm, các đồng chí ấy mới đi một buổi, buổi thứ hai hoặc nửa buổi thôi là trở về… “cáo ốm”.

 

Trả lời phỏng vấn chúng tôi, một cán bộ xã Minh Khai, người có mặt trong tất cả các chiến dịch dẹp đào vàng trái phép, thở dài, thật thà kể những câu chuyện “ra quân giả vờ” của cán bộ địa phương với bao nhiêu là “hài hước”. Trong khi đó, đồng chí Chủ tịch UBND xã, thấy nhà báo là bỏ trốn.

 

Trở lại các điểm nóng “vàng tặc” ở Bắc Kạn. Báo chí địa phương đã thẳng thắn chỉ ra những điều không tài nào hiểu nổi trong việc cấp phép cho doanh nghiệp 3 năm ròng đem máy lớn với cả trăm người vào Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ để khai thác vàng.

 

Người dân đi kiện búa xua, doanh nghiệp “lừa dân” trắng trợn, đặc biệt, một bản báo cáo của trong chiến dịch truy quét của UBND huyện Na Rì mới đây còn cho thấy: dù đã hết hạn khai thác (trong giấy phép), doanh nghiệp Tấn Thành vẫn đổ quân vào đào bới khu bảo tồn, kéo theo là rất nhiều người dân ăn ở trong rừng để làm vàng thổ phỉ. Tổ công tác đã phát hiện tới 138 lán đào vàng ở xã Kim Hỷ (là mấy trăm “thợ đào”?); đặc biệt, Công ty Tấn Thành vẫn có tới 2 giàn tuyển quặng khổng lồ đang hoạt động.

 

Doanh nghiệp nọ coi thường pháp luật, lộng hành đến mức: không những thực hiện quyết định của UBND tỉnh (Bắc Kạn) về phê duyệt phương án hoàn thổ mà tiếp tục đào quặng để tuyển rửa tận thu vàng trái phép, 5 ô tô của doanh nghiệp này cùng 11 máy xúc, 2 máy gạt, 2 máy phát điện 200KW và 5 giàn tuyển đã bị tóm.

 

Lại nhớ đến ông Văn, trưởng bản Kim Vân, cái bản mang tên vàng (Kim), ở cái xã mang tên niềm vui có vàng (Kim Hỷ) ấy thật tội nghiệp, ngồi trên kho vàng mà chịu nhục nhã, chịu bị lừa đảo trong đói nghèo như thế.

 

Ông Văn và vài trăm cư dân bản Kim Vân có vui được không, khi mà UBND huyện Na Rì tóm được bao nhiêu “tội trạng” (và “công cụ gây án”) của doanh nghiệp nuốt lời hứa với mình? Xin thưa, không vui đâu. Vì trước các vi phạm tày trời như thế, nhưng, theo một tài liệu đáng tin cậy, địa phương vẫn tiếp nhận kiến nghị cho Tấn Thành tiếp tục được cấp phép đào vàng trong vùng lõi khu bảo tồn Kim Hỷ, để nhằm vào những mục tiêu rất chi là… lớn lao và quan trọng, như: tận thu hết tài nguyên khoáng sản, tránh lãng phí, tăng thu ngân sách, và quản lý chặt chẽ trong quá trình khai thác không ảnh hưởng đến bảo vệ rừng trong khu vực, tránh gây dư luận bức xúc trong nhân dân (!!!).

 

Nếu công ty Tấn Thành được tiếp tục được cấp phép “tàn sát” môi trường, tàn sát niềm tin của bà con với cung cách quản lý miền vàng Tốc Lù (như họ đã làm suốt hơn 1.000  ngày trước đây!), thì đúng là chúng ta đã “có kho vàng mà tặng chẳng tuỳ nơi”. 

 

Ở xã Lương Thượng bên cạnh, mỏ vàng Ao Tây cũng được công ty Kim Mỹ Hưng cũng “xuống tay” làm những việc tàn độc tương tự. Sau khi “xin phép” tỉnh cho đào vàng với đề án trước khi nước “đào đãi” vàng thải ra sông Bắc Giang phải qua 70m mương và 3 lần bể lắng lọc, công ty này đã ngọt ngào cam kết; để rồi đến khi thi công, thì họ hiện nguyên hình là một “tên thổ phỉ” ăn cướp tài nguyên, xả độc thẳng ra sông.

 

Khi huyện, xã phát hiện, kiểm tra, kết luận, làm công văn báo cáo tỉnh, “nó” chả sợ, nó cứ… đào vàng tiếp như ở chỗ không… người. Đào hết rồi, nó “qua cầu rút ván”, lặn không sủi tăm. Theo nguồn tin đã được xác tín, lẽ ra công ty Kim Mỹ Hưng phải nộp thuế và phí môi trường cho nhà nước là 5 tỷ đồng/ năm để “móc vàng bỏ túi”, nhưng sau đằng đẵng thời gian “ăn lộc Ao Tây”, đơn vị này mới chỉ nộp cho chi cục thuế huyện có 300 triệu đồng.

 bản danh sách

Danh sách các hộ dân nứt, vỡ nhà do Công ty Kim Mỹ Hưng đào vàng bừa bãi ở mỏ vàng Ao Tây (xã Lương Thượng, Na Rì, Bắc Cạn) gây ra. Cuỗm vàng xong, doanh nghiệp này “lặng lẽ ra đi”, bà con không biết kêu ai.

Đi giữa cánh đồng vỡ toác, bỏ hoang hoá của bà con, cầm tờ giấy kín đặc danh sách các hộ bị nứt nhà cửa vì công ty đào vàng bậy ẩu, lừa lọc gây ra, lại lang thang hang hốc cùng những người dân quá khó khăn phải đi “ăn mày” trên chính quê hương mình bằng cách đi “mót vàng” trong các hố doanh nghiệp để lại – tôi thấy miền vàng đang ứa nước mắt.

 

Cô gái mót vàng bần thần ngồi bên bờ sông ô nhiễm đặc sệt, nói: “Em sợ lắm, đất này vẫn là đất của doanh nghiệp, nhà nước cấp cho họ đào vàng. Họ nuôi chó dữ lắm, mình mót mỗi ngày được vài cái mảy bán 50 nghìn đồng. Nhưng khi họ xuỵt chó ra thì có chạy đằng giời. Anh Hoàng Văn Thống vừa bị chó cắn suýt chết…”.

 

 

Chúng tôi muốn kết thúc loạt bài viết của mình bằng một thông tin nóng hổi ở một Hội nghị Trung ương, như sau: tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật khoáng sản (sửa đổi) ngày 18/3/2010 vừa qua, ông Trần Đình Nhã, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh – bức xúc: “Chúng ta tuyên bố khoáng sản là tài sản toàn dân, nhưng người muốn khai thác chỉ cần xin giấy phép, nộp một ít phí môi trường là biến khu vực khai thác khoáng sản đó thành tài sản tư. Nhiều nơi xảy ra tình trạng khai thác vô tội vạ, không thấy phải nộp tiền gì cả. Tôi không thuộc hạng quan chức có quyền thế gì, nhưng nhiều người cứ hỏi có quen ông nọ ông kia không để giúp người ta xin giấy phép. Người ta sẵn sàng chi ra mấy tỉ” (lời phát biểu này đã được báo Tuổi trẻ TP HCM trích đăng).

Đúng là, cứ cẩu thả với khoáng sản như những gì chúng tôi thấy hiện nay, thì thật là tai hoạ.

 

Đen bạc quẳng lại giữa… miền vàng! – Kỳ 1

 

Đen bạc quẳng lại giữa… miền vàng! – Kỳ 2