Nỗi lo khô hạn vùng Mê Kông

ThienNhien.Net – Việc lưu giữ nước tại các đập thuỷ điện tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có phải là nguyên nhân gây khô hạn cho vùng hạ lưu Mê Kông hay không? Đó là câu hỏi mà cộng đồng dân cư cũng như các tổ chức hoạt động môi trường và chính phủ các nước trong lưu vực sông Mê Kông đang nóng lòng tìm lời giải đáp.

 
Nỗi lo thường trực sau đập thủy điện

 

Thực ra nghi ngại này đã được đặt ra từ cả thập kỷ nay, khi những con đập lớn tại vùng thượng nguồn sông Mê Kông thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc lần lượt ra đời. Người ta đã lo ngại và cảnh báo những hệ lụy thảm hoạ môi trường khắc nghiệt mà vùng hạ lưu sẽ phải gánh chịu.

 

Trong hai năm qua, vùng hạ lưu Mê Kông đã phải gánh chịu lũ lớn bất thường, đến nay lại lâm vào cảnh thiếu nước, có thể nhận thấy rõ rệt ở Thái Lan.

 

Theo Trung tâm nước Chiang Saen (Thái Lan), mực nước sông Mê Kông chảy qua Thái Lan đã giảm nhiều, có thời điểm xuống chỉ còn 33cm, so với mức trung bình 2,2m (so với mực nước biển) cùng kỳ hàng năm.

 

Chính quyền vùng Chao Phraya đã phải thuyết phục người dân không trồng cây trái vụ. Ở Đông Bắc Thái Lan cũng đã xảy ra việc nông dân biểu tình đòi kiểm soát việc bơm nước và đóng mở các cửa xả nhà máy thủy điện.

 

Tờ Nation của Thái Lan lập luận: Cả hạn hán lẫn lũ lụt đều để lại những hậu quả lớn, tuy nhiên, hậu quả của hạn hán thường khó kiểm soát hơn.

Một minh chứng đơn giản là khi xảy ra lũ lụt, việc chính phủ bồi thường, hỗ trợ đơn giản hơn bởi có những bằng chứng rõ ràng về việc mất mát đất đai, nhà cửa, ruộng vườn. Tuy nhiên, với hạn hán, tuy nông dân mất mùa, họ vẫn còn cơ hội hồi phục nếu có nước trở lại, vì vậy họ khó được giúp đỡ. Lũ lụt gây khó khăn cho một bộ phận dân cư này nhưng mang lại lợi ích cho một số đối tượng sản xuất khác, còn hạn hán thường là gây khó khăn chung, dễ làm gia tăng xung đột.

 

Trận lụt nặng nề năm 2009 ở Chiang Saen đã gây thiệt hại khoảng 85 triệu bạt (khoảng hơn 25 triệu USD), nhưng con số thiệt hại do hạn hán năm nay chưa được đánh giá.

Uỷ ban sông Mê Kông cho biết không riêng Thái Lan, mực nước sông ở vùng Tây Nam Trung Quốc được đo gần đây đã chạm mức thấp kỷ lục trong vòng 50 năm qua, với lưu lượng chỉ đạt ½ so với mức bình quân cùng kỳ hàng năm.

 

Ở hạ lưu, Lào cũng đã phải ngừng không dùng phà qua sông ở Luang Prabang để đảm bảo an toàn cho người dân.

 

Cần một cuộc đối thoại

 

Trực tiếp phải đối mặt với khô hạn, lại nằm ngay dưới các con đập thuỷ điện lớn của Trung Quốc nên phản ứng mạnh mẽ của các tổ chức môi trường và cộng đồng dân cư Thái Lan cũng là điều dễ hiểu. Người ta dễ dàng quy về mối quan hệ nhân quả giữa việc giữ nước cho đập thuỷ điện và tình trạng khan hiếm nước sau đập.

 

Niwat Roykaew, lãnh đạo Nhóm bảo tồn Chiang Khong phát biểu “Không ai cho Trung Quốc thấy được bức tranh thảm hại mà chúng tôi đang chứng kiến. Là những nạn nhân đầu tiên, chúng tôi cần phải lên tiếng và tìm lối thoát cho chính mình.”

Được biết,  các nhà chức trách Chiang Rai, Thái Lan đã gửi thư tới chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc hồi tháng trước, yêu cầu mở cửa đập để giảm bớt áp lực thiếu nước, song họ đã nhận đựơc phúc đáp từ chối. Phía Trung Quốc lấy lý do phải dự trữ nước cho nông nghiệp mùa khô.

 

Dưới sức ép của các nhóm hoạt động môi trường và cộng đồng, chính phủ Thái Lan đã phải tổ chức cuộc đối thoại với Trung Quốc về tác động của đập thuỷ điện và về việc suy giảm nước sông Mê Kông ngày 8/3 vừa qua.

 

Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva phản ánh với phía Trung Quốc nghi ngại của cộng đồng dân cư vùng hạ lưu trước vấn đề hạn hán do không có thông tin rõ ràng về việc vận hành các con đập ở Trung Quốc, đồng thời đề xuất thành lập một diễn đàn để các chuyên gia các nước trong khu vực chia sẻ thông tin.

 

Mặc dù vậy, việc đàm phán với một nước lớn, lại nắm giữ vùng thượng nguồn con sông, như Trung Quốc không hề đơn giản. Ngay bản thân các nhà lãnh đạo Thái Lan cũng không muốn gây căng thẳng, họ đã giữ quan điểm hoà giải.

 

Phát biểu trước giới báo chí, Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya, nói:”Chúng ta không nên đổ lỗi lẫn nhau, thay vào đó nên bàn phương thức hợp tác với Trung Quốc để cùng quản lý nguồn nước Mê Kông”.

 

Về phía mình, Trung Quốc vẫn khăng khăng với lập luận rằng các con đập của Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam – vùng thượng nguồn Mê Kông không gây tác động lớn đến lưu lượng nước vùng hạ nguồn. Trung Quốc chỉ đóng góp 13% vào tổng lưu lượng nước Mê Kông.

 

Đáp lại sự chỉ trích của các nước hạ lưu, Trung Quốc đã mời đại diện 4 quốc gia hạ lưu tham quan đập Cảnh Hồng, một trong bốn con đập trên dòng chính Mê Kông đã vận hành. Công trình thuỷ điện Cảnh Hồng có công suất 1.500 MW, cách tỉnh Chiang Rai của Thái Lan 280km. Tuy nhiên, chuyến thực tế này đã bị hoãn lại bởi lý do thời tiết, có thể sẽ diễn ra trong nửa còn lại của tháng 3. Theo dự kiến, trong ngày hôm nay 11/03/2010,  Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan sẽ tổ chức một hội thảo giải trình về tác động của đập thuỷ điện đối với dòng Mê Kông.  

 

Cáo buộc Trung Quốc không dễ

 

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Suwit Khunkitti giữ quan điểm này. Ông cho rằng các đập Trung Quốc không góp phần lớn vào hạn hán vùng hạ lưu: “Rất khó để đổ lỗi cho Trung Quốc, họ chỉ nắm giữ 15% lưu lượng nước. Nguồn cung cấp nước sông từ Lào và Thái Lan chiếm tới già nửa. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không có đủ thông tin về nước được lưu trữ tại các con đập của Trung Quốc và ngay bản thân chúng ta cũng có vấn đề về quản lý nguồn nước.”

 

Trong bài báo Khía cạnh chính trị của mưa mùa (Politics of the monsoon) đăng trên tờ The Nation của Thái Lan, tác giả Changnoi nhận định “Chúng ta có thể đổ lỗi cho các con đập của Trung Quốc, song không thể loại trừ nguyên nhân sâu xa tự thân mực nước đã bị suy giảm. Tại các con đập chính của Thái Lan, mực nước cũng đã giảm đi rất nhiều so với mức cần thiết.”

Mùa mưa cũng có những thay đổi của nó. Theo kinh nghiệm lâu nay, trong mỗi thập kỷ, luôn có 1, 2 năm nước về rất nhiều, và 1, 2 năm rất khan hiếm nước. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ trở lại, sự biến động này đã trở nên nghiêm trọng.

 

Jim Enright, thành viên Tổ chức Bảo vệ Rừng ngập mặn, nhận xét “Cứ mỗi khi ngập lụt hay khô hạn, chúng ta lại nghĩ ngay tới đập thuỷ điện. Theo tôi, cần nhìn vấn đề rộng hơn, bởi có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tình trạng suy giảm nước sông và khô hạn hiện nay, chẳng hạn việc sử dụng đất, quản lý các dự án phát triển.v.v”

 

Song, dù những yêu sách đối với Trung Quốc sẽ được đáp ứng đến đâu, cuộc đối thoại của chính phủ với phía Trung Quốc diễn ra vừa qua là chưa đủ đối với người dân và các tổ chức hoạt động môi trường Thái Lan. Hưởng ứng ngày Thế giới hành động Phản đối các con đập để bảo vệ các dòng sông, Liên minh sông Mê Kông cho biết họ sẽ tổ chức một hội nghị bàn tròn về chủ đề này vào ngày 16/03/2010.

 

Nhóm bảo tồn Chiang Khong cũng sẽ gửi thư phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc vào ngày mùng 2 tháng 4 tới, đồng thời gửi kiến nghị lên hội nghị cấp cao Uỷ ban sông Mê Kông diễn ra từ ngày mùng 3 đến mùng 7 tháng 4 tới tại Hua Hin. Nhóm sẽ yêu cầu các tổ chức quốc tế nhìn nhận lại thất bại trong việc bảo vệ và gìn giữ Mê Kông – một trong những hệ sinh thái nước ngọt lớn nhất thế giới.

Cùng thời điểm này, những người dân tỉnh Chiang Rai, Thái Lan có thể sẽ tiến hành một cuộc diễu hành biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Băng Cốc.

 

Cho đến nay, ngoài chính phủ Thái Lan chưa có phản ứng chính thức nào từ các nước trong lưu vực. Uỷ ban sông Mê Kông cho biết họ sẽ mời đại diện của Trung Quốc, Myanmar tham gia đối thoại, bàn về vấn đề này trong cuộc họp tháng 4 tới.