Thêm khích lệ cho công tác chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã

ThienNhien.Net – Ngày 29/05/2010, Ban Tuyên giáo Trung Ương đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho bản thảo Hướng dẫn tuyên truyền việc thực hiện tiêu dùng bền vững động vật, thực vật hoang dã. Sau khi được hoàn thiện, tài liệu sẽ phát hành tới cấp uỷ Đảng trên cả nước, thống nhất chỉ đạo việc tuyên truyền nội dung có liên quan.


Bộ tài liệu hướng dẫn được xây dựng trên quan điểm cho rằng việc quản lý buôn bán, tiêu thụ động thực vật hoang dã theo hướng tiêu dùng bền vững, trực tiếp đóng góp cho các mục tiêu quốc gia về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong khi tôn trọng các quy luật thị trường là yêu cầu cấp thiết đối với cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội.

Đây cũng là một nội dung cụ thể hoá Nghị Quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư về bảo vệ môi trường, đưa Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Đa dạng sinh học đi vào cuộc sống.

Có thể coi đây là một dấu hiệu tích cực đối với công tác chống nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã nói riêng, công tác bảo tồn thiên nhiên nói chung đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, khi được sự quan tâm và hậu thuẫn của Đảng và Nhà nước.

 

Trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung Ương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và một số tổ chức bảo tồn quốc tế đồng tổ chức loạt sự kiện có ý nghĩa như hội thảo “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về bảo vệ động thực vật hoang dã; góp phần bảo tồn bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam”, Triển lãm “Nói không với các sản phẩm động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng” tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Kết quả cuộc khảo sát của TRAFFIC về thái độ và hành vi tiêu dùng của người dân Hà Nội đối với các sản phẩm động vật hoang dã (2007) cho biết những người có thu nhập và trình độ học vấn cao có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm từ ĐVHD nhiều hơn.

 

Doanh nhân là nhóm người sử dụng các sản phẩm ĐVHD nhiều nhất (43%), tiếp theo là cán bộ, công chức nhà nước (34%). Những người lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước thường hay chiêu đãi đồng nghiệp hoặc khách hàng bằng các món đặc sản thịt thú rừng.

 

Vì vậy, các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức vần tập trung hướng tới những đối tượng mục tiêu này.