Đối phó với BĐKH bằng việc quy hoạch tốt

ThienNhien.Net – Trong năm 2010 và những năm tới, trên cơ sở kịch bản về biến đối khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, các bộ, ngành địa phương cần đề cao tính chủ động trong công việc và hết sức lưu ý tới công tác quy hoạch trên các lĩnh vực. Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH chiều 07/12, nhằm đánh giá những kết quả đạt được sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình, chỉ đạo kế hoạch trong năm 2010 và những năm tiếp theo.


Tham dự cuộc họp có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng.

Công bố kịch bản BĐKH và nước biển dâng để chủ động ứng phó

Sau 1 năm triển khai Chương trình, Việt Nam đã xây dựng và công bố kịch bản BĐKH và nước biển dâng làm cơ sở định hướng để các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động của BĐKH trên từng lĩnh vực, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động để ứng phó.

Theo kịch bản thì vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ ở nước ta có thể tăng 2,3 độ C so với trung bình thời kỳ 1980 – 1999. Tính chung cả nước, lượng mưa vào cuối thế kỷ 21 tăng khoảng 5% so với thời kỳ 1980 – 1999; mực nước biển có thể dâng thêm 75cm so với thời kỳ 1980-1999.

Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới bị tác động nặng nề nhất của BĐKH. Chỉ riêng mực nước biển nếu dâng 75cm cũng đã làm cho 19% diện tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngập trong nước.

Nếu nước biển dâng 1m vào năm 2100, 38% diện tích khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập, trong đó tỉnh Cà Mau sẽ bị ngập đến một nửa diện tích tự nhiên….

Quy hoạch phải tính tới yếu tố BĐKH

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong năm 2010 và những năm tới, trên cơ sở kịch bản về BĐKH, các bộ, ngành địa phương cần đề cao tính chủ động trong công việc và cần hết sức lưu ý tới công tác quy hoạch.

Công tác quy hoạch phải được tiến hành tổng thể, trước mắt là quy hoạch về thủy lợi, thủy điện, giao thông vận tải, trồng và phát triển hệ thống rừng phòng hộ… Phương thức thực hiện dựa trên phương châm cẩn trọng, kiên trì, bền bỉ, đồng bộ, ưu tiên các dự án cấp bách để làm trước.

Quy hoạch về thủy lợi cần hết sức lưy ý tới việc rà soát, xây dựng các hồ thủy lợi, thủy điện; hệ thống đê điều… cho phù hợp với kịch bản về BĐKH cũng như những diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết nhằm ngăn chặn hiệu quả nước biển dâng và chống ngập.

“Làm tốt được công tác quy hoạch mới có thể đưa ra được các dự án, kêu gọi đầu tư”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về vấn đề BĐKH và nước biển dâng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến đóng góp của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, chương trình trong năm 2010 một cách thiết thực và hiệu quả trên cơ sở kịch bản BĐKH và nước biển dâng.

Nêu ý kiến về việc đối phó với BĐKH, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể của Chương trình đã đề ra; đưa ra những lý lẽ thuyết phục trong việc kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nước phát triển… hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Việt Nam cả về tài chính và kỹ thuật trong ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, trước mắt, cần tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển liên hoàn để đối phó thành công với tình trạng nước biển dâng cao do BĐKH…

Các bộ, ngành chức năng đã tích cực vào cuộc

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Phạm Khôi Nguyên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình, ngay sau khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (02/12/2008), Bộ đã chủ động và khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về BĐKH theo Chương trình mục tiêu trong năm 2010; cập nhật và xây dựng bổ sung các kịch bản BĐKH và nước biển dâng trong thế kỷ 21 của Việt Nam đồng thời khởi động triển khai một số dự án thí điểm thích ứng với BĐKH ở một số lĩnh vực, khu vực xác định.

Bộ TNMT cũng thực hiện việc tích hợp, lồng ghép yếu tố BĐKH trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015), từ đó xác định các giải pháp chiến lược và chính sách thực thi cũng như bố trí các nguồn lực cần thiết để tổ chức và triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ TNMT sẽ nghiên cứu việc xây dựng chương trình, giáo trình, biên soạn tài liệu về BĐKH phục vụ giảng dạy theo từng bậc học trong hệ thống giáo dục quốc gia. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐKH để đến năm 2015 có trên 80% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức nhà nước có hiểu biết cơ bản về BĐKH và tác động của BĐKH.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 02/12/2008.

Chương trình được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo 3 giai đoạn: Giai đoạn I – giai đoạn khởi động (2009-2010); Giai đoạn II – giai đoạn triển khai (2011-2015) và Giai đoạn III – giai đoạn phát triển (sau 2015).

Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn, xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với BĐKH, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước và phối hợp với cộng đồng quốc tế trong những hoạt động đối phó với BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Theo chỉ tiêu thực hiện đến năm 2010, Chương trình sẽ hoàn thành việc đánh giá mức độ, tính chất và xu thế biến đổi của các yếu tố, hiện tượng khí hậu ở Việt Nam. Triển khai thí điểm đánh giá tác động của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng đối với một số lĩnh vực, ngành, địa phương nhạy cảm và dễ bị tổn thương do BĐKH như: tài nguyên nước, nông nghiệp, sức khỏe…