Kinh tế Việt Nam vượt thách thức do biến đổi khí hậu

Nguyên nhân do mức độ phơi bày và tính nhạy cảm cao trước thiên tai, thời tiết cực đoan. Đây là những lĩnh vực được chuyên gia cảnh báo nhấn mạnh đối với nền kinh tế dễ bị tổn thương của Việt Nam trước biến đổi khí hậu.

Chịu rủi ro cao trước biến đổi khí hậu (BĐKH) là các lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, nơi cư trú và hạ tầng kỹ thuật.

Thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ

Báo cáo BĐKH 2022 cho thấy: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương do nhóm nghiên cứu IPCC thực hiện, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và cần thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ.

Hiện nay, tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp diễn sẽ làm giảm năng lực lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Năng suất lao động ở Việt Nam sẽ bị giảm 26% với lượng phát thải cao, hoặc 12% nếu lượng khí thải được cắt giảm nhanh hơn.

Ảnh hưởng tổng thể của việc phát thải tiếp tục ở mức cao có thể làm giảm 23% thu nhập trung bình toàn cầu, trong đó thu nhập trung bình ở Việt Nam vào năm 2100 cũng thấp hơn so với khi không có BĐKH.

Biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho phát triển ngành điện gió.

Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi hậu quả của BĐKH xảy ra ở những nơi khác. Ví dụ, BĐKH sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, thị trường, tài chính và thương mại quốc tế, làm hàng hóa ở Việt Nam khan hiếm, khiến hàng hóa tăng giá, cũng như gây tổn hại đến thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các cú sốc kinh tế do BĐKH gây ra, bao gồm giảm sản lượng nông nghiệp, thiệt hại cơ sở hạ tầng thiết yếu và giá hàng hóa tăng, có thể dẫn đến tình trạng bất ổn tài chính.

Lượng khí thải nếu cao hơn, nhiệt độ tăng khiến các tảng băng tan nhanh hơn dự kiến, mực nước biển có thể dâng cao tới 2m trong thế kỷ này và 5m vào năm 2150. Hậu quả, sẽ có nhiều vùng đất bị ngập nước hơn, ngập lụt xảy ra thường xuyên, đất bị xói mòn, hoặc sẽ không còn thích hợp cho nông nghiệp do xâm nhập mặn, điển hình là ĐBSCL của Việt Nam.

Đồng thời, nhiệt độ cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như hạn hán, nắng nóng và lũ lụt đang gây hại cho mùa màng và sẽ ngày càng làm giảm sản lượng cây trồng nếu nhiệt độ tiếp tục tăng.

Báo cáo của IPCC cho rằng, những yếu tố này cùng với mực nước biển dâng sẽ gây thiệt hại cho nông nghiệp Việt Nam. Sản lượng lúa gạo, lúa mì và ngô có thể giảm lần lượt 6%, 24% và 10% với lượng phát thải cao hoặc 2%, 5% và 6% khi có hành động cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng.

Hơn 30% diện tích nuôi trồng thủy sản ở Đông Nam Á được dự báo sẽ không còn thích hợp cho sản xuất vào giữa thế kỷ này nếu lượng phát thải cao, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiệt độ tăng cao sẽ buộc cá di chuyển khỏi vùng nhiệt đới, làm giảm 11% thu nhập từ việc khai thác thủy sản tự nhiên của Việt Nam.

99% rạn san hô ở Đông Nam Á, sẽ bị tẩy trắng và chết do BĐKH vào năm 2030 và đến năm 2050, 95% rạn san hô sẽ ở mức bị đe dọa cao nhất, ảnh hưởng đến nghề đánh cá.

Ứng phó biến đổi khí hậu

Các nội dung đề cập đến Việt Nam trong báo cáo của IPCC rải rác nằm trong các nghiên cứu cụ thể phục vụ nội dung lớn là đánh giá tác động của BĐKH toàn cầu, và chỉ phản ánh một phần bức tranh tổng quan tác động của BĐKH trên cả nước. Theo PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT), hiện nay, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đều đã có những đánh giá về tác động của BĐKH trong phạm vi quản lý.

Cần nhìn nhận là thông tin nền của các tổ chức quốc tế không chi tiết, cập nhật như các đơn vị trong nước nên kết quả nghiên cứu cũng có sai số lớn hơn công bố của Việt Nam. Dù vậy, đây cũng là một kênh thông tin cần quan tâm để có chiến lược, phương án quy hoạch hợp lý ứng phó tác động của BĐKH đang hiện hữu và có thể nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Bộ TN&MT đầu năm 2022 đã công bố Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam. Dựa trên những đánh giá của các bộ, ngành trong phạm vi quản lý, các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về KTTV và BĐKH đã tiến hành đánh giá toàn diện tác động của BĐKH trên nhiều lĩnh vực: thiên tai KTTV, tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái, hoạt động kinh tế – xã hội. Tùy theo đặc điểm địa lý tự nhiên, các khu vực sẽ gia tăng tính dễ bị tổn thương cũng như rủi ro thiên tai.

GS.TS Trần Thục – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về BĐKH.

GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về BĐKH: Cảnh báo sớm, hành động sớm là vô cùng quan trọng

Những năm qua, IPCC đã thực hiện các báo cáo về BĐKH cho toàn thế giới. Báo cáo đầu tiên trong kỳ đánh giá AR6 đã được sử dụng nhiều trong quá trình xây dựng Kịch bản về BĐKH và Nước biển dâng cập nhật 2020 của Việt Nam. Báo cáo thứ hai mới đây là về tác động của BĐKH và tính dễ bị tổn thương.

Cùng với đó, tác động của BĐKH ở mỗi quốc gia lại khác nhau. IPCC báo cáo ở mức độ toàn cầu, độ phân giải thấp; còn Việt Nam cần dựa trên những phương pháp luận trong các báo cáo của IPCC để đánh giá chi tiết, cụ thể cho từng vùng, từng đối tượng chịu tác động của mình.

Tất cả các ngành, lĩnh vực đến nay đều đã có đánh giá tác động của BĐKH. Nhưng do điều kiện nguồn lực, có ngành đã làm rất sâu, có ngành chưa sâu lắm. Qua quá trình xây dựng Báo cáo Khí hậu quốc gia lần thứ nhất, chúng tôi nhận thấy vẫn còn thiếu nhiều thông tin. Thời gian tới, các bộ, ngành phải tự đánh giá cụ thể, chi tiết hơn để tổng hợp thành báo cáo chung của quốc gia.

Mặc khác, rất khó xác định tổn thất, thiệt hại nào là do thiên tai từ trước đến giờ hay do BĐKH. Xu hướng ở các quốc gia hiện nay là xây dựng giải pháp thích ứng chung cho cả 2 vấn đề. Việc phân biệt rõ ràng thường do các nhà tài trợ yêu cầu để làm cơ sở triển khai dự án.

Có một mối liên hệ liên hệ chặt chẽ giữa 2 vấn đề, đó là thiên tai đang gia tăng do BĐKH. Để ứng phó hiệu quả với BĐKH, cần thiết phải giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của BĐKH thông qua việc nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.

Để làm được điều này, vai trò các dự báo KTTV và kịch bản BĐKH là rất quan trọng. Cần có cách tiếp cận mới, không dừng ở thông tin “Ngày mai thời tiết sẽ thế nào” mà là “Thời tiết, khí hậu sẽ có những tác động thế nào”, có nghĩa là chuyển sang dự báo dựa trên tác động – thông báo cho công chúng về những gì thời tiết, khí hậu sẽ gây ra và làm thế nào để sử dụng các điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi. Những thông tin này cần được sử dụng cho việc xây dựng trong hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Các quốc gia trên thế giới hầu hết đều sử dụng các công cụ lập kế hoạch để đặt ra các mục tiêu ứng phó với BĐKH. Luật Quy hoạch năm 2017 của Việt Nam đang mang lại cơ hội để tích hợp các nội dung thích ứng với BĐKH. Các quy hoạch tổng thể quốc gia, ngành, cấp vùng cũng như cấp tỉnh (tổng hợp, đa ngành) cần có các mục tiêu và hành động rõ ràng về thích ứng với BĐKH. Lồng ghép ứng phó với BĐKH sẽ đảm bảo các mức tài chính đầu tư công phù hợp và khuyến khích đầu tư tư nhân.

Sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, cơ quan Quản lý thiên tai và chính quyền địa phương là điều kiện tiên quyết để thích ứng hiệu quả với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên UBKHCNMT của Quốc hội, Đại biểu QH khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên UBKHCNMT của Quốc hội, Đại biểu QH khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam: Tiếp thu chủ động, vận dụng linh hoạt để bảo vệ tài nguyên biển.

Báo cáo “BĐKH 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương” do IPCC công bố không chỉ có giá trị khoa học, mà còn có giá trị thực tiễn, bám sát thực tiễn thông qua các nghiên cứu quốc gia, thực sự chứa đựng những thông tin bổ ích, được cập nhật, có tính cảnh báo cao, có dự báo theo các kịch bản với các thông số bán định lượng và định lượng cùng những gợi ý giải pháp. Bởi thế, báo cáo này còn có giá trị tham khảo quan trọng, cung cấp luận cứ để các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam cụ thể hóa và hiện thực hóa thành các hành động ứng phó, bao gồm các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ.

Báo cáo có phần đề cập đến Việt Nam, nội dung này cần được tiếp thu một cách chủ động và cầu thị. Tuy nhiên, dù có độ tin cậy cao nhưng báo cáo của IPCC cũng chỉ là báo cáo khung, bao trùm, quy mô lớn và có tính định hướng, cảnh báo sớm. Vì vậy, Việt Nam cần tham khảo và vận dụng linh hoạt trong quá trình cụ thể hóa ở quy mô quốc gia, khu vực và tỉnh, thậm chí ở cấp độ nhỏ hơn với những giải pháp hiệu quả, trên phạm vi cả nước, bảo đảm tính khả thi cao, thực chất và thiết thực.

Những năm gần đây, ở nước ta, biểu hiện và tác động của BĐKH, nước biển dâng đã hiện hữu. Đặc biệt, đã có những bằng chứng về những tác động của BĐKH ở khu vực ven biển, biển, đảo và các ngành kinh tế dễ bị tổn thương như nuôi trồng và khai thác thủy sản, cả nước lợ và nước mặn. Hạn mặn ở ven biển ĐBSCL xuất hiện thường xuyên hơn, có nơi còn thâm nhập sâu gần 100 km (ví dụ đợt hạn mặn 2016).

Cùng với xâm nhập mặn gia tăng, nước biển dâng cũng đã làm gia tăng các đoạn bờ biển bị xói lở, lên đến hơn 50% chiều dài đường bờ lục địa cả nước so với trước năm 1980 (hơn 20%). Sự thay đổi nền nhiệt nước biển đã làm san hô bị tẩy trắng nhiều đợt và được phát hiện ngay từ năm 1987. Trữ lượng hải sản ở vùng biển nước ta cũng giảm khoảng 14-16% so với trước năm 2010. Cấu trúc quần đàn, sự phân bố các bãi cá tôm… cũng có sự dịch chuyển nhất định, xu hướng chung là di cư ra xa bờ hơn.

Một số nghiên cứu tác động của BĐKH đến nuôi tôm nước lợ ven biển, hiện tượng “sốc nhiệt” và các tác động đến hiệu quả tôm nuôi về số lượng và chất lượng cũng đã được tiến hành,… Các kết quả và phát hiện nói trên đã được ngành thủy sản xem xét và lồng ghép vào Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các giải pháp thích ứng và giảm thiểu.

Có thể nói, các dự báo theo kịch bản với các giải pháp định hướng trong báo cáo của IPCC về Việt Nam – một quốc gia biển, đảo, có 2 đồng bằng châu thổ ven biển, nhiều diện tích đất thấp ven biển và rạn san hô phân bố trải dài từ bắc vào nam, từ bờ ra khơi… hoàn toàn đã được đề cập và có giá trị tham khảo cao. Trong quá trình cụ thể hóa, vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước ta, cần cân nhắc “tính hai mặt” của BĐKH và nước biển dâng.

Theo nguyên lý “môi trường nào, sinh vật nấy”, nên khi môi trường tự nhiên thay đổi, cần tìm ra các giải pháp thích ứng “thuận thiên” nhìn từ góc độ hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường để ra quyết định cuối cùng chuẩn xác nhất. Thêm nữa, IPCC cũng chưa thể tính đến “các biên phụ” trong kịch bản cụ thể như các nỗ lực ứng phó của con người, các yếu tố tự nhiên trong từng khu bờ biển, đảo mà chúng ta cần tận dụng.

Ví dụ, những con đê biển kéo dài, các dãy cồn cát tự nhiên ven biển, các cánh rừng ngập mặn,… là những yếu tố “công trình” ngăn mặn và nước biển dâng.

Ông Lê Trọng Hải, Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu Kinh tế TN&MT (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn).

Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu Kinh tế TN&MT (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) ông Lê Trọng Hải cho hay: Can thiệp kịp thời để giảm thiểu tác động trong nông nghiệp.

Những đánh giá trong báo cáo IPCC 2022 có kết quả đánh giá tương đồng với những tác động tiêu cực bởi BĐKH đối với ngành NN&PTNT thời gian vừa qua, cũng như các dự báo theo kịch bản phát thải khí nhà kính (KNK) trong tương lai.

Dựa trên kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT ban hành, ngành NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH cho từng giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, tầm nhìn 2050; Dự thảo Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH ngành NN&PTNT giai đoạn 202 -2030, tầm nhìn 2050. Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris giai đoạn 2021-2030 của Bộ.

Mới đây nhất, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020; Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha.

Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt  -5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Chiến lược cũng chỉ ra trong năm 2022 Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 trong lĩnh vực nông nghiệp; Các quy hoạch dài hạn đến 2030, tầm nhìn 2050 về phòng, chống thiên tai và thủy lợi; hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.

Hiện cả 7 tiểu ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi, phòng chống thiên tai, diêm nghiệp, phát triển nông thôn) đều có nhu cầu đánh giá tác động của BĐKH và xây dựng hành động ứng phó. Tuy nhiên, chỉ có lĩnh vực phòng chống thiên tai có hướng dẫn lồng ghép ứng phó BĐKH, trong khi các lĩnh vực khác đang thực hiện ứng phó BĐKH theo kế hoạch hành động chung của ngành.

Hằng năm, các địa phương đều tiến hành kiểm kê cơ sở vật chất, rà soát phương án PCTT đến tận cấp xã và theo đặc thù từng địa phương. Khi xảy ra thiệt hại do thiên tai, thời tiết cực đoan cũng do các cơ quan trong Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp ghi nhận, thống kê theo hướng dẫn.

Thông thường, rất khó để phân biệt đâu là thiệt hại do thiên tai, đâu là thiệt hại do BĐKH. Bộ TN&MT cần nhanh chóng hoàn thiện Thông tư hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH, làm căn cứ để các bộ, ngành khác tiến hành đánh giá cụ thể.

Trong ngành nông nghiệp, việc đánh giá tác động từ BĐKH hiện nay phần nhiều vẫn là định tính, chung chung và thường dựa vào nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, mang tính học thuật.

Trong giai đoạn tới, cần có những hoạt động đánh giá bài bản và toàn diện các tiểu ngành, đặc biệt chú trọng vào những ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Nếu làm được điều này, các địa phương hoàn toàn có thể chủ động triển khai các giải pháp can thiệp kịp thời để giảm thiểu tác động do BĐKH, giảm thiệt hại kinh tế đáng kể. Dẫn chứng là khu vực ĐBSCL những năm gần đây, độ mặn xâm nhập sâu hơn năm hạn mặn lịch sử 2016, diện tích gieo trồng lúa giảm nhưng năng suất và giá thành đều tăng. Người nông dân và nhà quản lý đều phấn khởi.

Song song với khía cạnh tiêu cực, BĐKH cũng mang đến những tác động tích cực, tạo động lực thực hiện các giải pháp ứng phó. Dự báo, GDP tới năm 2030 có thể tăng so với kịch bản phát triển bình thường. Các phương án giảm nhẹ trong nông nghiệp có tác động lớn nhất đến GDP; tiếp theo là năng lượng, chất thải. Sản lượng nông nghiệp, lâm nghiệp, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng cao và ngành chất thải đều sẽ tăng.

Các chỉ số khác về vốn đầu tư, cơ hội việc làm, chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ lạm phát cũng sẽ tăng với các mức độ khác nhau so với kịch bản phát triển thông thường. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn có thể giảm do đầu tư vào chuyển đổi sinh kế và phát triển các mô hình chống chịu tốt hơn trước thiên tai, BĐKH.

Sau khi công bố, Bộ TN&MT đã gửi cho tất cả các địa phương, bộ, ngành nhằm hỗ trợ việc triển khai thực hiện các kế hoạch ứng phó BĐKH, cũng như lồng ghép ứng phó BĐKH vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương cho rằng, tác động của BĐKH thường dài hạn trong khi đó mục tiêu phát triển các lĩnh vực thường ngắn hơn nên việc hài hòa lợi ích lâu dài và trước mắt là cần thiết khi thực hiện lồng ghép BĐKH trong các kế hoạch, quy hoạch phát triển. Báo cáo cung cấp thông tin để các nhà quản lý và người dân hiểu rõ hơn về đặc điểm, hiện trạng và mức độ thay đổi của khí hậu Việt Nam, tác động và hiệu quả của các giải pháp ứng phó giúp các nhà quản lý có thể lựa chọn những nội dung trọng tâm cần quan tâm trong thời gian tới theo giai đoạn.

Trong hoàn thiện chính sách pháp luật, khi cập nhật Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản liên quan hay xây dựng Luật BĐKH trong thời gian tới, báo cáo cũng là nguồn thông tin cơ bản để đánh giá tác động của những Luật đã có và đề xuất những nội dung mới để đưa vào, làm cơ sở pháp lý để triển khai các giải pháp cụ thể.