Sản xuất sạch hơn ở Bến Tre

ThienNhien.Net – Qua gần 2 năm Bến Tre tham gia vào Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) do Bộ Công thương chủ trì theo Chương trình hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch đối với ngành môi trường, Sở Công Thương Bến Tre đã triển khai thực hiện một số hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh về công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng về những kiến thức cơ bản và lợi ích của sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.


Trong năm 2008, Sở đã phối hợp với Hợp phần CPI thực hiện 3 dự án trình diễn về sản xuất sạch hơn tại Nhà máy chế biến dừa Thành Vinh, Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Bến Tre và Doanh nghiệp tư nhân Lâm Đồng (sản xuất thạch dừa) với tổng kinh phí hỗ trợ (không hoàn lại) là 7.325 triệu đồng và đã đạt được một số kết quả khả quan.

Cụ thể, tại Nhà máy chế biến dừa Thành Vinh, kết quả thu được gồm có: giảm tiêu thụ nước 30%, giảm nhiên liệu (hơi) 10 – 15%, giảm tiêu thụ điện 4%, tận thu than hoạt tính từ lò hơi đốt gáo dừa trên 1,4 tỷ đồng/năm. Nhà xưởng được cải thiện, nâng cấp đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO và nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Đối với Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Bến Tre: giảm 30% tiêu thụ dầu FO (tiết kiệm 1 tỷ đồng/năm), tăng thu hồi sợi thuốc 2%, giảm tiêu thụ điện 5% (tiết kiệm 54 triệu đồng/năm), hàng năm công ty tiết kiệm trên 6 tỷ đồng. Nhà xưởng được cải tạo, nâng cấp mới, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động. Khí thải giảm được 1.600.000 m3/năm, nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Còn Doanh nghiệp tư nhân Lâm Đồng (sản xuất thạch dừa): giảm tiêu thụ chất đốt (gáo dừa) 30%, giảm tiêu thụ nước 10%, giảm tiêu thụ điện 5%, thu về gần 1 tỷ đồng/năm. Nhà xưởng được xây mới, cải thiên môi trường lao động và nâng cao công suất nhà máy, nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường;

Trong năm 2009, Sở Công Thương Bến Tre tiếp tục phối hợp với Hợp phần CPI khảo sát và chọn được 4 đơn vị tham gia dự án trình diễn, là Công ty cổ phần Mía đường, Công ty TNHH Vĩnh Tiến (sản xuất kẹo dừa), Công ty TNHH Thanh Bình (chế biến các sản phẩn từ dừa) và Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng, huyện Bình Đại. Hiện nay các dự án này đang trong giai đoạn khảo sát để lập báo cáo đánh giá sản xuất sạch hơn.

Để đẩy mạnh hoạt động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, nhằm triển khai thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/09/2009; đồng thời gắn kết với Chương trình hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch, trong đó có Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) do Bộ Công Thương chủ trì; UBND tỉnh vừa quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2013 do Sở Công Thương xây dựng với tổng kinh phí dự kiến khoảng 5.000 triệu đồng, trong đó kinh phí CPI tài trợ là 4.450 triệu đồng, kinh phí đối ứng của Bến Tre là 550 triệu đồng.

Theo đó, Kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên bao gồm 7 nội dung cụ thể như sau:

– Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và quy định tại tỉnh để thức đẩy sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường.

– Xây dựng, vận hành đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp và xác định các đầu mối hỗ trợ.

– Thực hiện đánh giá, báo cáo, thanh tra, kiểm soát các hoạt động công nghiệp trên địa bàn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường.

– Xây dựng và triển khai các giải pháp kỹ thuật, công nghệ sạch.

– Xây dựng và phát triển mạng lưới trao đổi thông tin và đào tạo tư vấn sản xuất sạch hơn.

– Triển khai nhân rộng các dự án trình diễn và hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá tiềm năng sản xuất sạch hơn.

– Truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng về hiệu quả áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Mục tiêu chung của kế hoạch là đến năm 2013 đạt tỷ lệ 60% các cấp quản lý được tập huấn nâng cao năng lực về sản xuất sạch hơn; 60% cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh được phổ biến về sản xuất sạch hơn, áp dụng sản xuất sạch hơn và được hỗ trợ để thực hiện giảm nguyên liệu đầu vào (nguyên liệu, năng lượng và nước) 10%, giảm 15% tổng lượng phát thải tính trên đơn vị sản phẩm, giảm chất thải 20% trong một số ngành công nghiệp nói chung và cụ thể trong một số ngành như chế biến dừa, chế biến thủy sản, các khu cụm công nghiệp, làng nghề.