Sẽ đề xuất bổ sung cách tiếp cận BĐKH sau COP16

ThienNhien.Net – Ngày 14/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành đã tổ chức họp báo, thông tin về kết quả của đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 16) và Hội nghị lần thứ 6 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP6) tại Cancun, Mexico từ 29/11 – 10/12.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cùng với các cuộc tiếp xúc đa phương tìm kiếm cơ sở pháp lý về mục tiêu, trách nhiệm, lộ trình chống BĐKH, đoàn Việt Nam đã có 15 cuộc gặp song phương cấp Bộ với các đoàn Nhật Bản, Mexico, Hoa Kỳ, Hà Lan, Australia, Ba Lan, Ngân hàng Thế giới… Phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, tại các buổi làm việc, đoàn Việt Nam đều thể hiện quan điểm của ASEAN trong ứng phó với BĐKH: “Theo quan điểm của các nước ASEAN, các nước phát triển phải cắt giảm phát thải khí nhà kính với lộ trình cam kết rõ ràng đồng thời tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước dễ tổn thương do biến đổi khí hậu. Tại COP 16, chúng tôi cũng nêu rõ với cộng đồng quốc tế rằng, vùng Đông Nam Á là vựa lúa lớn của thế giới và cả thế giới phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ để đảm bảo an ninh lương thực”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Qua các hoạt động trong hai tuần đàm phán tại COP 16, Việt Nam đã thể hiện tính chủ động và tích cực trong việc tham gia các phiên họp, các cuộc đàm phán đa phương của COP 16 và CMP 6, các cuộc gặp song phương với các đối tác và đã thể hiện tính mềm dẻo, linh hoạt trong giải quyết vấn đề.

Trở về từ COP 16, đoàn công tác của Việt Nam sẽ tổng hợp báo cáo gửi Chính phủ, trong đó đề xuất về cơ chế tài chính, cách tiếp cận biến đổi khí hậu trong từng ngành, tăng cường các hoạt động phòng chống phá rừng, suy thoái rừng…

Từ đó đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các dự án ưu tiên. Đồng thời nghiên cứu chuẩn bị hệ thống cơ sở pháp lý để khi các cam kết quốc tế đi đến thống nhất, Việt Nam có đủ điều kiện tiếp cận các nguồn lực và hợp tác quốc tế.

COP 16: Khó đạt được một thỏa hiệp lớn

COP16: Những bước tiến nhỏ trên con đường dài