Tặng vật của Yàng

ThienNhien.Net – Đá ở Tây Nguyên hầu như có mặt trên khắp những vùng đất cao nguyên mênh mông này. Đi đâu cũng có thể gặp đá, đá lộ thiên, những phiến đá “mồ côi”, đá nằm dưới mặt đất vài chục cen-ti-mét, có những vỉa đá ăn sâu đến hàng chục mét. Đá nằm dọc theo những con sông lớn, như sông Ba. Đá nằm dưới gốc cây cổ thụ trăm tuổi của những cánh rừng nguyên sinh, có khi đá nằm ngay dưới mặt đất chỉ khoảng nửa mét đến độ một mét như tại cánh đồng An Phú (thành phố Pleiku, Gia Lai).

Tây Nguyên: Giàu khoáng sản, nghèo lối đi


Từ vùng cực Bắc của Tây Nguyên như cao nguyên Chư Mom Ray, cao nguyên Kon Plong (Kon Tum), đá trải dài về cao nguyên Pleiku (Gia Lai) với các mỏ đá có trữ lượng lớn như mỏ đá Trà Đa, mỏ đá Yên Thế. Đá còn về đến “vương quốc hồ tiêu” Chư Sê (tập trung nhiều ở xã H’bông), đến vùng Đông Trường (huyện Sơn Kông Chro); đá có mặt ở vùng nam Tây Nguyên như Buôn Đôn, Cư M’nga, đến cao nguyên Ma Đ’rắc (ĐắK Lăk), cao nguyên Đăk Nông; đá ăn sâu vào tận vùng cực Nam Tây Nguyên đến tỉnh Lâm Đồng…Đi đâu trên đất Tây Nguyên cũng có thể gặp đá.

Đá ở Tây Nguyên vô cùng phong phú với các chủng loại như đá trang trang trí được tinh chế có giá trị hàng hoá cao, được xuất đi nhiều nước trên thế giới, đá vôi, đá xây dựng … Đá được trang trí tinh xảo, lộng lẫy ở những khách sạn sang trọng; đá dùng để xây dựng các công trình dân sinh cũng như những đại công trình trong vùng; đá còn dùng để làm đường giao thông, đưa bộ mặt Tây Nguyên ngày một đổi mới, đưa đồng bào ở những vùng sâu, vùng xa xích lại gần hơn với đời sống văn minh, hiện đại.

Với người dân bản xứ ở Tây Nguyên, đá cũng có linh hồn, người ta thổi hồn vào cho đá để từ đó, đá trở thành vật thiêng cho mỗi gia đình, dòng tộc, cho mỗi buôn làng, mỗi dân tộc khác nhau. Có thể nói, đi trên vùng đất Tây Nguyên là đi trên những cao nguyên đá hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn năm tuổi.

Cách thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) khoảng 30km, tại xã Kon Yang những vỉa đá thẳng dài chồng chất đẹp mê hồn ẩn chứa nhiều điều huyền bí hiện ra. Người Bana ở vùng tin rằng, vỉa đá là nơi các vị sơn thần trú ngụ. Ông Phan Minh Trung – Phó chủ tịch UBND huyện Kông Chro tự hào gọi Kông Yang là cao nguyên đá hay thiên đường đá bởi ẩn dưới núi rừng và từng tấc đấc ở Kông Yang đâu đâu cũng có đá.

Theo hướng dẫn của ông Trung, chúng tôi theo đường tỉnh 667 dài 28km nối quốc lộ 19 (đoạn từ thị xã An Khê đi qua Kông Chro) đến Kông Yang. Tuy đã 7 giờ sáng nhưng thiên đường đá vẫn còn ”ngái ngủ” với những nóc nhà sàn kín cửa và những cơn gió phóng đãng thổi từ đại ngàn lạnh cóng. Trước khi rẽ sang hướng khác, ông Đinh Văn Dôi (Chánh thanh tra huyện) bảo nhỏ: ”Theo ngôn ngữ của người Bana, Kông Chro có nghĩa núi lớn, ngọn núi hùng vĩ nhất huyện. Còn Kông Yang có nghĩa núi trời, núi thiêng. Đây là nơi đồng bào tin Yàng trú ngụ đấy”.

Gặp nhau dưới chân núi, già làng Đinh Văn Pang năm nay ngoài 80 mùa rẫy nhưng cái chân vẫn khỏe, cái tai vẫn tốt như con nai con hoẵng, giọng huyền bí: Ngày trước vùng này ít người lắm. Các bộ tộc sống xa nhau có khi đi mấy ngày đường nhưng đến lễ cúng trời cúng đất đều kéo đến Kông Yang. Lúc đó rượu để dài mấy trăm ghè, trâu bò giết thịt mấy chục con, cồng chiêng gõ át cả tiếng gió, tiếng suối, tiếng chim, ngân xa qua nhiều con sông, con suối, vọng qua nhiều mỏm đồi, đỉnh núi”.

Dứt lời, già Pang hướng mặt về đỉnh núi Kông Chro, ánh mắt như chìm sâu vào thế giới hoang sơ của núi rừng từ hơn nửa thế kỷ trước, già trải lòng: ”Nhiều người về đây phá rừng, bắt đá làm buồn lòng Yàng. Ông cha bà mẹ mình tin Kông Yang là đất của Yàng vì nó có sự lạ. Kông Chro có rất nhiều xã nhưng chỉ Kông Yang mới có đá thôi. Đá mọc dày hàng chục mét, đào 2-3 gang tay là đụng đá nhưng cây rừng vẫn sống được”.

 da o Kon Yang

Tại Kon Yang, người ta vạt đất, vạt cây rừng để lộ dần lên những bức tường đá cây đồ sộ. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Già Miên, cùng tuổi già Pang ở thôn 4 (xã Kông Yang), cũng góp chuyện: ”Ngày trước những đỉnh núi cao, chỗ nào trơ vạt đá nhưng có cây rừng mọc ở trên. Người làng không ai dám đặt chân vì sợ quấy rầy thần linh, chỉ có thầy cúng, già làng mới được phép vào khi làng tổ chức lễ cúng Yàng thôi đấy. Ai vi phạm sẽ bị thần núi thần rừng, thần sông thần suối phạt bệnh chết đau chết đớn”.  

Anh nông dân Y Nhai, hiện đang sống bằng nghề trồng ớt, nhiệt tình dẫn đường cho chúng tôi đi thăm ”thủ phủ” của Yàng. Anh rất tự hào vì được sinh sống ở vùng đất mà anh tin được Yàng chọn làm thủ phủ, anh luôn miệng cười nói: Giữa đá có rừng, rừng mọc cùng đá, rừng che chở đá … Đá kỳ lạ, đẹp lắm. Ai thấy cũng mê!. Hỏi lạ như thế nào thì Y Nhai ra vẻ bí mật, mình nói không đủ lời đâu. Cứ đi đi rồi sẽ thấy.

 da o Kon Yang
Những bức tường đá dần bị đẽo gọt… (Ảnh: Thanh Minh)

Sau hơn nửa giờ đồng hồ len lỏi, trước mắt chúng tôi hiện ra khoảng không đẹp đến lạ thường. Vùng cấm địa của Yàng đây rồi. Còn hơn cả những lời đồn đại, đá ở đây đẹp mê hồn, không phải đá tảng mà là đá cây. Ẩn sâu lớp đất đỏ, đá mọc như chông như cọc. Mỗi cọc đá có chu vi bằng vòng tay ôm của 1-3 người, dài từ 1,5 đến 3m. Cọc lớn, cọc nhỏ, cọc dài, cọc ngắn nằm đan chen, chất chồng lên nhau trông như thành quách, điện đài của các vương triều hoang phế giữa rừng sâu vừa được khai quật. Y Nhai bật mí: Lớp đá chông này ăn sâu lắm! Có người khui đến 50m, bạt bằng cả một mỏm đồi lấy đá nhưng phía đất bằng vẫn còn. Đây là đá bazan đấy”.

Xuyên suốt thủ phủ của Yàng, chúng tôi ”no say” với việc chĩa vào ống kính những tuyệt tác mà tạo hóa ban tặng cho Kông Yang, tiếc là trời đất âm u như cản bước chân con người. Phải chăng Yàng lầm rằng, chúng tôi cũng là những người vạt đất, vạt cây rừng để đẽo gọt và bưng đá ra khỏi ”nhà Yàng”.  

 da o Kon Yang
… từng khúc, từng cọc đá cây được nhổ lên và chờ “chế biến”.
(Ảnh: Trần Ngọc)

Có nơi đá dàn trải trên khu đất rộng trông như mê trận thạch đồ mà bất kỳ kiếm sĩ cao tay nào khi lâm trận đều khó có thể tìm được lối ra. Có vỉa đá căng ngang, lớp này nối tiếp lớp kia như bức tường thành vững chãi. Những dòng nước ngầm rỉ rả tuôn mạch từ khe núi khiến không ít vỉa đá thơ mộng như chốn hẹn hò bồng lai của chàng Đam San quả cảm trên hành trình đi tìm nữ thần mặt trời.

Thi thoảng những cơn gió tinh nghịch rút sâu vào khe đá tạo nên âm thanh trong trẻo, ma mị như tiếng sáo thiên thai. Ở thủ phủ của Yàng, chẳng ai muốn về, chẳng ai muốn rời bước!