Nhà dài Chơ ro: phát huy giá trị văn hóa, lịch sử

ThienNhien.Net – Những ngày đầu tháng bảy, đồng bào Chơro xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có niềm vui trọn vẹn, sau hơn 5 tháng thi công, nhà dài Chơro đã chính thức đi vào sử dụng. Được xem là biểu tượng đặc trưng trong văn hóa của người Chơro tại Đồng Nai – đây sẽ là nơi lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống qua bao đời cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.


Ông Nguyễn Đình Biên, trưởng ấp Lý Lịch xúc động cho biết, “Nhà dài sẽ là không gian cho đại gia đình người Chơ ro sinh hoạt văn hóa, lưu giữ, phát huy nét đặc sắc văn hóa, những giá trị tinh thần. Cộng đồng dân tộc sẽ giữ gìn nhà dài thật tốt cùng với việc giáo dục con cháu những nét đẹp văn hóa và phấn đấu xây dựng cuộc sống khá hơn xứng đáng với lòng tin yêu của đảng, Nhà nước”. Với cách kết hợp, xử lý khéo léo của nhà thiết kế, ngôi nhà mang nhiều điểm độc đáo vừa thấp thoáng đâu đó hình ảnh truyền thống vừa mang tính hiện đại. Toàn bộ ngôi nhà sử dụng bằng nguyên vật liệu truyền thống như tre, lồ ô, gỗ. Mái nhà được lợp bằng tranh; vách, sàn làm bằng gỗ.


Lễ rước thần lúa trên nương. (Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Nai)

Nhằm tái hiện lại cuộc sống xưa của đồng bào Chơro, trong lễ khánh thành Nhà dài, toàn bộ các hoạt động sinh hoạt như: nấu cơm, giã gạo, làm bánh được tạo dựng lại từng chi tiết hết sức sinh động. Lễ khánh thành công trình không tổ chức cắt băng như thường thấy mà thay vào đó là lễ đánh cồng chiêng đi quanh cây nêu trứơc nhà, lễ rước thần lúa về nhà mới với câu chuyện về những bông lúa cái mang ý nghĩa cho sự phồn thịnh, no đủ trong cuộc sống… kết hợp với các câu hát, điệu múa mang hơi thở của rừng núi, thiên nhiên, con người Chơro do các nghệ nhân trong làng biểu diễn. Du khách đựơc nếm ruợu cần, cột dây vào tay để chúc phúc mọi điều tốt lành, thưởng thức các món ăn truyền thống từ củ nấp, củ sắn, củ chụp, lá bép đến những cơm lam, bánh giày, thịt nướng.

Với ý nghĩa to lớn về giá trị tinh thần, Nhà dài không chỉ là không gian để bà con Chơro sinh hoạt văn hoá, lễ hội, nơi già làng truyền dạy những sử thi. Mà Nhà dài còn là nơi trưng bày các dụng cụ sinh hoạt, canh tác, tranh ảnh thể hiện các giá trị về văn hoá, lịch sử, qua đó giúp du khách khi đến tham quan hiểu rõ hơn cuộc sống đồng bào dân tộc Chơro xưa và nay. Với mong muốn, làm “sống dậy” cụm mô hình ăn, ở, sinh hoạt của người Chơro, hiện Nhà dài có hơn 100 bức ảnh tư liệu về thiên nhiên, con người, văn hoá Chơ ro cùng trên 50 dụng cụ, vật dụng canh tác, sinh hoạt, săn bắn, hái lượm của đồng bào được sưu tầm, phục chế như: cây nêu, bàn nhang, ché ruợư, gùi, nỏ, võng mây, chiếu lùng, cối giã gạo… Bên cạnh đó là các lớp truyền dạy hát, múa truyền thống cho con em đồng bào.

 
Các hiện vật và tranh ảnh trưng bày xen kẽ nhau tạo nên điểm độc đáo vừa hiện đại, vừa truyền thống. (Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Nai)

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Nga cho rằng, công trình Nhà dài chỉ là điểm khởi đầu, là nơi giúp đồng bào có không gian sinh hoạt văn hoá, truyền dạy các giá trị truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào Chơro, tô điểm thêm kho tàng văn hóa dân tộc. Chủ trương xây dựng Nhà dài là nằm trong kế hoạch chăm lo, gìn giữ giá trị di sản văn hoá của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Để công trình trở thành điểm du lịch thu hút du khách, cần phải có sự chung tay, góp sức của tất cả ban ngành, liên quan thông qua việc sưu tầm, đóng góp tài liệu quý về văn hóa dân tộc Chơro đưa công trình trở thành điểm du lịch kết nối với các điểm du lịch trong khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu với rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Song song với việc bảo tồn giá trị văn hóa, cần khai thác hiệu quả nét độc đáo của nhà dài, phát huy tiềm năng trong khu vực, giúp người dân nơi đây vượt nghèo, xây dựng làng dân tộc phát triển theo hướng bền vững.