Đắk Nông: Sức sống mới bên dòng Serepok…

Tuy Đắk Nông tách ra từ Đắk Lắk nhưng không “tách… tình” do vẫn uống chung dòng nước ngọt ngào của sông Serepok. Con sông huyền thoại được sinh ra (hợp lưu) từ 2 con sông lớn Krông Nô (sông Cha) và Krông Ana (sông Mẹ) nên còn có tên gọi khác là Đắk Krông. Từ bên kia bến bờ, ngược dòng Serepok về với Đắk Nông, nơi suối rộng sông dài…

Nằm ở vị trí cửa ngõ Tây Nguyên, Đắk Nông không khác là bao so với “ngoại hình” của “người anh song sinh” Đắk Lắk: cũng ngần ấy sông suối, núi đồi, ngần ấy những tầng đất đỏ bazan, và ngần ấy những con người cao nguyên chân chất, cái bụng hiền hòa như khoai, như thóc.

Thật lòng mà nói, từ những nguồn tư liệu “ lượm lặt” đâu đó qua lời các đồng nghiệp, tiếp cận Đắk Nông trong tâm trạng ái ngại về một tỉnh non trẻ đã từng một thời “đội sổ” bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, để rồi ghi nhận những ấn tượng mới về một vùng đất mang trong mình nhiều điều kỳ diệu

Đắk Nông, “2 trong 1”

“Quê hương ai cũng có một dòng sông bên mình”, riêng Đắk Nông tự hào được uống nước từ hai con sông chính Con và Ba: Sông con là Serepok và sông Ba (còn có tên gọi khác là Đà Rằng). Đặc biệt sông Serepok do hợp lưu từ sông Cha và Mẹ nên mang trên mình cả hai tố chất của các “bậc sinh thành”, nghĩa là có đoạn hiền hòa, êm đềm, lững lờ trôi như sông Mẹ, cũng có khúc rền rã, sục sôi như thừa huởng tố chất mạnh mẽ của sông Cha. Không những thế, Serepok còn “vinh dự” là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, còn cung cấp phù sa màu mỡ cho những dải đất của đôi bờ.

Nhìn về tương lai

Các địa phương mới thành lập thường gặp những khó khăn chồng chất. Điều này là hiển nhiên, hợp lo -gic, nhưng Đắk Nông lại hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi” cho các mục tiêu phát triển kinh tế: có diện tích đất canh tác khá màu mỡ, chủ yếu là đất đỏ bazan, rất thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp như càphê, cao su, hạt tiêu; rất giàu trữ lượng khoáng sản, đặc biệt là quặng bô –xít.

Bí thư Thị ủy thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), ông Điểu K’Ré tâm sự: “Tách ra từ tỉnh Đăk Lắk, Đắk Nông mang theo bên mình bao nỗi lo toan: Kết cấu hạ tầng cơ sở yếu, trình độ dân trí thấp, công trình phúc lợi cộng đồng cơ bản như: điện – đường – trường – trạm thiếu đầu hụt đuôi… Nhưng bằng sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các chương trình 134 và 135, đặc biệt là sự cố gắng của các cấp lãnh đạo, đồng bào các dân tộc trong tỉnh nên đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện …”

Về Đắk Nông bây giờ, đâu đâu cũng thấy những tín hiệu lạc quan của cuộc sống no ấm, đủ đầy với những nương càphê, tiêu, cây công nghiệp… xanh ngút ngàn. Sông Serepok oai hùng cũng đang chuẩn bị đón nhận một sự thay đổi lớn.

Phó chủ tịch UBND huyện Cư Jút, ông Trương Thanh Tùng, phấn khởi cho biết: “Dự án Quy hoạch du lịch dọc bờ Serepok do UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt nhằm khai thác tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và văn hoá đặc trưng vùng cao, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên tự nhiên, môi trường sinh thái đang bước vào giai đoạn khởi động. Có khá nhiều điểm “nhấn” trong tổng thể quy hoạch dự án như: Khu câu cá có tổng diện tích 7,16ha nằm đối diện với khu nhà hàng, khách sạn; khu du lịch sinh thái 6,1ha; khu nuôi chim, cá cảnh và trồng cây đặc hữu 1,8ha; các điểm vui chơi trẻ em, công viên nước, sân vận động, khu sinh thái vườn rừng, đảo nuôi thú bán hoang dã… Không chỉ có vậy, dự án còn khép kín với 14,4ha khu biệt thự, gần 50ha khu nhà vườn biệt thự và khu dân cư tập trung hơn 27ha… Tổng vốn đầu tư cho dự án lên đến 111 tỷ đồng”.

Hy vọng rằng con sông Sêrêpok dài hơn 400km với nhiều thác ghềnh hùng vĩ: thác Trinh Nữ, Gia Long, Đray Sap, Dray Nu, Đray Hinh… hứa hẹn sẽ mang lại một khu du lịch sinh thái đa dạng, hấp dẫn.

Văn hoá ẩm thực vùng cao

Ly trà gừng Tây Nguyên mở màn cho cuộc dạo chơi trong “miền” văn hoá ẩm thực của cao nguyên. Ly trà do Điểu Ma Đào, chàng trai dân tộc khoản đãi tưởng chừng như là hàng hiếm, nhưng hoá ra chỉ cần ghé bất kỳ hàng quán nào ở Đắk Nông đều có thể được thưởng thức một ly trà gừng nồng ấm, chất liệu chủ đạo là gừng (đương nhiên) nhưng phụ liệu kèm theo lại rất phong phú: vài lát cam thảo, dăm hạt nho khô, quả táo tàu, miếng đường phèn… làm nên một thức uống đặc trưng rất rừng, rất Tây Nguyên.

Món cà đắng Tây Nguyên do M’Diêu, bạn gái của Ma Đào chiêu đãi cũng rất hút hàng và nghe chừng… nên thuốc. Nhưng món gà rừng thì đong đầy nỗi niềm… “nhất khoái trên đường cái quan!”. Nếu như bữa cơm gà rừng hấp đọt măng ngon trên cả tuyệt vời, thì món gà rừng xào lăn trong thăm thẳm núi rừng do Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức mời nâng chén nghe chừng cũng để lại cho thực khách nhiều dư vị. Giám đốc Lê Xuân Bảo tếu táo: “Xin mời! Đây là món gà mà tiếng dân tộc gọi là Dô B’Kái…Trong sâu thẳm núi rừng đèo heo hút gió chỉ có thể chém to kho mặn vậy thôi…”.

Cái ấn tượng một chiều ăn món gà độc chiêu đã theo chúng tôi suốt quãng đường băng rừng trở về phố thị. Mà Dô B’Kái, nghĩa là gì nhỉ? Trong khi Điểu Ma Đào ngơ ngác lục tìm trong vốn ngôn ngữ dân tộc của mình và lắc đầu quầy quậy về cái món lạ lẫm này, thì… “Là món … “dai bà cố” chứ còn gì nữa, ha ha…”, anh chàng lái xe vừa nói vừa cười thành tiếng trong lúc đang bận rộn đánh vòng vèo vô lăng vượt đèo. Còn chúng tôi đành nín khe vì một lần mắc lỡm ông giám đốc vui tính.

Trong chập choạng ráng chiều bên dòng Serepok huyền thoại, Điểu Ma Đào, chàng trai dân tộc ở Đức Linh (Tánh Linh – Bình Thuận) lên đây lập nghiệp (hay nói đúng hơn là nhận nơi này làm quê hương, do cô sơn nữ M’Diêu bắt làm chồng) ngân nga một giai điệu khá hay:

Ơ hơ hơ! Chiều bên dòng Serepok, đi giữa hàng cây khô khốc
Nghe tiếng con chim prô -tốc, prô -tốc, prô –tốc
Nhìn gốc Pơ -lăng, dạo miếng đàn Krông -pút, ớ hơ…