Rồng Komodo có nọc độc

ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học Melbourne, Úc đã chứng minh rằng rồng Komodo, loài thằn lằn lớn nhất thế giới, có mang nọc độc.

Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu được in trong Biên bản lưu của Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc gia, loài thằn lằn này dùng nọc độc để làm con mồi suy yếu và bất động. Các nhà nghiên cứu tin rằng các vi khuẩn sống trong miệng rồng Komodo chính là nguồn gốc tạo ra nọc độc ở loài bò sát này.

Bryan Fry thuộc Đại học Melbourne và các đồng nghiệp của mình đã sử dụng các mô hình máy tính để chứng tỏ rằng mặc dù rồng Komodo chỉ cắn khá nhẹ, song sự kết hợp giữa những chiếc răng dạng răng cưa cùng với nọc độc đã khiến chúng trở thành một tay săn mồi nguy hiểm có khả năng quật ngã cả các động vật có vú lớn như nai, dê, lợn rừng và, trong một số ít trường hợp là cả con người.

Fry cho biết: “Các loài bò sát ăn thịt có kích thước lớn này thường cắn con mồi sau đó thả cho chúng đi, và con mồi sau đó sẽ chết do mất máu. Chúng tôi đã cho các bạn thấy rằng chính sự kết hợp giữa răng và nọc độc đã tạo ra thứ vũ khí săn mồi lợi hại cho Rồng Komodo. Sự kết hợp giữa một cú cắn đặc biệt cùng với nọc độc đã giảm thời gian đối mặt trực tiếp giữa rồng Komodo và con mồi, đồng thời khiến loài này có thể săn được cả những con mồi lớn”.

Tuyến nọc độc của Rồng được xác định bằng cách sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ sau đó lại được lấy ra từ những con rồng bị bệnh không thể cứu sống từ Vườn thú Singapore. Theo các nhà nghiên cứu, loài rồng này sở hữu “tuyến nọc độc bò sát có cấu trúc phức tạp nhất hiện nay”, hơn cả Heloderma suspectum,một loại thằn lằn độc được phát hiện ở Tây Nam nước Mỹ. Tuy nhiên cũng như Heloderma suspectum và một số loài rắn độc, nọc độc của loài rồng này hoạt động bằng cách gây ra hiện tượng tụt huyết áp nghiêm trọng qua cơ chế ngăn cản máu đông và mở rộng mạch máu, gây ra các cơn sốc cho nạn nhân.

Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành kiểm tra các hóa thạch của một loài rồng đã tuyệt chủng có họ hàng với rồng Komodo, Megalania, loài bò sát có chiều dài 7m và cân nặng tới 2000 kg. Họ khẳng định rằng thằn lằn cổ đại là một trong những loài động vật có nọc độc lớn nhất từng sống trên trái đất.