Khu bảo tồn hay sân golf

Báo Dân trí đang đăng loạt bài về Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Thái Bình. Đọc bình luận ở một bài báo đề cập quyết định thu hẹp khu bảo tồn để xây đô thị, sân golf, tôi thấy một độc giả viết: “Để rừng thì tất cả người nghèo, người giàu đều được hưởng. Bán nền, sân golf thì chỉ người giàu thôi. Chưa kể con cháu sau này chịu hết hậu quả …”.

Cắt nghĩa về lợi ích của khu bảo tồn đó thật rõ ràng. Nhưng dường như không phải ai cũng hiểu được như vậy; đặc biệt khi phải đối mặt với bài toán đánh đổi giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, vật chất và những giá trị không phải hữu hình trực tiếp.

Về vụ việc cụ thể trên, tôi đã có ý kiến trả lời phóng viên báo Dân trí với tư cách là một chuyên gia về bảo tồn thiên nhiên, ở đây tôi muốn chia sẻ quan điểm ở góc nhìn toàn cảnh.

Lịch sử các khu bảo tồn ở nước ta

Khu bảo tồn có thể hiểu một cách đơn giản là những khu vực được khoanh lại để giữ gìn các tài nguyên thiên nhiên trong đó, cấm hoặc hạn chế các hoạt động khai thác, làm kho dự trữ cho lâu dài.

Không phải ngày nay chúng ta mới lập khu bảo tồn mà việc này đã có lịch sử lâu đời, trước đây thường được gọi đơn giản là “rừng cấm”. Ở các cộng đồng thôn bản, làng xã trên mọi miền tổ quốc tồn tại những khu rừng và các hệ sinh thái tự nhiên do người dân đồng thuận giữ gìn, cấm khai thác, phá hoại, truyền từ đời này sang đời khác để phục vụ đời sống, văn hóa, tâm linh.

Thời phong kiến, các vị vua chúa Việt Nam cũng có các quy định về rừng cấm để kiểm soát các nguồn lợi lâm thổ sản. Bộ luật Hồng Đức thời nhà Lê định rõ các hành vi cấm, xử phạt đối với những hành vi xâm phạm các khu rừng quan ải, rừng cấm.

Khu rừng Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) từ thời nhà Nguyễn đã được chính quyền xem là rừng cấm, có quy định cấm chặt phá. Khu rừng ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay, là tấm khiên che chở cho người dân, để họ có cuộc sống yên lành trước những cực đoan của thời tiết.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Ảnh: Đức Văn)

Thời kỳ thuộc địa, người Pháp đã phát hiện và xây dựng nhiều khu vực phong cảnh rừng đẹp, có khí hậu phù hợp để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của bộ máy đô hộ và những người giàu có như Tam Đảo, Ba Vì, Sa Pa, Bạch Mã, Bà Nà, Đà Lạt. Những khu vực này được bảo vệ tốt và hiện nay cũng trở thành các khu rừng đặc dụng. Từ năm 1859, người Pháp bắt đầu xây dựng các chế độ, thể lệ, chính sách lâm nghiệp.

Ngày 12/6/1891, Thống đốc Henri Eloi Danel ban hành Nghị định về việc thiết lập các khu rừng cấm. Theo đó, các khu rừng cấm được họ xác định là những diện tích rừng không được tự do khai thác, đây được xem là những khu rừng dự trữ. Việc khai thác phải theo nguyên tắc bắt buộc đảm bảo rừng có thể tái sinh theo chu kỳ từ 15 đến 20 năm. Ba khu rừng cấm đầu tiên được thành lập ở tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương).

Chính quyền thuộc địa cũng đã xây dựng nhiều quy định về quản lý lâm sản, săn bắn, trồng và tái sinh rừng, quy định về xử lý vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Kiểm lâm có nhiệm vụ, quyền hạn lớn đến mức dân gian có câu “Nhất kiểm lâm, nhì khâm sứ”.

Khu rừng cấm quốc gia Cúc Phương (nay là Vườn Quốc gia Cúc Phương) được thành lập năm 1962 đánh dấu sự ra đời khu bảo tồn đầu tiên của Việt Nam sau độc lập. Cho đến nay, nước ta đã xây dựng được một hệ thống 181 khu bảo tồn trên đất liền và biển, dưới nhiều loại hình khác nhau (vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên/khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan).

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 257 khu bảo tồn, 13 hành lang đa dạng sinh học, 41 khu vực đa dạng sinh học cao, 23 cảnh quan sinh thái quan trọng, 11 vùng đất ngập nước quan trọng.

Tại sao lại phải có khu bảo tồn?

Trước thế kỷ 20, Trái đất chúng ta vẫn còn giữ được nhiều vùng thiên nhiên hoang dã cho dù con người đã không ngừng chinh phục và khai phá. Khi Việt Nam giành độc lập vào năm 1945, dân số nước ta mới chỉ 25 triệu người. Rất nhiều khu vực vẫn còn hoang sơ, chưa có dấu chân con người khám phá.

Cuối thế kỷ 20, sang đầu thế kỷ 21, đất nước chúng ta đã thay đổi ngoạn mục, cơ bản giải quyết thách thức nghèo đói, từng bước trở thành một quốc gia trên đà phát triển. Tuy nhiên, cái giá của phát triển cũng không phải là nhỏ. Suy thoái, ô nhiễm môi trường, mất mát các hệ sinh thái tự nhiên và các loài hoang dã, tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và gia tăng các sự cố thiên tai, … đã và đang trở thành những thách thức mới.

Ở phạm vi toàn cầu, trong nửa thế kỷ qua, con người đã khiến cho trái đất suy giảm thảm khốc về những giá trị của thiên nhiên ở tốc độ chưa từng có trong lịch sử, cao hơn 100 đến 1.000 lần so với tỷ lệ tuyệt chủng tự nhiên. Dưới tác động của loài người, hành tinh chúng ta đã mất đi 82% thú hoang dã tính theo khối lượng, cùng với 40% động vật lưỡng cư, gần một phần ba các rạn san hô, hơn một phần ba các loài thú biển và 10% tất cả các loài côn trùng đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sự mất mát này là không thể cứu vãn – kể cả với những tiến bộ khoa học kỹ thuật cao nhất mà chúng ta có thể có.

Hãy nhìn xung quanh chúng ta và so sánh với 30 hay 40 năm về trước cũng có thể nhận thấy những thay đổi, mất mát được các nhà khoa học tính toán ra con số đó. Nhiều loài cây cỏ, chim muông, mãnh thú vốn một thời đầy ắp ruộng vườn, rừng rú nay đã không còn bóng dáng.

Có thể chúng ta không thể nhận ra nhưng loài người phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều hơn chúng ta tưởng. Thức ăn, nước uống, không khí để thở… ở trạng thái cơ bản đều không phải do máy móc sản xuất ra. Những thay đổi nhỏ trong lưới thức ăn và chuỗi thức ăn ngoài thiên nhiên có thể ảnh hưởng xấu đến toàn bộ chuỗi, dẫn đến giảm tổng thể đa dạng sinh học, gây mất cân bằng sinh thái. Qua những tác động dây chuyền, cuối cùng sẽ đe dọa an ninh lương thực và sự tồn vong của nhân loại.

Các khu bảo tồn hiện nay là những nơi cuối cùng mà rất nhiều loài hoang dã có nơi khá an toàn để trú ngụ. Phải nói rằng bản thân các khu bảo tồn vẫn không ngừng bị đe dọa bởi sức ép từ phía bên ngoài – đơn giản là quần thể loài người quá lớn và quá tham lam. Các khu bảo tồn cũng còn gọi là các khu “dự trữ thiên nhiên”. Bản thân từ “dự trữ” đã nói lên ý nghĩa của các khu vực này.

Đường đi ra khu vực bãi biển Cồn Vành, nơi sẽ có công trình khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ nằm trên địa bàn xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (Ảnh: Đức Văn)

Trong khi làm vai trò “dự trữ”, các khu vực tự nhiên này vẫn hoạt động và phục vụ rất nhiều lợi ích khác cho con người mà ít khi được biết đến. Có vô vàn việc thiên nhiên có khả năng xử lý tốt hơn rất nhiều so với công nghệ, kỹ thuật của loài người – và quan trọng hơn là chúng phục vụ miễn phí.

Lấy ví dụ các vùng đất ngập nước, xưa nay vẫn bị con người xem là những khu đất hoang để khai khẩn, để xả thải, hoặc là những vùng đất phí phạm. Đất ngập nước có khả năng ưu việt trong việc lưu giữ và lắng lọc các chất độc hại phần lớn do con người thải ra như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, và các chất hóa học khác. Chúng cũng giữ lại các chất dinh dưỡng và nơi nuôi dưỡng các loài thủy sản. Các loài vi khuẩn và vi sinh vật trong đất ngập nước có thể phân hủy các chất hữu cơ và các chất độc hại khác. Chúng làm việc không ngừng nghỉ ngay cả khi chúng ta đang say ngủ!

Trong thế kỷ mà loài người phải đối mặt với nguy cơ sinh tử do biến đổi khí hậu gây ra, các khu đất ngập nước còn có một khả năng khác mà chúng ta cần hơn bao giờ hết: hấp thụ carbon. Theo các nghiên cứu khoa học, khi nồng độ CO2 tăng cao, các loài thực vật vùng đất ngập nước có thể hấp thụ lượng carbon nhiều hơn tới 32% so với mức hiện tại. Ngoài ra, các loại cây đất ngập nước có khả năng lưu trữ carbon trong rễ và mầm non của chúng. Ngay cả khi chúng chết đi, carbon được vùi sâu xuống những lớp bùn đất của vùng đất ngập nước thay vì phát thải thêm vào khí quyển.

Cuối cùng, khu bảo tồn để cho ai?

Câu trả lời thật hiển nhiên. Không giống như những công trình đắt đỏ chỉ phục vụ một nhóm nhỏ có đủ điều kiện hưởng thụ, khu bảo tồn nói riêng và thiên nhiên nói chung phục vụ tất cả. Những công trình do con người tạo ra gây ô nhiễm, còn chúng thì làm việc ngược lại.

Loài người có thể xây dựng nhiều tòa nhà, nhà máy, sân golf, khu nghỉ dưỡng trong chớp mắt. Nhưng rất hiếm khi loài người có khả năng xây dựng hay phục hồi lại được một hệ sinh thái tự nhiên hoàn chỉnh. Đơn giản là phải mất hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm để thiên nhiên tiến hóa và hoàn thiện mình mới đi đến những gì chúng ta còn thấy được như ngày nay. Nhưng con người có thể xóa sổ chúng trong nháy mắt. Vâng, so với lịch sử tự nhiên, kể cả một vòng đời của con người cũng chỉ là nháy mắt!

Tác giả: Ông Trịnh Lê Nguyên là thạc sĩ chuyên ngành Nước – Môi trường – Hải dương học; có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc ở các tổ chức trong nước và quốc tế về bảo tồn thiên nhiên. Hiện ông Nguyên là Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Chủ tịch Quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam.
Nguồn: