Rồng Komodo vừa bị liệt vào sách đỏ

Biến đổi khí hậu đã đẩy rồng Komodo, loài thằn lằn lớn nhất thế giới, từ trạng thái “dễ bị tổn thương” sang “nguy cấp” trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Theo bản cập nhật sách đỏ mới nhất của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), rồng Komodo đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì nước biển dâng cao có thể thu hẹp môi trường sống của chúng.

Bản cập nhật – được công bố tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới ở Marseille – là bản đầu tiên có tên rồng Komodo trong hơn 20 năm, theo Guardian.

Bản cập nhật được đưa ra sau khi bài báo bình duyệt đầu tiên về mức độ ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu đối với những thằn lằn khổng lồ đã kết luận “cần có các hành động bảo tồn khẩn cấp để tránh nguy cơ tuyệt chủng”.

Loài rồng Komodo hiện sống ở một số hòn đảo ở Indonesia. Ảnh: Guardian.

Theo IUCN, nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến khoảng 30% môi trường sống của loài động vật này trong vòng 45 năm tới.

Là loài đặc hữu của một số hòn đảo ở Indonesia, rồng Komodo sống ở bìa rừng hoặc trong thảo nguyên. Loài này hiếm khi mạo hiểm sống ở độ cao hơn 700 m so với mực nước biển.

Cùng với việc không thể di chuyển lên vùng đất cao hơn, môi trường sống của rồng Komodo ngày càng bị chia cắt bởi hoạt động của con người. Điều này khiến các quần thể kém khỏe mạnh về mặt di truyền và dễ bị tổn thương hơn.

Phạm vi sinh sống của chúng trên đảo Flores ở Indonesia được cho là đã bị thu hẹp hơn 40% từ năm 1970-2000.

Gerardo Garcia, người phụ trách tại Vườn thú Chester cho biết: “Môi trường sống của nhiều loài động vật đang bị thu hẹp do nước biển dâng”.

Người châu Âu chỉ phát hiện ra rồng Komodo vào đầu thế kỷ 20 và ngay lập tức bị mê hoặc bởi loài vật này.

“Đây là loài bò sát lôi cuốn nhất hành tinh nhưng cho đến năm ngoái, chúng tôi vẫn chưa thực sự biết rồng Komodo sống ở đâu”, Garcia, thành viên của dự án kéo dài 3 năm với một tổ chức phi chính phủ cho biết. Tổ chức này đã sử dụng máy bẫy ảnh để tìm ra sự chuyển động của loài động vật này.

Họ đã khám phá ra rồng Komodo đang sống trên đảo Flores. Hiện tổ chức hy vọng các công việc bảo tồn sẽ được tập trung hơn ở khu vực này.

Bản cập nhật sách đỏ của IUCN cũng có một vài điểm sáng. Một số loài cá ngừ trong danh sách đã được ghi nhận có sự phục hồi rõ rệt nhờ việc áp dụng hạn ngạch đánh bắt trong 10 năm qua.