Chuyện đau lòng từ những bóng đèn xanh thân thiện

ThienNhien.Net – Trong khi người tiêu dùng Anh bắt buộc phải sử dụng bóng đèn hiệu suất cao vào năm 2012 với mục tiêu nước này sẽ giảm được 5 triệu tấn khí thải CO2 trong không khí mỗi năm thì ở Trung Quốc hàng trăm công nhân sản xuất loại bóng đèn này phải gánh chịu bệnh nghề nghiệp do nhiễm độc thủy ngân. Trung Quốc đang phải trả một cái giá môi trường rất đắt cho việc sản xuất bóng đèn “thân thiện môi trường” phục vụ xuất khẩu tại các nhà máy cắt giảm chi phí.

Với kế hoạch đến năm 2012 thay thế và đưa vào sử dụng toàn bộ bóng đèn thân thiện môi trường của EU, một số mỏ thủy ngân trước kia đã từng gây hại cho môi trường nay đã tái hoạt động.

Ở Trung Quốc, nước cung cấp tới 2/3 số lượng bóng đèn huỳnh quang cho Anh, các chuyên gia đã phải lên tiếng báo động về các nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng của một ngành công nghiệp được coi là thân thiện với môi trường nhưng lại phụ thuộc vào lượng lớn thủy ngân độc hại.

Để sản xuất ra bóng đèn, các công nhân buộc phải tiếp xúc với thủy ngân ở dạng lỏng hoặc rắn bởi một lượng nhỏ của chất này cần được đặt vào trong bóng giúp tạo nên phản ứng hóa học và làm đèn sáng.
Trên toàn thế giới, người ta đã cảnh báo thủy ngân là chất cực kỳ có hại cho sức khỏe. Khi tích tụ trong cơ thể người, nó có thể phá vỡ hệ thần kinh, phổi và thận, đe dọa đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ đang trong bụng mẹ.

Ngay cả ở Anh, chính phủ cũng đã hướng dẫn người dân của họ rất cụ thể, rằng nếu chẳng may bóng đèn huỳnh quang bị vỡ tại nhà, cần làm sạch phòng 15 phút để tránh nguy cơ ngộ độc do khí thủy ngân.
Trong các tài liệu do Bộ y tế Trung Quốc công bố, các hướng dẫn cho bác sĩ và tài liệu tuyên truyền sức khỏe đều có đề cập đến vấn đề thủy ngân độc hại tại các nhà máy sản xuất bóng đèn huỳnh quang. Nó đã trở thành vấn đề nổi cộm của xã hội.

Nhiễm độc thủy ngân trên cả mức báo động

Ở phía Nam Trung Quốc, bóng đèn huỳnh quang phục vụ xuất khẩu được sản xuất phổ biến, từ các nhà máy công nghệ cao đa chức năng cho đến các xưởng sản xuất nhỏ. Dĩ nhiên tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn ở những nơi này là khác nhau.

Hàng trăm công nhân thành phố Phật Sơn và tỉnh Quảng Châu khi được đưa đi kiểm tra sức khỏe đã cho thấy chứa hàm lượng thủy ngân cao trong cơ thể, nhiều người đã phải nhập viện.

Khi được phỏng vấn với điều kiện giấu họ tên thật, nhiều công nhân cho biết họ luôn đối mặt với nỗi sợ hãi nhiễm độc thủy ngân. Họ còn chìa ra kết quả xét nghiệm nước tiểu được kết luận có nhiễm độc. Một nữ công nhân trẻ tâm sự “Kết quả kiểm tra lượng thủy ngân trong máu và nước tiểu của tôi đều quá mức cho phép nhưng tôi không được chuyển đến bệnh viện để chữa tại vì giám đốc của tôi nói rằng tôi còn khỏe nên sức đề kháng cao, sẽ tự đào thải được hết thủy ngân”. Hai người đồng nghiệp của cô đã được đưa đi bệnh viện chỉ trong vòng một tháng.

Còn một nam công nhân trẻ khác thì quả quyết từ giờ anh ta sẽ dứt khoát không làm trong các xưởng thủy ngân, dù có được trả bao nhiêu tiền đi chăng nữa.

Các bác sĩ tại hai trung tâm y tế khu vực cho biết họ đã từng tiếp nhận bệnh nhận từ nhà máy ở Phật Sơn của Osram, một nhà sản xuất lớn phục vụ thị trường ở Anh. Tuy nhiên, công ty này khẳng định rằng trong đợt kiểm tra gần đây nhất họ không phát hiện người nào có lượng thủy ngân quá mức cho phép. Công ty biện hộ thêm rằng chính các nhà chức trách địa phương đã cung cấp tài liệu năm 2007 và 2008 chứng minh nhà máy đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.
Thực tế, Osram đang áp dụng công nghệ tiên tiến sử dụng thủy ngân dạng rắn để đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh tương đương với Đức. Các nhà máy 100% vốn Trung Quốc chất lượng còn thua xa.

Một cuộc điều tra trên tài liệu chuyên ngành và trong các báo cáo trong nước cho thấy hàng trăm công nhân tại các nhà máy 100% vốn Trung Quốc bị nhiễm độc thủy ngân từ hơn một thập kỷ trước.

Theo tờ nhật báo Nanfang, có một trường hợp khi các cán bộ thành phố Phật Sơn can thiệp và yêu cầu kiểm tra sức khỏe cho công nhân tại nhà máy bóng đèn Nanhai Feiyang sau khi có đơn thư khiếu nại về điều kiện làm việc độc hại tại nhà máy này, họ đã phát hiện 68 trong số 72 công nhân bị nhiễm độc nặng và đã phải nhập viện điều trị.

Một tờ tạp chí chuyên ngành của Bộ y tế Trung Quốc cho biết một nhà sản xuất bóng đèn huỳnh quang khác ở thành phố Cẩm Châu (thuộc tỉnh Liêu Ninh) có 121 trong tổng số 123 nhân viên có lượng thủy ngân quá mức cho phép. Thậm chí có người bị nhiễm thủy ngân nhiều gấp 150 lần tiêu chuẩn.
Cũng chính tạp chí này đã công bố một nhà máy bóng đèn ở thành phố An Dương, thuộc tỉnh Hà Nam phía đông Trung Quốc nơi mà 35% số công nhân bị nhiễm độc thủy ngân và chất thải công nghiệp, chất độc cũng đã ngấm trực tiếp vào nguồn nước.

Ngoài ra tờ tạp chí còn đưa ra kết quả điều tra ở 18 nhà máy bóng đèn gần Thượng Hải cho thấy công nhân sản xuất bóng huỳnh quang có nguy cơ bị nhiễm độc thủy ngân cao hơn so với sản xuất các loại bóng đèn khác.

Người dân Trung Quốc cũng đã biết đến tính độc hại của thủy ngân này từ hơn 2000 năm trước khi vị vua nhà Tần đầu tiên chết vào năm 210 trước Công nguyên khi uống nhầm một viên thuốc gồm có thủy ngân và ngọc bích vì tưởng rằng thuốc đó có thể đem lại sự bất tử. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe cộng đồng chỉ bắt đầu nổi lên cùng với sự phát triển của xã hội văn minh ở Trung Quốc trong thời gian gần đây, liên quan đến khai thác thủy ngân phục vụ phát triển công nghiệp.

Ở Bắc Kinh đã từng có một phiên tòa tại Bắc Kinh gây tiếng vang khi tòa án chấp thuận đơn kiện đòi bồi thường với giá trị tương đương 375.000 bảng Anh cho một người đàn ông bởi anh này bị nhiễm độc thủy ngân nặng đến mức hệ tiêu hóa bị phá hỏng.

Rất có thể đây là vụ kiện tụng lớn nhất ở vùng núi đã bị hủy hoại của tỉnh Quế Châu, nơi thủy ngân được khai thác trong suốt hàng thế kỷ qua. Đồi núi ở đó đã bị bới tung và rất nhiều người dân đã ra đi.

Cho đến hiện tại, các điều kiện ở khu khai thác vẫn còn rất thô sơ. Công nhân mỏ dùng tay đục những khối đá có chứa thủy ngân. Họ hít trực tiếp khí độc và hơi bốc lên từ các vạc tinh chế thủy ngân. Không ai đeo mặt nạ hay mặc quần áo bảo hộ.

“Cha ông của chúng tôi đã khai thác thủy ngân từ đời nhà Minh (1368-1644) và thời đó thì làm gì có khí ô nhiễm từ các mỏ khai thác”, ông lão nông dân Shen, 72 tuổi nói “Nhưng nay thì hàng nghìn thợ mỏ tìm đến mảnh đất của chúng tôi, đào xới nó lên và đổ vào đó một đống hóa chất để xử lý các chất thải. Trâu của chúng tôi ốm yếu còi cọc vì uống phải nước độc và cây cối thì xám ngoét lại. Con người ốm o, đoản mệnh. Ai còn sức lực thì đã bỏ đi hết cả.”

Nhà nước đã đóng cửa những cơ sở khai thác thủy ngân lớn ở khu vực trong thời gian gần đây do giá thủy ngân trên thế giới giảm xuống và lo ngại về các dòng sông chết, những cánh đồng bị nhiễm độc và tình trạng bệnh tật của người dân.

Nhưng ngược lại, ở vùng xa xôi hẻo lánh của một tỉnh còn nhiều nghèo đói, nhu cầu về thủy ngân từ Châu Âu đã kéo gọi công nhân mỏ quay lại.

Ông Zhao Yingquan, một doanh nhân Trung Quốc đã trả 1,5 triệu bảng Anh để có được quyền sử dụng khu mỏ trước đây thuộc về nhà nước. Giám đốc thi công, ông Su, cho biết “ Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối cùng để tiến hành cho khu mỏ hoạt động trở lại và nửa cuối năm nay”.