Lào Cai: Mô hình điểm chăn nuôi gia súc bằng cỏ VA06

ThienNhien.Net – Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Trạm khuyến nông huyện Bắc Hà tiến hành bàn giao 20 tấn cỏ giống VA06 cho nông dân xã Na Hối (huyện Bắc Hà), tương đương trồng được 10 ha để xây dựng mô hình điểm chăn nuôi theo theo phương thức bán chăn thả. Đây là nguồn dự trữ thức ăn tốt nhất cho gia súc vào mùa đông, thích hợp với nuôi nhốt, từng bước hạn chế tình trạng thả rông gia súc ở vùng cao.

Cỏ VA06 được mệnh danh là “Vua của các loài cỏ”, được lai tạo giữa cỏ đuôi sói châu Mỹ và cỏ voi, đã được thực nghiệm cho năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa chất và khí hậu ở Lào Cai. Đặc tính sinh học của cỏ VA06 là cây thân cỏ lâu năm, cao từ 3,5 m đến 4 m, rễ chùm, phát triển rộng, lá dài 60 – 80 cm. Cỏ ưa nóng ấm và chịu hạn tốt, trồng được trên nhiều loại đất, kể cả đất cát sỏi, đất đồi, đất nhiễm phèn, trên bờ ruộng, ven ao hồ… Cỏ sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh khỏe, kỹ thuật trồng đơn giản. Năng suất đạt từ 400 đến 500 tấn/năm, cao gấp ba cỏ voi.

Cỏ VA06 được dùng làm thức ăn chăn nuôi có chứa 11 loại axit amin, hàm lượng protein lên tới 18,46%, hàm lượng đường 8,3%, là thức ăn tốt nhất cho gia súc và cá. Ngoài ra, cỏ còn được làm nguyên liệu sản xuất bột giấy, làm gỗ ván nhân tạo, nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu, nguyên liệu cho thủ công đan lát, trồng để chống xói mòn đất, làm đẹp cảnh quan…

Theo ông Nguyễn Hữu Định, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lào Cai, trước đây nhiều địa phương trong tỉnh đã tự phát trồng cỏ voi để chăn nuôi, nhưng chưa thành mô hình tập trung thí điểm để đánh giá rút kinh nghiệm. Sau mô hình Na Hối thành công sẽ được nhân rộng sang các huyện vùng cao có tiềm năng chăn nuôi đại gia súc khác như Si Ma Cai, Mường Khương và Bảo Yên…

Hiện Lào Cai có tổng đàn gia súc với hơn 20 vạn con, tăng trưởng đàn bình quân 14%/năm, chủ yếu là trâu, bò. Tuy nhiên, mỗi mùa đông giá rét, đàn gia súc cũng bị thiệt hại đáng kể. Riêng mùa đông năm 2007 thiệt hại nặng nề nhất với gần 2 vạn con, chiếm 10% tổng đàn. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu thức ăn dự trữ khi đợt rét kéo dài.