Bài 2: Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất

ThienNhien.Net – Thực tế thời gian qua, một số địa phương ở ĐBSCL đã chuyển đổi một phần diện tích sản xuất lúa sang luân canh cây màu mang lại hiệu quả cao hơn so với độc canh 3 vụ lúa/năm. Thế nhưng khi đề cập đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện rộng thì các tỉnh đều e ngại đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh… nhất là sự gắn kết giữa nông dân trồng màu với doanh nghiệp tiêu thụ.

Hiệu quả bước đầu

Huyện Bình Tân (Vĩnh Long) được mệnh danh là “vương quốc rau màu” ở ĐBSCL với diện tích sản xuất mỗi năm lên đến 10.000ha. Ông Khúc Văn Bi, ở ấp Hưng Thành, xã Tân Hưng, khoe rằng: “Mới tháng rồi, tôi thu hoạch 15 công khoai lang tím Nhật, đạt năng suất 50 tạ/công, bán giá 860.000 đồng/tạ; trừ hết các khoản chi phí còn lời hơn 450 triệu đồng, mức lợi nhuận khá lớn đối với nông dân. Nếu trồng lúa vụ đông xuân được mùa, được giá, lợi nhuận cũng chỉ 2 – 3 triệu đồng/công; trong khi vụ khoai lang của tôi vừa qua đạt lợi nhuận bình quân tới 30 triệu đồng/công, cao gấp nhiều lần so với lúa”. Ông Huỳnh Văn Quân, Phó Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân quả quyết: “Mô hình trồng khoai lang xuất khẩu đã giúp nhiều hộ ở vùng nông thôn Bình Tân từ khó khăn vươn lên khá giả, trong đó không ít hộ làm giàu”. Mấy năm qua, từ khi phong trào trồng khoai lang xuất khẩu phát triển đã kéo theo rất nhiều cái lợi. Ai đất nhiều, vốn nhiều thì tập trung đầu tư mở rộng diện tích khoai; ai vốn ít đất ít thì cho thuê đất với giá 6 triệu đồng/công/năm cũng có thu nhập ổn định. Đặc biệt, nghề trồng khoai lang xuất khẩu bây giờ sản xuất quanh năm nên giải quyết được một lượng lớn lao động làm thuê với giá 150.000 – 300.000 đồng/người/ngày.

Không chỉ khoai lang, ở ĐBSCL có nhiều mô hình trồng bắp lai, đậu nành, mè, rau màu các loại thay thế cho lúa hè thu đạt hiệu quả rất cao. PGS-TS Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho biết: “Từ 10 năm trước chúng tôi đã nghiên cứu hiệu quả việc trồng màu trên đất lúa hè thu. Theo đó, tại vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, các mô hình trồng dưa hấu, bắp lai, khoai mỡ, bí đỏ… hiệu quả cao hơn lúa hè thu từ 1,3 đến 292%”. Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng NN-PTNT huyện Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết: “Qua nghiên cứu thực tế, trồng mè cho lợi nhuận khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha/vụ; khoai lang 250 triệu đồng/ha/vụ; đậu bắp 70 triệu đồng/ha/vụ; dưa lê 170 triệu đồng/ha/vụ; huệ 150 – 180 triệu đồng/ha; nấm rơm 200 – 240 triệu đồng/ha/vụ… Tất cả đều cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Vì vậy, huyện đã quy hoạch vùng ven sông Hậu tập trung cho rau màu”.

Ủng hộ chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết: “Gần đây Long An đã chuyển khoảng 2.000ha đất lúa sang trồng thanh long rất hiệu quả. Những hộ trồng thanh long xông đèn ở huyện Châu Thành thu lời 300 – 500 triệu đồng/ha. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân 2 huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng chuyển đổi 300ha đất lúa vụ 3 sang trồng cây mè; huyện Đức Hòa chuyển 200ha sang trồng bắp lai; huyện Bến Lức chuyển 500ha mía sang trồng chanh… Tất cả đều cho thu nhập cao hơn lúa”.

 

Trồng thanh long xông đèn ở Long An cho lợi nhuận 300 - 500 triệu đồng/ha.
Trồng thanh long xông đèn ở Long An cho lợi nhuận 300 – 500 triệu đồng/ha.

Xác định mô hình sản xuất

Rõ ràng, hiệu quả mang lại từ việc chuyển đổi các loại cây trồng khác trên đất lúa thời gian qua khá cao. Song, thực tế cho thấy phần diện tích chuyển đổi quá nhỏ so với tổng diện tích canh tác lúa của ĐBSCL. Đa số chỉ dừng lại ở cấp độ mô hình sản xuất, hoặc người dân tự chuyển đổi theo cách đơn lẻ, quy mô nhỏ, thiếu liên kết, không tập trung… Đặc biệt, đầu ra của các sản phẩm chuyển đổi thường rơi vào trạng thái “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”; và việc tiêu thụ lệ thuộc chủ yếu vào thương lái nên tính bền vững chưa cao. Ông Nguyễn Văn Năm, ở xã Mỹ Phước, huyện Măng Thít (Vĩnh Long) nói: “Mấy năm trước, trồng dưa hấu lời 30 – 40 triệu đồng/ha, nhưng vụ này hàng loạt hộ lỗ vì rớt giá. Có lúc giá dưa còn 1.000 – 2.000 đồng/kg nhưng thương lái không mua”. Hàng loạt nông dân ở TP Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… trồng bắp cải suốt 1 tháng qua giá xuống thấp, nhiều người đành bán đổ bán tháo, thậm chí bỏ phế ngoài rẫy.

Hiện tại nông dân trong nước trồng đậu nành phải bán từ 17.000 – 18.000 đồng/kg mới có lãi, trong khi giá mà các doanh nghiệp nhập về chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Cạnh tranh không lại nên diện tích đậu nành trong nước giảm mạnh trong vài năm gần đây. Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc DNTN Cỏ May (Đồng Tháp) phân tích: “Ở Argentina khi thu hoạch đậu nành họ chế biến dầu ăn, bơ… sau đó lấy xác đóng bánh làm thức ăn gia súc nên thu lợi cao. Còn ở Việt Nam chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm từ đậu nành nên giá thành sản xuất cao, nông dân khó có lãi vì chỉ bán nguyên liệu”.

Thêm cái khó hiện nay trong việc phát triển cây màu là thiếu hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng yếu kém. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, băn khoăn: “Mối liên kết 4 nhà hiện nay chưa chặt chẽ, số doanh nghiệp bao tiêu cho rau màu còn rất ít. Do đó, dù nói hàng năm cả nước nhập gần 3,5 tỷ USD nguyên liệu chế biến thức ăn, nhưng sản xuất trong nước vẫn khó tiêu thụ do giá thành cao nên không thể cạnh tranh hàng ngoại nhập”. Nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất là nhu cầu cấp bách đặt ra. Song, để chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu hoặc cây con khác có hiệu quả thì không thể làm tràn lan, mà nên phát huy lợi thế từng vùng, từng địa phương. Bước đầu phải thu hút được doanh nghiệp nhảy vào cùng đầu tư với nông dân, tiến tới xây dựng “cánh đồng liên kết” cho các sản phẩm này. Khi sự chuyển dịch gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ thì mới đem lại hiệu quả lâu dài trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

Nhân rộng mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong tái cơ cấu nông nghiệp

Chiều 3-4, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp về Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030”. Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, phát triển bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có kỹ năng sản xuất và quản lý; đẩy mạnh đào tạo nghề phi nông nghiệp và chuyển dịch lao động nông thôn ra khỏi khu vực nông nghiệp xuống khoảng 50% vào năm 2020.

Trong tái cơ cấu nông nghiệp thì vai trò doanh nghiệp rất quan trọng. Điều đáng mừng là gần đây nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp nhằm có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến xuất khẩu. Vấn đề là có chính sách dài hạn đầu tư các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp… Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý, sản xuất nông nghiệp hiện nay còn khó khăn do thường xảy ra “được mùa rớt giá”. Do đó, khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phát huy thế mạnh sẵn có như cá tra, lúa gạo, trái cây… Và đề án cần đi vào cụ thể từng sản phẩm, sản xuất gắn với thị trường, nâng cao vai trò hợp tác, liên kết trong sản xuất để ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập nông dân.