Cà Mau: Hướng đi thích hợp để phát triển rừng phòng hộ

ThienNhien.Net – Cà Mau có 2 khu rừng quý hiếm, có giá trị đặc biệt. Đó là vùng rừng ngập mặn, tọa lạc chủ yếu ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân. Trong ruột là cây đước, ven biển là cây mắm, hay gọi là rừng phòng hộ ven biển. Tổng diện tích rừng ngập mặn hiện nay còn khoảng 70.000 ha. Rừng ngập mặn thích nghi với nước mặn nên dưới chân rừng còn có nguồn tài nguyên dồi dào, đó là tôm, cua, cá nước mặn. Kế đến còn có hàng trăm loài động thực vật quí hiếm. Rừng ngập mặn Cà Mau không chỉ có giá trị về môi sinh môi trường, mà còn là vùng đất để nghiên cứu khoa học lý tưởng.

Bên cạnh đó, Cà Mau còn có một khu rừng hoàn toàn riêng biệt với rừng ngập mặn, đó là rừng tràm U Minh Hạ nổi tiếng. Rừng tràm U Minh Hạ hiện nay còn khoảng 80.000 ha, tọa lạc tại các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời. Rừng tràm U Minh Hạ chủ yếu là cây tràm, nhưng dưới chân rừng còn có nhiều loại cá đồng, các loài động thực vật quí hiếm. Trên đất rừng người ta còn trồng lúa, hoa màu, trên đất vườn trồng cây ăn trái để phát triển kinh tế gia đình. Nổi tiếng nhất ở đây là cá đồng như cá lóc, cá rô, cá trê, cá thát lát, cá dày… Sản lượng mỗi năm hàng chục ngàn tấn.

Rừng ngập mặn, rừng U Minh Hạ thời chiến tranh là căn cứ kháng chiến. Hầu hết cơ quan đầu não của cách mạng đều ở trong rừng, bởi thế nên mối quan hệ giữa người dân với Đảng đã gắn bó như máu với thịt. Đã có hàng ngàn tấn bom đạn, chất độc hóa học được Mỹ rải xuống rừng nhưng không thể nào tiêu diệt được ý chí kiên cường của nhân dân vùng này. Lúc bấy giờ, người dân chỉ có một mơ ước, một khi đất nước thống nhất, được tự do làm ăn, cuộc sống của bà con sẽ khá hơn.

34 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, kinh tế của đất nước đã đạt được nhiều thànnh tựu lớn, kinh tế của tỉnh Cà Mau cũng đã phát triển rất nhanh. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đã xấp xỉ 1.000 USD. Thế nhưng hiện nay còn có hàng chục ngàn người dân sinh sống trong 2 khu rừng nói trên, cuộc sống còn nhiều vất vả. Nhiều hộ còn nằm trong diện cứu đói. 34 năm qua, chính quyền địa phương rất quan tâm đến bà con hai vùng này. Nhưng do điều kiện khách quan và chủ quan, nên cuộc sống của bà con hiện rất chênh lệch so với người dân ở các nơi khác trong tỉnh.

Tại sao lại diễn ra tình trạng này? Trước hết phải nói rằng chính sách quản lý, phát triển rừng của ta trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều yếu kém, lúc thì thế này, lúc thế khác, nhiều lần thay đổi mô hình, cách thức quản lý, nhưng xem ra vẫn thấy chưa hợp lý. Có một thời gian dài tồn tại mô hình lâm ngư trường công ích, rừng do Nhà nước tập trung quản lý. Hiện nay chuyển sang mô hình Công ty, tương tự như hoạt động của một doanh nghiệp, nhưng xem ra cũng chưa ổn. Có lẽ sẽ cần một hướng đi khác.

Để rừng có giá trị kinh tế, đồng thời rừng được quản lý và phát triển tốt, đối với tỉnh Cà Mau nên phát triển đồng bộ theo các hướng sau đây: Một là nên mạnh dạn giao rừng cho dân quản lý lâu dài, kèm theo đó là những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đề cao lợi ích của dân gắn với lợi ích chung. Thứ hai là nên tổ chức sản xuất lại theo hướng rừng kinh tế.

Hiện nay, diện tích đất rừng theo báo cáo thì nhiều như vậy, nhưng thực tế đất có cây rừng chỉ ở mật độ 60 – 70%. Như vậy còn 30- 40% là đất trống. Tình trạng lãng phí đất rừng đã kéo dài từ trước đến nay. Nên chăng tổ chức cho người dân trồng nhiều loại cây trên đất rừng, cụ thể như cây keo lai, cây tràm bông vàng, các loại cây ăn trái… Cần xóa bỏ quan niệm chỉ có cây đước, cây tràm mới là rừng. Thiết nghĩ những loại cây nói trên được trồng phủ kín đương nhiên nó đã thành rừng, đồng thời lại cho giá trị kinh tế.

Thứ ba là nên xây dựng những làng kinh tế mẫu trong rừng. Lấy những mô hình sản xuất hiệu quả trong dân nhân rộng điển hình, chuyển từ mô hình nhỏ thành quy mô lớn, tương tự như mô hình hợp tác xã. Cách làm này, một là để người dân liên kết với nhau trong sản xuất kinh doanh, kế đến là biến những sản phẩm nông nghiệp làm ra thành sản phẩm có giá trị kinh tế thay vì tự sản tự tiêu như hiện nay. Không loại trừ để ngỏ khả năng cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào đầu tư để phát triển kinh tế rừng phù hợp với Luật pháp hiện thời.

Cả nước ta đang nô nức vui mừng chào đón kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đằng sau của niềm vui ấy còn hiện diện, len lỏi những nỗi niềm riêng trong lòng của những người dân cả cuộc đời gắn bó với rừng nhưng cuộc sống còn nhiều nỗi lo toan, vất vả. Thực ra, các cấp chính quyền cũng đã đồng cảm với bà con về điều này, nên hy vọng tới đây, với những bước đi phù hợp, thông qua cơ chế chính sách, cuộc sống của bà con lâm dân Cà Mau sẽ sung túc hơn.