ThienNhien.Net – Hơn 20 năm qua, từ mồ hôi, công sức của ông, hàng trăm ha đất đồi hoang khô cằn sỏi đá đã thành những khu rừng bạc tỷ.
Ông là tỷ phú trồng rừng Cù Văn Mẫn (56 tuổi) ở thôn Bình An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước (Bình Định). Ông Mẫn hiện đang sở hữu trên 100ha rừng nguyên liệu giấy với mức lợi nhuận từ việc trồng rừng là gần 1 tỷ đồng/năm.
“Đánh thức” vùng đồi trọc
Kể về những ngày đầu trồng rừng, ông Mẫn bộc bạch: “Vốn là bộ đội, năm 1983 tôi xuất ngũ, về lại quê nhà. Do không có nghề nghiệp ổn định nên cuộc sống của tôi rất khó khăn. Đến đầu năm 1990, nhận thấy đầu ra của thị trường gỗ nguyên liệu thuận lợi, trong khi nhiều ngọn đồi bỏ hoang, lãng phí, tôi nghĩ rằng mình nên chọn nghề trồng rừng để làm giàu.
Cũng vào thời điểm đó, Nhà nước có Chương trình PAM, phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Nhận thấy đây là cơ hội tốt nên tôi càng quyết tâm đánh thức vùng đất trống, đồi núi trọc ở Phước Thành quê mình, biến nó thành những khu rừng kinh tế”. Để học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế rừng, ông Mẫn đi học hỏi ở nhiều nơi, tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng rừng…“Vạn sự khởi đầu nan”, ông gặp không ít khó khăn ở bước đầu khởi nghiệp. Nhưng với khí chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, bằng vào quyết tâm thay đổi cuộc sống của chính mình, ông đã cố gắng vượt qua mọi thử thách. Đất không phụ công người, dần dà những khoảnh rừng bạch đàn đầu tiên cũng vượt lên trên sỏi đá, phát triển xanh tốt.Những năm qua, công việc trồng rừng của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động với mức thu nhập từ 4 triệu – 4,5 triệu đồng/tháng, cùng hàng trăm lao động tham gia trồng rừng và khai thác rừng trồng được trả công theo mùa vụ.
Tỷ phú “vàng xanh”
Từ đôi bàn tay, trí óc, công sức, với vài ha rừng ban đầu, cộng với tinh thần ham học hỏi, ý chí vượt khó vươn lên trong sản xuất, đến nay, lão nông Cù Văn Mẫn đang sở hữu riêng cho mình một khối tài sản “vàng xanh” trên 100ha ở xã Phước Thành (Tuy Phước), Phước Mỹ (TP.Quy Nhơn) và có cả rừng trồng ở huyện Phù Mỹ…
Nhẩm tính về hiệu quả kinh tế của những rừng keo, bạch đàn của mình, ông Mẫn khẳng định chắc nịch, mỗi ha keo cho mức lãi từ 60 – 70 triệu đồng sau từ 5-7 năm trồng, chăm sóc. Và với 20ha rừng nguyên liệu khai thác hằng năm theo chu kỳ trong tổng quỹ diện tích 100ha rừng hiện có, mỗi năm gia đình ông có mức lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.
“Để làm kinh tế rừng thành công, đòi hỏi người nông dân phải dám nghĩ, dám làm; kiên trì, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Các sản phẩm mình làm ra phải có nơi tiêu thụ cụ thể, rõ ràng, có ký kết bao tiêu sản phẩm” – ông Mẫn nhấn mạnh.