Thực trạng và giải pháp phát triển nuôi cá tra và tôm nước lợ

ThienNhien.Net – Theo Cục Nuôi trồng thuỷ sản – Bộ Nông nghiệp & PTNT, nuôi trồng thuỷ sản năm 2008 đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, sản lượng nuôi đạt 2,4 triệu tấn, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt gần 4,6 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm 2008 còn bộc lộ không ít những tồn tại về công tác thống kê, dự báo thị trường, công nghệ nuôi, qui trình công nghệ còn bất cập khiến cho người nuôi đã phải chịu thua lỗ và rơi vào cảnh nợ nần. Trong đó nổi bật là việc nuôi cá tra và tôm nước lợ của bà con nông dân ĐBSCL.

Nuôi cá tra có diện tích lớn nhất ĐBSCL là An Giang (1.185 ha và tôm nước lợ diện tích lớn nhất là Cà Mau (265.522 ha tôm sú và 125 ha tôm thẻ). Tại hội nghị phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ vùng ĐBSCL năm 2009 do Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức tại tỉnh Cần Thơ ngày 12/2/2009 đã cho thấy trong nuôi trồng thuỷ sản nói chung và tôm nước lợ, cá tra nói riêng cần có giải pháp khắc phục những bất cập tồn tại thì năm 2009 mới có thể khắc phục được tình trạng doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chế biến mà người chăn nuôi không có lãi và thậm chí thua lỗ.

Gần đây thị trường tiêu thụ cá tra của Nga bị tắc lại do chất lượng chưa đảm bảo VSAT thực phẩm làm giá cá Tra tụt xuống, người nuôi bị thua lỗ có lúc tới trên 2.000đ/kg. Góp phần thua lỗ nữa là do giá thức ăn nuôi thuỷ sản tăng vọt và không có giảm, mà thức ăn cho nuôi cá tra chiếm tới 60 -70%, và nuôi tôm thức ăn chiếm 55 – 60% giá thành.

Ông Hỳnh Thế Năng – Phó chủ tịch tỉnh An Giang cho biết: nuôi cá Tra hiện nay chủ yếu do sự nỗ lực của người nuôi và chính quyền địa phương mà chưa có chính sách hỗ trợ hay kế hoạch chiến lược nào của Chính phủ. Ông cũng đã mạnh dạn đề xuất nếu chúng ta chưa ký được hợp đồng tiêu thụ thì nên tạm ngưng sản xuất để củng cố kiện toàn lại tổ chức, chính sách và nhất là hoàn thiện lại hệ thống kiểm tra giám sát và đánh giá chất lượng sản phẩm. Muốn vậy phải cải thiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nuôi, người nuôi cần phải được chia sẻ lợi nhuận và doanh nghiệp cũng cần phải được chia sẻ rủi ro.

Cà Mau năm 2008 xuất khẩu tôm đạt 631 triệu USD và năm 2009 đang phấn đấu đạt 665 triệu USD nhưng đầu năm 2009 đã có rất nhiều bà con nông dân treo ao không nuôi hoặc chuyển sang nuôi các đối tượng khác hoặc thậm chí phải san ao trồng lúa, nguyên nhân chính là do giá tôm cuối năm 2008 sụt giảm quá mức trong khi giá thức ăn cao, gây thua lỗ.

Sang đầu năm 2009 một số doanh nghiệp đã phải giảm công suất hoạt động của nhà máy chế biến do không có nguồn nguyên liệu. Điều này lại nói lên vai trò quan trọng của mối liên kết 4 nhà trong đó vai trò của nhà quản lý rất cần thiết cho công tác qui hoạch, tổ chức sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ vùng ĐBSCL năm 2009, thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp sau:

– Giải pháp về chính sách: các địa phương cần rà soát và phân loại các hộ nuôi sản xuất lớn và sản xuất nhỏ, những hộ đã vay ngân hàng và nuôi cá, tôm bị thua lỗ hiện không còn gì thế chấp để vay vốn tiếp, từ đó có những chính sách ưu đãi phù hợp để khuyến khích họ nuôi tiếp. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.

– Giải pháp về giá thành, kiểm soát và vật tư sản phẩm: về công tác giống cần có kế hoạch cung ứng đủ giống tốt giá hợp lý. Trung tâm KN – KNQG phối hợp các cơ quan quản lý địa phương xác định đối tượng chăn nuôi ngoài cá tra, tôm nước lợ cần nuôi thêm các loại cá tôm đặc sản địa phương mang tính bản địa.

– Giải pháp thực hiện cải thiện mối quan hệ giữa người nuôi và doanh nghiệp địa phương đóng vai trò quan trọng, Bộ NN&PTNT, các Hội Hiệp hội có trách nhiệm tác động nhằm giúp cho người nuôi được chia sẻ lợi nhuận và các doanh nghiệp cùng chia sẻ rủi ro.
– Về thị trường: Cục chế biến NLS và thương mại kết hợp với VASEP (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam) đề xuất biện pháp mở rộng thị trường tiêu thụ.