Đến lúc đưa phúc lợi động vật vào quy định chăn nuôi

Phúc lợi động vật được triển khai ở các nước phát triển từ lâu nhưng còn lạ lẫm ở Việt Nam, điều này khiến doanh nghiệp trong nước khó xuất khẩu thịt ra thế giới.

5 tiêu chí phúc lợi động vật

TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam. Ảnh: Toán Nguyễn.

Theo TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, phúc lợi động vật hay quyền lợi động vật, theo nghĩa chung nhất là một thuật ngữ đảm bảo trạng thái tốt về thể chất và tinh thần của con vật.

Đó còn là việc đối xử tốt để vật nuôi có trạng thái tốt, tránh những đau đớn không đáng có, cho dù con vật đó là vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng, hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt, và kể cả việc giết mổ.

Phúc lợi động vật được thực hiện ở Vương quốc Anh từ năm 1822 và triển khai rộng rãi trên toàn thế giới sau những năm 1960. Thuật ngữ phúc lợi động vật cũng có nghĩa là mối quan tâm của con người đối với quyền động vật hoặc về đạo đức đối xử với động vật. Chúng được đo bằng thái độ đối với việc sử dụng động vật.

Có năm tiêu chí đảm bảo phúc lợi động vật là: Không bị đói khát; Không bị khó chịu cả về thể chất và tinh thần; Không bị đau đớn, thương tật, bệnh tật; Không bị sợ hãi và lo lắng; Và tự do thể hiện các hành vi bản năng.

Vai trò của phúc lợi động vật đối với cuộc sống của con người có tác động lớn, vì vậy cực kỳ cần thiết cho sự phát triển bền vững, nhất là tại những quốc gia nông nghiệp.

Cải thiện các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật sẽ không chỉ tốt cho động vật mà còn tác động tích cực đến an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng và đa dạng sinh học.

Động vật, con người và môi trường thiên nhiên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do vậy, đảm bảo phúc lợi động vật có nghĩa là chúng ta chăm lo cho môi trường sống, tài nguyên đa dạng sinh học và xã hội. Một lý khác, đó là vật nuôi là nguồn thực phẩm, sinh kế, công cụ sản xuất…

Ở Việt Nam cơ bản vẫn chỉ xem động vật như thực phẩm, vì vậy vấn đề phúc lợi vẫn là một khái niệm xa xỉ.

Trên thực tế, việc giết thịt chó, mèo ở Việt Nam vẫn đang diễn ra tràn lan, hay là việc giết thịt động vật phản cảm giữa chợ hoặc ven đường hàng ngày diễn ra, là nỗi e ngại của các du khách khi đến thăm Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh một Việt Nam thân thiện, hiếu khách.

Ở Việt Nam, khái niệm phúc lợi động vật vẫn còn lạ lẫm với hầu hết người chăn nuôi. Ảnh: Hoàng Anh.

Cần thay đổi nhận thức phúc lợi xã hội tại Việt Nam

Việc bảo vệ động vật ở Việt Nam cũng đã có những chuyển biến đáng ghi nhận, đặc biệt là giới trẻ ngày càng năng nổ trong các hoạt động vì động vật, bảo vệ động vật hoang dã.

Tuy nhiên, các nhóm hoạt động vì động vật, yêu động vật ở Việt Nam chỉ dừng lại ở các đối tượng là vật nuôi trong gia đình như chó, mèo, chim và các loại thú nuôi khác. Những loài vật nuôi phổ biến trong phát triển kinh tế như gà, vịt, lợn, dê, trâu, bò, ngựa… vẫn chưa thật sự được quan tâm.

TS. Cù Thị Thiên Thu – Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin: Việt Nam luôn nằm trong top 10 nước sản xuất thịt lợn nhiều nhất thế giới nhưng sản phẩm thịt lợn của nước ta khó xuất khẩu được vì truy xuất nguồn gốc còn hạn chế, an toàn sinh học chưa đảm bảo, giá cả thì cao hơn mặt bằng chung của các nước trên thế giới. Quan trọng nhất là các cơ sở chăn nuôi ở Việt Nam không đáp ứng được tiêu chí phúc lợi động vật.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê vào tháng 6/2023, chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam năm 2022 đạt trên 545 triệu con.

Điển hình như Hà Nội gần 35 triệu con, Nghệ An hơn 32 triệu con, Thanh Hóa hơn 25 triệu con, Đồng Nai gần 24 triệu con… là các địa phương dẫn đầu cả nước về chăn nuôi gà.

Hiện có 88 triệu gà đẻ trứng chủ yếu được nuôi nhốt trong các lồng nuôi chật hẹp, lồng nuôi nhốt thường có nhiều tầng. Nuôi mật độ dày đến nỗi chỉ cần mất điện trong thời gian ngắn là gà bị ngột ngạt, thiếu khí dẫn tới bị chết hàng loạt.

TS. Đặng Thị Thanh Sơn – Viện Thú y nhấn mạnh, vấn đề phúc lợi động vật trong chăn nuôi gà rất cần được quan tâm. Thứ nhất, khi con gà được nuôi theo tiêu chuẩn phúc lợi động vật sẽ phát triển tốt hơn, sinh ra nhiều dưỡng chất có lợi cho con người hơn.

Việt Nam luôn nằm trong top 10 quốc gia nuôi lợn nhiều nhất thế giới, nhưng gặp khó trong xuất khẩu do nhiều yếu tố. Ảnh: Hoàng Anh.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp thực phẩm trên toàn thế giới ban hành chính sách không tiêu thụ trứng gà được sản xuất từ những chiếc lồng nhốt chật hẹp.

Chính sách này cũng đang được áp dụng ở Việt Nam với sự tham gia của hơn 30 tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy sự quan tâm của người tiêu dùng, các công ty lớn về vấn đề phúc lợi xã hội đang được nâng cao.

Bắc Giang đi đầu triển khai phúc lợi chăn nuôi

Bắc Giang được biết đến là tỉnh đứng trong top đầu Việt Nam về chăn nuôi gà và lợn. Điều này được thể hiện bằng con số cụ thể: Tổng số cơ sở chăn nuôi trên toàn tỉnh Bắc Giang gần 156.500 cơ sở được chia thành 2 loại hình, với hơn 154.000 nông hộ và hơn 2.200 trang trại.

Trong đó, về trang trại quy mô nhỏ hơn 1.800; vừa là 339; trang trại lớn có 58… Tổng đàn lợn luôn duy trì khoảng 910.000 con, gia cầm đạt 20 triệu con (với 17 triệu con gà), lượng thịt đạt trên 250.000 tấn/năm.

Toàn tỉnh hiện có 98 HTX chăn nuôi; duy trì 6 cơ sở chăn nuôi được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; 102 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, 1 vùng chăn nuôi gà được công nhận an toàn dịch bệnh.

Chăn nuôi của tỉnh Bắc Giang đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng dần chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại, theo hướng sản xuất liên kết chuỗi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất…

Cũng giống như các địa phương khác trên cả nước, phúc lợi động vật vẫn là một khái niệm mới ở tỉnh Bắc Giang, chưa được nhiều các đơn vị, địa phương quan tâm triển khai áp dụng. Mặc dù vấn đề này cũng đã được đề cập trong Luật Chăn nuôi, Luật Thú y.

Một trang trại gà ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Lê Văn Dương – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang chia sẻ: Chăn nuôi ở tỉnh Bắc Giang ngày càng tiên tiến, hiện đại hóa, công nghiệp hóa vào sản xuất. Nhưng bên cạnh một số mặt tích cực, việc chăn nuôi như vậy cũng dần làm hạn chế sự sinh trưởng, phát triển và tập tính sinh hoạt bình thường ở mỗi loài vật nuôi.

Việc đối xử nhân đạo với vật nuôi hay đảm bảo phúc lợi động vật là việc làm rất cần thiết. Nó không chỉ giúp đảm bảo quyền được đối xử nhân đạo của vật nuôi, còn là điều kiện tiên quyết để chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn hướng đến xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế.

Đó cũng chính là lý do mà Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Hội Bảo vệ động vật Việt Nam (VAWA) tổ chức chương trình tập huấn, với những giảng viên là các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam đến truyền đạt kiến thức cho toàn bộ cán bộ chăn nuôi, thú y của ngành về phúc lợi động vật.

Gà đồi Yên Thế, Bắc Giang. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Dương kỳ vọng, thông qua chương trình tập huấn sẽ giúp bổ sung kiến thức về phúc lợi động vật cho các cán bộ quản lý chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Đồng thời đào tạo được thế hệ cán bộ có chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền đối xử nhân đạo, đảm bảo phúc lợi động vật trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến với từng hộ chăn nuôi.

Bắc Giang có số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi rất lớn, trong đó huyện Yên Thế đã hình thành vùng an toàn dịch bệnh.

Hiện tại có một số trại chăn nuôi gà, lợn của Công ty CP Dinh dưỡng Hải Thịnh là đơn vị tiên phong trong đăng ký chứng nhận Phúc lợi động vật trang trại. Các chuyên gia của Tổ chức quốc tế HSI đã đến tư vấn về hồ sơ, khảo sát trang trại để trình Tổ chức chứng nhận quốc tế Humane Certify.