Cồn Chim ký sự: Hồi sinh nguồn sống

Khi Cồn Chim xanh lại, những khu rừng ngập mặn, nghề nuôi trồng thủy sản của người dân ở đây hồi sinh mạnh mẽ, nhờ môi trường nước được thanh lọc trở nên tốt hơn.

Một thời lao đao vì ô nhiễm

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải (SN 1961), nguyên là Thôn phó thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) phụ trách xóm Cồn Chim, hiện nay, cư dân cù lao xứ Cồn có 260 hộ dân với khoảng trên 1.400 nhân khẩu. Dân Cồn Chim chỉ làm có 2 nghề, 50% hộ làm nghề nuôi thủy sản, 50% còn lại hành nghề đánh bắt thủy sản trên đầm Thị Nại.

Lão ngư Phạm Đình Lương (55 tuổi) kể, xưa kia, ở Cồn Chim chủ yếu là dân vạn chài sống trên sông nước rày đây mai đó, nương theo con nước đầm Thị Nại kiếm kế mưu sinh. Về sau, dần hình thành khu dân cư Cồn Chim. Đến nay, đã có đến hàng trăm năm cư dân xóm Cồn Chim sống ổn định, hòa thuận với thiên nhiên.

Ao nuôi thủy sản nằm trong khuôn viên Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim – Đầm Thị Nại. Ảnh: V.Đ.T.

Còn lão ngư Huỳnh Trung Tấn (SN 1950) thì kể, thời tổ tiên nhà vợ của ông là người từ Bình Định (thị xã An Nhơn) lang thang về Cồn Chim chơi đá gà, thả lưới bắt con tôm con cá về làm mồi nhậu, thấy đất đai ở đây bát ngát, đầm nước mênh mông chứa đầy tôm cá mà không có người ở. Thế là tổ tiên của vợ ông Tấn về rủ rê bạn bè kéo nhau đến định cư tại Cồn Giá, địa danh nằm trong xóm Cồn Chim.

“Ngày ấy, tổ tiên nhà vợ tôi dắt díu bà con, bạn bè từ Bình Định xuống định cư ở Cồn Giá vỏn vẹn chỉ có 17 nóc nhà, dựng Miếu Bà để thờ cúng. Hiện nay ở Cồn Giá không còn ai ở, do bom đạn chiến tranh đã xóa sạch những căn nhà bên ấy, cả Miếu Bà cũng bị thời gian và bom đạn xô đổ, cư dân Cồn Giá về ở bên Cồn Chim hết rồi”, ông Tấn kể.

Người dân Cồn Chim đang có thu nhập ổn định nhờ nuôi trồng thủy sản quảng canh xen tôm, cua, cá theo kiểu đánh tỉa thả bù. Ảnh: V.Đ.T.

Sau ngày đất nước thống nhất, ngành thủy sản Bình Định vận động người dân phá rừng ngập mặn phát triển nuôi trồng thủy sản, mỗi hộ dân ở đây được giao 1 – 2ha ao đìa để nuôi tôm. Nửa sau của thập niên 70 (thế kỷ 20), nguồn nước nuôi tôm ở đây còn chưa bị ô nhiễm, tôm nuôi đâu trúng đó, đời sống người dân Cồn Chim khấm khá hẳn lên. Thậm chí ở Cồn Chim còn có 2 doanh nghiệp chuyên nuôi tôm công nghiệp. Thế nhưng từ năm 2000 trở về sau, nguồn nước nuôi tôm ở Cồn Chim bị ô nhiễm nghiêm trọng, mang dịch bệnh đến gây hại tôm nuôi. Bao nhiêu vốn liếng tích lũy được từ những vụ nuôi trước đây của người dân Cồn Chim lần lượt “đội nón ra đi”, thậm chí có nhiều người còn nợ ngân hàng chồng chất, đến cả 2 doanh nghiệp nuôi tôm cũng phá sản, phải giải thể.

Người nuôi thủy sản ở Cồn Chim chèo ghe đi kiểm tra tôm, cua, cá nuôi trong ao. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Huỳnh Trung Tấn khi ấy cũng được Nhà nước giao 1ha diện tích ao đìa, năm 2002, ông Tấn bắt chước 2 doanh nghiệp nuôi thâm canh tôm sú, ông cũng cải tạo ao nuôi kỹ càng, mua máy móc về thả giống nuôi. “Ăn” được 1 năm, qua năm thứ 2, ông Tấn đầu tư 80 triệu đồng cải tạo ao và mua giống hồ hởi thả nuôi vụ mới, tôm mới được 2 tháng rưỡi thì bị bệnh đỏ đầu chết hàng loạt. Cạn vốn, sau đó ông Tấn bỏ ao đìa hoang hóa mấy năm. Đến khi thả nuôi lại, ông Tấn chuyển phương thức từ nuôi chuyên tôm sang nuôi quảng canh cải tiến, nuôi xen tôm, cua, cá thân thiện với môi trường, khi ấy ông Tấn mới có rủng rỉnh tiền xoay sở cuộc sống gia đình.

 

Nhờ cả vào rừng ngập mặn

Nuôi tôm quảng canh cải tiến xen với cua, cá tuy thu nhập không cao, nhưng ngư dân Cồn Chim hiện nay gần như năm nào cũng có thu nhập ăn chắc. Ngồi trong căn chòi dựng bên ao nuôi rộng 2ha, ông Nguyễn Ngọc Hải chậm rải kể về công cuộc nuôi tôm của bà con Cồn Chim. Theo ông Hải, sau khi Cồn Chim phục hồi rừng ngập mặn, nghề nuôi trồng thủy sản của bà con ở đây mới khấm khá trở lại, nhờ rễ của cây rừng thanh lọc trong sạch nguồn nước nuôi. Bây giờ bà con không còn nuôi chuyên tôm, mà nuôi đa loài theo phương thức quảng canh cải tiến thân thiện với môi trường. Hàng năm, qua mùa mưa lũ, ăn Tết Nguyên đán xong bà con Cồn Chim gia cố bờ ao. Khi thời tiết ổn định là mua tôm, cua, cá giống về thả nuôi.

“Hiện nay bà con Cồn Chim nuôi thủy sản theo kiểu đánh tỉa thả bù. Tôm giống 1 năm thả 2 lần; cua, cá thì thả nhiều lần hơn. Khi thấy các loài thủy sản lớn đã có thể xuất bán, chủ ao lấy lưới lồng kéo tôm lên, con nào to chọn ra để bán, con nhỏ thả xuống lại nuôi tiếp. Cua, cá thì dùng lưới quây bắt, cũng chọn con lớn bán, con nhỏ thả lại. Đánh tỉa xong thì thả giống bù vào để nuôi thêm. Năm nào trúng thì tôi thu được 300 – 400 triệu đồng/2ha/năm, năm nào thất bát thì thu được 200 triệu đồng/2ha/năm. Đầu năm nay tôi đầu tư 70 triệu đồng mua tôm, cua, cá dìa giống về thả nuôi trong diện tích 2ha. Cuối tháng 4 vừa rồi tôi mới thu được 1 tạ cua thì mặt nước sinh đầy rong, rong làm thủy sản lâu lớn nên chưa thu tiếp”, ông Hải chia sẻ.

Nói về rong trong ao nuôi, anh Trương Xuân Đưa, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, giải thích: “Nếu trên mặt nước ao nuôi trồng thủy sản sinh rong chiếm dưới 50% diện tích mặt nước là tốt, vì rong cũng là thức ăn của thủy sản; thế nhưng rong xuất hiện dày trên 50% diện tích mặt nước thì sẽ có hại cho thủy sản. Bởi, rong dày gây thiếu ô xy, tôm cá không thể thở phải ngoi lên mặt nước, hạn chế phát triển. Ao đìa nuôi tôm sinh nhiều rong là do nguồn nước nuôi bị ngọt hóa. Cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua Bình Định có mưa lớn đột biến kéo dài mấy ngày liền, khiến nguồn nước nuôi tôm bị ngọt hóa, gây bất thuận cho nghề nuôi trồng thủy sản”.

Lưới lồng người nuôi thủy sản ở Cồn Chim dùng để bắt tôm, chọn con lớn để bán, con nhỏ thả xuống nuôi lại. Ảnh: V.Đ.T.

Rừng ngập mặn phục hồi không những cải tạo môi trường nguồn nước nuôi cho nghề nuôi trồng thủy sản ở Cồn Chim, mà còn bổ sung nguồn lợi thủy sản ra đầm Thị Nại khiến những ngư dân chuyên hành nghề đánh bắt thủy sản truyền thống trên đầm cũng ăn nên làm ra, tôm cá đánh bắt được ngày càng nhiều hơn.

Theo anh Trương Xuân Đưa, khi rừng ngập mặn đã lớn, rễ cây dày ra, sẽ là nơi cho các loài thủy sản trú ngụ, sinh sôi nảy nở. Sống xung quanh những bộ rễ của rừng ngập mặn, bã của lá cây rụng xuống sinh ra vi sinh tạo thành chuỗi thức ăn cho các loài thủy sản. Khi thủy sản lớn lên sẽ bơi ra đầm, bổ sung nguồn thợi thủy sản trong đầm Thị Nại.

“Thủy sản sống trong rừng ngập mặn rộng gần 500ha không bao giờ cạn kiệt, đây là nguồn sống của hàng ngàn hộ ngư dân ven đầm. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng phải hướng ngư dân khai thác hợp lý, ngăn cấm kiểu đánh bắt tận diệt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đầm”, anh Đưa chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hải (bìa trái) kể chuyện nuôi thủy sản của người dân Cồn Chim. Ảnh: V.Đ.T.
“Từ năm 2010 đến nay, các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT và Sở TN-MT Bình Định đã phối hợp, triển khai thực hiện nhiều chương trình như dự án “Nâng cấp hệ thống đê và trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đầm Thị Nại”; dự án “Dịch vụ hệ sinh thái tạo khả năng ứng phó với biến đổi ở thành phố Quy Nhơn”; dự án “Lá chắn xanh tăng cường khả năng ứng phó của cộng đồng ven biển trước những tác động của thiên tai”; dự án “Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu ở thành phố Quy Nhơn”… Từ các dự án này, chúng tôi phối hợp với chính quyền, bà con địa phương trồng, chăm sóc, bảo vệ, nỗ lực tái tạo lại rừng ngập mặn. Sau nhiều năm cố gắng, rừng đang xanh trở lại khiến chúng tôi rất vui mừng”, ông Phạm Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, chia sẻ.