Nghèo đói và Môi trường

ThienNhien.Net – Chiều 19/01/2009 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố 6 báo cáo về mối liên hệ giữa nghèo đói và môi trường thuộc Dự án Đói nghèo và Môi trường (PEP) do Chương trình Phát triển liên hiệp quốc (UNDP) tài trợ.

Dự án Đói nghèo và Môi trường với kinh phí 3,7 triệu USD, được thực hiện từ năm 2005-2009 với 10 nghiên cứu điển hình. Sáu báo cáo chuyên đề đã được công bố từ các kết quả nghiên cứu bao gồm: 1 – Lắng nghe tiếng nói của người nghèo. 2 – Chính sách, pháp luật môi trường và người nghèo. 3 – Sức khỏe, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường và người nghèo. 4 – Thu nhập từ môi trường và người nghèo. 5 – Môi trường, năng lượng tái tạo và người nghèo. 6 – Môi trường, giới, di cư và người nghèo.

Trong suốt quá trình nghiên cứu các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, tại Việt Nam, những người nghèo nhất sống tại các vùng núi, nơi các xã nghèo chiếm tỷ lệ lớn trên toàn quốc. Trong khi đó, một số lượng lớn người nghèo lại sống bên cạnh những người khá giả tại hai vùng đồng bằng và ven biển.

Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhưng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng vẫn ngày một lớn. Theo dự báo, đến năm 2010 sẽ có 50% số người nghèo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao, trong khi nhóm người này chỉ chiếm 14% tổng số dân.

Cũng theo các báo cáo, đa số người nghèo phụ thuộc vào việc tiếp cận hằng ngày tới các nguồn tài nguyên tự nhiên không thuộc sở hữu riêng để kiếm sống, chính vì thế duy trì chất lượng các nguồn tài nguyên này rất quan trọng đối với sinh kế của họ. Tuy nhiên, các cộng đồng nghèo thường định cư tại những khu vực môi trường rất dễ hoặc đã bị suy thoái, các nguồn tài nguyên cạn kiệt và nghèo nàn. Chính vì thế, cả các cộng đồng nghèo và môi trường đều dễ bị tổn thương. 

Trong đề xuất, báo cáo cho rằng Chính phủ cần phải nhìn nhận rằng sinh kế của người nghèo phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều đó rất quan trọng vì nó sẽ tác động đến quá trình xây dựng chính sách và lập kế hoạch trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo rằng vấn đề bảo vệ môi trường không bị tách rời.