“Cách biệt tầm nhìn” ở Poznan

ThienNhien.Net – Hội thảo thay đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Poznan, Ba Lan kéo dài 2 tuần cuối cùng đã kết thúc vào sáng thứ 7 tuần qua, ngày 13/12. Đại biểu của 186 nước tham gia chủ yếu bàn luận các giải pháp giúp các nước đang phát triển ứng phó với thay đổi khí hậu, tuy nhiên một số vấn đề lớn đã không đạt được sự thống nhất.

Một giải pháp then chốt được đưa ra là tăng mức chia sẻ lợi nhuận từ việc trao đổi, mua bán các chứng chỉ giảm phát thải CERs (1CER = 1 tấn cácbon) từ 2% lên 3%, để bổ sung vào quỹ hỗ trợ các nước nghèo thích ứng với thay đổi khí hậu. 

Giải pháp này đã bị nhóm các nước phát triển, dẫn đầu là Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Nga, Canada và Úc, phản đối. Đại biểu Ấn Độ tỏ ra thất vọng trước thái độ của các nước này và bày tỏ sự bi quan khi nói về triển vọng của hội thảo thay đổi khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra tại Copenhaghen, Đan Mạch sắp tới. 

Bên cạnh những ý kiến bất đồng, hội thảo đạt được một số kết quả nhất định. Đó là đạt được một thỏa thuận về chuyển giao công nghệ, sự cam kết giữa các chính phủ để đi đến một cuộc đàm phán toàn diện vào năm sau, đồng thời nhất trí về chương trình nghị sự của hội nghị tiếp theo.

Tham gia hội thảo quốc tế lần này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân của Việt Nam đã nêu lên thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam và công tác ứng phó của Chính phủ Việt Nam trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là nguy cơ nước biển dâng. Ông cũng bày tỏ quan điểm của Việt Nam là “trách nhiệm chung nhưng có phân chia  theo năng lực” trong hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định các nước phát triển cần phải “đứng mũi chịu sào” trong vấn đề cắt giảm khí nhà kính và hỗ trợ hiệu quả cho các nước đang phát triển.  

Đề nghị của Việt Nam về việc thành lập Chương trình hỗ trợ đặc biệt giúp 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất của nước biển dâng (trong đó có Việt Nam) đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của quốc tế.