Pháp lo ngại về làn sóng phá sản và thất nghiệp

Ngày 9-6, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire bày tỏ lo ngại về một làn sóng phá sản và thất nghiệp nghiêm trọng có thể xảy ra trong những tháng tới, do tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ ở Pháp từ ngày 11-5, xây dựng là một trong những lĩnh vực có thể khôi phục hoạt động rất nhanh.

Phát biểu trên đài RTL, Bộ trưởng Bruno Le Maire cho rằng, hàng trăm nghìn người sẽ mất việc trong thời gian tới và đây là viễn cảnh khó tránh khỏi. Trong quý I-2020, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp là gần 8%, giảm 0,9% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng tình hình vì nhiều người không thể tìm việc làm trong thời gian phong tỏa vừa qua do dịch bệnh.

Nay, lệnh phong tỏa đã được nới lỏng nhưng hoạt động kinh tế chưa phục hồi hẳn. Nhiều người có nguy cơ “thất nghiệp thật” sau khi Nhà nước ngừng trợ cấp thất nghiệp tạm thời cho các doanh nghiệp và người lao động. Trước tình trạng như vậy, Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho biết: Chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp mới để duy trì việc làm bằng mọi giá, trong đó, có khả năng hỗ trợ một khoản bằng séc, nhằm giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn nhất hay những người lao động thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh và phong tỏa.

Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Pháp, GDP của Pháp sẽ giảm 10% trong năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 11,5% vào năm 2021. Hiện vẫn còn nhiều rủi ro không chỉ về vấn đề dịch bệnh mà cả sức sản xuất và tiêu dùng hiện còn ở mức thấp sau hơn bốn tuần dỡ bỏ phong tỏa. Do vậy, hoạt động kinh tế chỉ có thể trở lại bình thường vào năm 2022.

Ngày 10-6, Chính phủ sẽ trình Hội đồng Bộ trưởng dự thảo luật tài chính sửa đổi lần thứ 3 để ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Theo ông Bruno Le Maire, kế hoạch cứu trợ 45 tỷ sẽ được xem xét để bảo đảm việc làm cho người lao động dù suy thoái kinh tế nghiêm trọng đang hiện rõ. Cùng với việc kéo dài hỗ trợ để các doanh nghiệp duy trì hoạt động và không sa thải, biện pháp tiếp nhận nhân viên từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác là một giải pháp cần thiết.

Cùng ngày Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire thông báo về kế hoạch hỗ trợ tài chính lên tới 15 tỷ euro để cứu ngành công nghiệp hàng không để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế. Ông Bruno Le Maire cho biết: Nếu Nhà nước không can thiệp ngay, 1/3 việc làm, tương đương 100 nghìn trong tổng số 300 nghìn việc làm gián tiếp và trực tiếp của ngành công nghiệp hàng không, sẽ biến mất.

Do dịch bệnh, các đơn đặt hàng của nhà máy sản xuất máy bay Airbus đặt tại thành phố Toulouse ở phía nam nước Pháp đã bị hủy hoặc hoãn vô thời hạn. Nguyên nhân là do hoạt động của các hãng hàng không trên toàn thế giới bị đình trệ và khó có thể phục hồi trong mấy tháng tới.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), 90% máy bay của các hãng hàng không phải ở mặt đất. Khoảng 4,5 triệu chuyến bay đã bị hủy, dẫn tới thiệt hại ước tính khoảng 314 tỷ euro về doanh thu trong năm nay.

Cuối tháng trước, Tổng thống Emmanuel Macron đã cam kết dành khoản hỗ trợ tám tỷ euro để giải cứu ngành công nghiệp ô tô, trong đó có ưu tiên phát triển xe ô-tô điện, nhằm đưa Pháp trở thành nước đi đầu châu Âu trong lĩnh vực này. Cũng như ở nhiều nước khác, các hãng xe sản xuất ô-tô của Pháp gồm Renault, Citroen và Peugeot bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian phong tỏa. Doanh số và doanh thu đã giảm khoảng 80% và còn khoảng nửa triệu xe vẫn chưa bán được, tác động tiêu cực không chỉ tới hoạt động của ngành kinh tế quan trọng của nước Pháp mà cả việc làm cho 900 nghìn nhân viên.

Theo Bộ Y tế Pháp, có 29.296 người tử vong do Covid-19 tính tới tối ngày 9-6, tăng 87 trường hợp so một ngày trước. Số bệnh nhân được điều trị trong bệnh viện tiếp tục giảm và số ca nặng đã xuống dưới ngưỡng 1.000 so hơn 7.000 vào lúc cao điểm đầu tháng 4.

Do tình hình dịch bệnh tiếp tục chiều hướng tích cực, hoạt động của ngành dịch vụ đang hồi phục nhanh chóng. Các điểm thăm quan nổi tiếng Paris có thể mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến để bắt đầu mùa du lịch. Công ty quản lý Tháp Eiffel cho biết du khách có thể thăm quan bằng cầu thang bộ từ ngày 25-6.

Các nhà hàng ở vùng thủ đô Ile-de-France hiện chỉ phục vụ khách ở không gian ngoài trời, nhưng có thể đón khách ở bên trong từ một vài tuần tới nếu không có diễn biến bất thường về dịch bệnh. Ngày 9-6, Quốc vụ khanh phụ trách du lịch Jean-Baptiste Lemoyne cho biết, việc khôi phục hoàn toàn hoạt động của ngành dịch vụ như nhà hàng, quán bar hay cà-phê sẽ được Bộ Y tế xem xét, căn cứ tình hình dịch bệnh trong những ngày tới.