Cần Thơ: Hội thảo định hướng phát triển vật nuôi Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long

ThienNhien.Net – Trong khuôn khổ của Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ diễn ra từ ngày 3-9/12/2008, ngày 5/12/2008, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ phối hợp với Khoa Chăn nuôi và Thủy sản của trường Đại học Cần Thơ tổ chức cuộc hội thảo về định hướng phát triển vật nuôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đến dự hội nghị có ông Mai Văn Hiệp – phó cục trưởng Cục Thú y, ông Phạm Văn Quỳnh – Giám đốc sở NN&PTNT Cần Thơ, đại diện Trung tâm Khuyến nông Khuyến Ngư Quốc gia, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh ĐBSCL.

Theo PGS – TS Võ Văn Sơn, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, các vật nuôi chủ yếu hiện nay ở ĐBSCL là lợn, vịt, gà và một số vật nuôi khác như bò, lợn rừng, nhím…

Đánh giá về ưu nhược điểm cơ bản hiện nay của các giống này ở ĐBSCL, PGS-TS Võ Văn Sơn cho biết: Hiện nay ở ĐBSCL, người dân chủ yếu nuôi giống lợn lai và lợn ngoại như Landrace, Yorkshire, Duroc và Pietrain. Đây là các giống tốt, chất lượng thịt cao, tuy nhiên giá thành chăn nuôi lợn còn cao.

Giống vịt nuôi có năng suất và chất lượng tốt, giá thành thấp. Gà công nghiệp có năng suất cao, giết mổ và đóng gói tốt nhưng giá thành cao. Giống gà địa phương có thịt thơm ngon, giá bán khá cao. Tuy nhiên các vật nuôi này đều dễ bị dịch cúm gia cầm do khó kiểm soát. Giống bò tại ĐBSCL có năng suất, tỷ lệ nạc thấp, kỹ thuật chăn nuôi kém và thường xuyên bị mắc bệnh kí sinh trùng.

Cũng theo PGS-TS Sơn, để phát triển các đối tượng nuôi này nên có những biện pháp cụ thể như: Tiếp tục duy trì và phát triển các giống lợn ngoại thuần để tạo heo lai thương phẩm 3-4 máu, phát triển chăn nuôi tập trung, chăn nuôi kết hợp nuôi cá, biogas, máy phát điện, đẩy mạnh phương thức chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học.

Đối với đàn gà địa phương cần kiểm soát dịch bệnh. Ưu tiên phát triển đàn bò thịt tại một số tỉnh có điều kiện như An Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh và Long An. Đồng thời cải tiến đàn bò theo hướng Âu hóa, chăn nuôi tập trung và đặc biệt là phát triển thức ăn hỗn hợp công nghiệp.

Về giống thủy sản ở ĐBSCL, đại diện khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ kiến nghị các đối tượng nuôi chủ lực là cá tra, tôm càng xanh, cá lóc, cá rô, tôm sú, các loài tiềm năng nuôi nước ngọt như cá lóc bông, lươn, cá leo…, ở nước lợ như tôm chân trắng, cua biển, ghẹ xanh…