Để hoạt động nông nghiệp không tác động tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học

ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng nông nghiệp, trên 90% lượng lương thực xuất khẩu và khoảng 70% trái cây của cả nước. Tuy nhiên, việc dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được đánh giá chưa hiệu quả khiến chất lượng và giá trị nông sản ở đây chưa thực sự bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị trực tuyến: “Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại ĐBSCL – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

ĐBSCL tiêu thụ lượng phân bón nhiều hơn 40% so với cả nước

Vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều tác động và thách thức rất lớn do biến đổi khí hậu cũng như nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm đất, nước…, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các nước nhập khẩu đều có xu hướng nâng cao quy định kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, tạo ra rào cản đối với nông sản nhập khẩu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các mặt hàng nông sản có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam là phải đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand, EU… Giải pháp quan trọng cần ưu tiên thực hiện trước mắt là quản lý sản phẩm theo chuỗi để đảm bảo truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng.

Tại Hội nghị trực tuyến: “Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại ĐBSCL” do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm nay (27/8), ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay cả nước có 8.500 sản phẩm phân bón được lưu thông sử dụng trên thị trường. Tại các tỉnh ĐBSCL có 5.265 sản phẩm, chiếm 21,5%, trong đó phân vô cơ có hơn 4.000 sản phẩm, còn lại là phân hữu cơ. Về sử dụng phân bón, lượng phân sử dụng từ năm 2017 đến năm 2020 là 10,3 triệu tấn/năm. Năm 2020, con số này giảm còn 10,23 triệu tấn, trong đó sử dụng phân vô cơ hơn 7,7 triệu tấn.

Theo ông Trung, khu vực ĐBSCL sử dụng nhiều phân bón nhất, hơn 1 tấn/ha, nhiều hơn 42% so với mặt bằng chung cả nước.

Về sử dụng phân bón vô cơ, cả nước sử dụng trung bình 560 kg/ha, còn ĐBSCL đã sử dụng đến 754 kg/ha gieo trồng, cao hơn 35% so với mặt bằng chung cả nước. Trong đó, Bến Tre có lượng sử dụng cao nhất trong 13 tỉnh ở ĐBSCL.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cây rau màu là lợi thế rất lớn ở các tỉnh ĐBSCL, tuy nhiên lại có rất ít nghiên cứu, điều tra, thống kê việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông Tùng đề nghị: “Cần cho phép Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt hoặc là Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản có đánh giá chi tiết và cụ thể hơn nữa việc sử dụng các vật tư nông nghiệp cho sản phẩm rau. Chúng ta không chỉ đánh giá về các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn cần đánh giá cả việc tiết kiệm trong sử dụng, tạo sự minh bạch và bền vững trong sản xuất”.

Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng hiệu quả sẽ giảm chi phí đầu vào, đảm bảo chất lượng nông sản và giữ an toàn cho đất sản xuất – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Minh bạch thông tin sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vậtTại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, cần chú trọng nâng cao hiệu quả tập huấn cho từng nhóm đối tượng như nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân về kiến thức liên quan đến sử dụng hợp lý và hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu và chuỗi liên kết giá trị.

Cùng với đó cần khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như “3 giảm, 3 tăng”, sử dụng các sản phẩm vật tư đầu vào thế hệ mới, thông minh, an toàn với môi trường để tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Việc áp dụng các ứng dụng này cũng cần đi đôi với các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp với điều kiện và cơ sở hạ tầng sẵn có tại Việt Nam, làm cơ sở cho việc đàm phán mở cửa thị trường. Từ đó, có thể tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng phân bón từ Trung ương đến địa phương.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, việc minh bạch thông tin là tôn chỉ của hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu mà Việt Nam đã tham gia. “Bên cạnh mặt tích cực, ĐBSCL còn nhiều vấn đề mà chúng ta cần có sự quyết tâm cao về nhận thức, hành động từ mỗi người để chuyển biến nền nông nghiệp nơi đây theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mọi hoạt động sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều phải công khai để không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. “Chúng ta cần phải có trách nhiệm với cả người tiêu dùng và người nông dân, trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Làm sao để hoạt động nông nghiệp sử dụng phân thuốc ít, không tác động tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học, để chúng ta còn chuyển giao cho mai sau. Đó là định nghĩa bền vững của Liên Hợp Quốc, nhu cầu của thế hệ này không ảnh hưởng tới nhu cầu của thế hệ sau”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Phải thiết lập được hệ sinh thái hay liên minh của những doanh nghiệp có trách nhiệm đối với nền nông nghiệp, trách nhiệm đối với nông dân và trách nhiệm với thương hiệu quốc gia về nông sản.

“Những liên minh này cùng ngồi lại với các cơ quan quản lý nhà nước để hoạch định Chiến lược phát triển lâu dài, làm sao để những mô hình tốt trên thực tế đã và đang triển khai sẽ lan tỏa trong suy nghĩ của nông dân rằng, không thể đi theo con đường cũ nữa mà cần vạch ra con đường mới để đi. Con đường này lúc đầu có thể khó khăn nhưng thực tế những mô hình đã và đang triển khai đã chứng minh hiệu quả. Như vậy, cùng với sự cộng hưởng giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hội nông dân có trách nhiệm sẽ hình thành một hệ sinh thái để phát triển nông nghiệp bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.