Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2008

ThienNhien.Net – Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2 năm 2008 đã chính thức được bắt đầu sau Lễ khai mạc tối 10/12 tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Diễn ra trong 4 ngày, Lễ hội bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, kinh tế đặc sắc liên quan đến sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn, đặc sản của vùng đất Tây Nguyên – cà phê.

Dự Lễ khai mạc có các đồng chí Tòng Thị Phóng, Bí thư TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh bạn, cùng đông đảo khách quốc tế trong và ngoài nước, bà con các dân tộc Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2 năm 2008 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với ngành cà phê Đắk Lắk mà còn cả đối với ngành cà phê Việt Nam, nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, gắn kết giữa sản xuất và xuất khẩu, mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư.

“Đây đồng thời cũng là dịp để du khách trong nước, bạn bè quốc trế chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ và bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại, của quê hương các anh hùng dân tộc, cùng thưởng thức hương vị đậm đà của cà phê Buôn Ma Thuột”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới ý nghĩa văn hóa bên cạnh kinh tế của Lễ hội.

Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam với sản lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, 900.000 tấn, kim ngạch năm 2008 đạt 2 tỷ USD. “Nói đến cà phê Việt Nam không thể không nhắc tới Tây Nguyên, tới Buôn Ma Thuột được ví như thủ phủ cà phê của cả nước. Cây cà phê đóng góp tỷ trọng lớn vào sự phát triển, xóa đói giảm nghèo Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khai trương sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2008 gồm nhiều chương trình, sự kiện văn hóa – kinh tế đặc sắc. So với lần tổ chức thứ nhất năm 2005, lễ hội năm nay được xem như một cuộc ra quân rầm rộ của ngành cà phê Việt Nam mang thương hiệu toàn cầu nhằm gửi đến quốc tế thông điệp về vị thế của cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới; đồng thời thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và quảng bá cho thương hiệu cà phê Việt nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng.

Lễ hội lần này có sự tham gia của trên 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước với gần 400 gian hàng giới thiệu đa dạng các sản phẩm cà phê chất lượng cao của Việt Nam. Khách tham quan lễ hội sẽ được thưởng thức hương vị cà phê của các vùng miền khác nhau; khai trương hoạt động sàn giao dịch nông sản đầu tiên của Việt Nam và chuyên ngành cà phê; nghệ thuật chế biến cà phê ướt với quy mô gia đình và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Lễ hội còn có các triển lãm hình ảnh và hiện vật về cà phê, Phố ẩm thực, rước linh cà phê, Hội thi nhà nông đua tài, Diễu hành voi và xe hoa, tổ chức các trò chơi dân gian, nghệ thuật, khai trương sàn giao dịch cà phê, Hội thảo “phát triển ngành cà phê bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội thi Nhà nông đua tài diễn ra từ ngày 8/11 tại thị trấn Buôn Hồ huyện Krông Búk với sự tranh tài giữa những nông dân có thâm niên và là những tấm gương sản xuất cà phê giỏi.

Lễ hội đường phố gồm hoạt động diễu hành voi, xe hoa, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, đi cà kheo, múa gậy mừng mùa, múa cờ hội, múa lân sư rồng, nhóm rối cao, rối lùn, đội nhạc kèn…

Các chương trình nghệ thuật đặc sắc thấm đẫm hơi thở và nhịp sống của người dân Tây Nguyên, của người trồng, sản xuất và kinh doanh cà phê tại Đắk Lắk nhằm mục đích tôn vinh sản phẩm cà phê và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột cũng được chính thức khai trương ngày 11/12/2008. Đây là nơi giao dịch đấu giá khớp lệnh tập trung, công khai cho các tổ chức, đơn vị từ người sản xuất, chế biến đến kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng cà phê nhân theo mô hình hoạt động hiện đại. Đồng thời, đây cũng là nơi cung cấp thông tin và cung ứng các dịch vụ tư vấn về trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến, kinh doanh… cà phê cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn cho nông dân, người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm.