Cá ở Mê Kông cần cầu thang!

ThienNhien.Net – “Cá sống ở thượng nguồn sông Mê Kông nếu muốn xuôi xuống hạ nguồn thì phải leo cầu thang hay dồn vào thùng và chuyển lên thang máy”, ông Chris Barlow, giám đốc Chương trình Cá của Ủy ban sông Mê Kông, cho biết tại hội nghị quốc tế “Những đập chính ở sông Mê Kông: Tiếng nói của người dân qua biên giới”, vừa tổ chức tại Băng-cốc vào giữa tháng 11/2008.

Trong vài chục năm trở lại đây, sông Mê Kông không còn chảy liền mạch từ thượng xuống hạ nguồn bởi theo Ủy ban sông Mê Kông trên dòng sông chính và các nhánh đã xuất hiện trên 180 đập thuỷ điện chặn dòng. Con số trên chưa dừng lại vì người ta đang lên kế hoạch xây dựng thêm 12 con đập thủy điện nữa trên dòng chính của sông, vùng hạ Mê Kông. Tiếp đó, 12 dự án khác cũng đang trong giai đoạn thai nghén.

Các nhà khoa học cho biết sự tồn tại các đập thủy điện chính là rào cản ngăn chặn dòng di cư của các loài cá trên sông Mê Kông. Theo Ủy ban sông Mê Kông, nguồn thuỷ sản của lưu vực Mê Kông rất dồi dào, với tổng giá trị sản lượng cá đánh bắt hàng năm lên tới 1,45 tỷ USD. Mê Kông là một trong những vùng có sản lượng cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới, số loài cá sinh sống trong lưu vực khoảng trên 1300 loài.

Do đó, để giúp cá di chuyển từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, ông Chris Barlow cho rằng cần kết hợp các giải pháp thích ứng và linh hoạt ngay từ khi khâu thiết kế các con đập. Đối với những đập thấp (dưới 10m), cần xây các cầu thang để cá di chuyển. Đối với các đập cao (trên 10m), cần xây các “phòng” tập trung cá và sau đó chuyển lên trên bằng thang máy.

Hiện nay, hầu hết các đập đều không ứng dụng các giải pháp trên, vì vậy, lượng cá xuống hạ nguồn sụt giảm nghiêm trọng.

Không còn cá, không còn ngư dân

Vì không đập nào dọc theo sông Mê Kông có thang máy hay khu vực dành riêng cho cá di chuyển nên hàng trăm loài cá không thể nào xuôi xuống hạ nguồn. “Trước khi có đập thủy điện ở Trung Quốc năm 1995, vào mùa nước lên, cá theo nước về đến làng chúng tôi” – Anh Api Sanggong, một người dân Akha sống ở làng Had Pai, huyện Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) – “Nhưng từ ngày có đập thuỷ điện, cá không về đẻ trứng nữa”.


Mê Kông là một trong những lưu vực sông có lượng cá nội vùng lớn nhất thế giới, ở vùng hạ nguồn từ 1-1,3 triệu tấn, giữa nguồn 0,9 – 1,2 triệu tấn và thượng nguồn khoảng 60.000 tấn.

Những chiếc đập của Trung Quốc trên thượng nguồn tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân hai huyện Chiang Saen và Chiang Khong của tỉnh Chiang Rai. Ở đây, những ngư dân sống ven sông đã phải bỏ nghề vì không còn cá. Họ không còn hưởng lợi từ hạ nguồn dòng sông Mêkông, nơi có đến 40 – 70% các loài cá trên thế giới.

“Ngày trước, cách đây 4,5 năm, việc đánh bắt cá rất dễ dàng” Anh Kainjan, một người dân làng Had Pai, cho biết: “Chỉ cần dùng nơm, đó, mỗi ngày cũng có thể bắt bốn, năm con cá. Nhưng bây giờ chẳng có gì.”

Anh Ud, nhóm bảo vệ môi trường Rak Chiang Khong, giải thích: “Nếu mực nước lên cao thì cá không thể vào lưới. Nhưng nếu thấp quá thì cá chết. Do đó, không chỉ có số lượng cá suy giảm mà số loài cá cũng giảm sút. Theo người dân địa phương, trước kia có vài chục loài cá nhưng bây giờ chỉ còn chưa đến 10 loài.

 Cá trên sông Mê Kông
Cá là nguồn thu chính của nhiều gia đình sống bên dòng Mêkông nhưng giờ đây họ đã phải bỏ nghề. (Ảnh: Trần Thúy Bình)

Cá là nguồn thu chính của nhiều gia đình sống bên dòng Mê Kông nhưng giờ đây họ đã phải bỏ nghề. “Trước đây, chúng tôi chỉ cần đánh cá vài giờ cũng đủ tiền sống” – Anh Pornsawan, một ngư dân ở làng Park Ing, huyện Chiang Khong nói: “Nhưng bây giờ thì khác. Mặc dù chúng tôi thay đổi thiết bị đánh bắt nhưng vẫn không có cá. Làng chúng tôi có hơn 80 thuyền đánh cá nhưng giờ chỉ còn khoảng 30 chiếc”.

Năm 2007, việc đánh bắt cá về cơ bản phải tạm dừng và chỉ còn một hay hai chiếc thuyền còn hoạt động. Các gia đình ngư dân phải chuyển sang làm nghề nông. Tuy nhiên, họ không kiếm được nhiều tiền vì trồng trọt thất bát do mực nước sông Mê Kông lên xuống bất thường.