Phát triển vùng trồng dược liệu: Lợi đôi đường

ThienNhien.Net – Sống trên “đất thuốc” với gần 4.000 loài cây dược liệu, tuy nhiên, nguồn nguyên liệu tư nhiên đang có nguy cơ cạn kiệt, Việt Nam còn phải nhập khẩu nhiều dược liệu từ Trung Quốc, thậm chí, nhiều loại không đảm bảo về chất lượng.

Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng phát triển dược liệu đến năm 2030 nhằm chấn chỉnh nghịch lý này.

Nhu cầu khổng lồ

Theo TS Trần Việt Hùng – Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, Việt Nam là một thị trường khổng lồ về tiêu thụ đông dược. Thống kê năm 2010 cho thấy, cả nước có 58 bệnh viện công lập, 3 bệnh viện YHCT tư nhân, 89,5% các bệnh viện đa khoa có khoa YHCT, 79,3% xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT, với hơn 8.100 giường bệnh YHCT và hàng chục ngàn các cơ sở tư nhân hành nghề YHCT. Có khoảng 30% bệnh nhân trong cả nước được khám và điều trị bằng thuốc đông dược, nhất là vùng sâu, vùng xa. Hiện cả nước cũng có gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc đông dược.

Thị trường đông dược ở Việt Nam vô cùng lớn
Thị trường đông dược ở Việt Nam vô cùng lớn 

Cũng theo thống kê, nước ta có gần 4.000 loài cây làm thuốc trên tổng số hơn 10.600 loài thực vật. Khí hậu nước ta cũng rất đa dạng cho nhiều loài thuốc sinh trưởng và phát triển. Theo báo cáo của Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), hàng năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50-70.000 tấn dược liệu. Trong đó, 1/3 nguyên liệu do thu hái và khai thác tự nhiên, 1/3 do trồng trọt và còn lại do nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông.

Đặc biêt, có một tỷ lệ lớn thuốc nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo về mặt chất lượng. Kết quả xét nghiệm mới đây của Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư cho thấy, trong tổng số gần 400 mẫu dược liệu lấy từ các cơ sở khám chữa bệnh YHCT của Nhà nước thì có tới 60% mẫu chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% số thuốc thậm chí còn bị trộn rác như cát, xi măng, lẫn tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại.

Do khai thác bừa bãi nên nguồn dược liệu tự nhiên cũng đang có nguy cơ cạn kiệt. Trước kia một số d¬ược liệu có thể khai thác hàng chục ngàn tấn/năm ở Việt Nam nh¬ư Ba kích, Đảng sâm, Hoàng tinh… thì thực tế hiện nay các cây thuốc này đã đ¬ược đư¬a vào sách đỏ vì có nguy cơ bị tuyệt chủng.

TS Hùng cho biết, do chưa chủ động được nguyên liệu cũng như vùng trồng nguyên liệu nên nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược khá khó khăn trong việc mở rộng thị trường. Do đó, ngoài việc có cơ chế, chính sách để bảo tồn nguồn dược liệu tự nhiên, chúng ta cũng phải chủ động trồng dược liệu, phục vụ nhu cầu trong nước. “Cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh để dược liệu kém chất lượng nhập theo đường tiểu ngạch bị trộn lẫn vào các sản phẩm trong nước, khiến cho dược liệu Việt bị ảnh hưởng” – TS Hùng khẳng định.

Phát triển 8 vùng trồng dược liệu

Cuối tháng 10.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1976/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng phát triển dược liệu đến năm 2030.

Mục tiêu của Quy hoạch là đến năm 2030, bảo tồn được 70% tổng số loài dược liệu của Việt Nam, đáp ứng 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, tăng cường khả năng xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trong nước, cung cấp được 80% giống dược liệu sạch bệnh, có năng xuất cao, chất lượng cao.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng 5 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia, đại diện cho các vùng sinh thái phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Quy hoạch 8 vùng trồng dược liệu, phù hợp với từng loại cây.

Cụ thể vùng núi cao có khí hậu á nhiệt đới (Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang) sẽ phát triển trồng 13 loài dược liệu với diện tích trồng khoảng 2.550ha. Vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới (Lào Cai, Sơn La, Lâm Đồng) phát triển 12 loài dược liệu khoảng 3.150ha. Vùng trung du miền núi Bắc Bộ (Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn) phát triển 16 loài dược liệu với khoảng 4.600ha. Vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình) phát triển 20 loài dược liệu với khoảng 6.400ha. Vùng các tỉnh Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An) phát triển trồng 10 loài dược liệu, với 3.200ha.

Vùng Tây Ngyên (Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông) trồng 10 loại dược liệu với 2000 ha. Vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ cũng trồng 10 loại dược liệu với khoảng 3000ha. Ngoài ra, Bộ Y tế cần nghiên cứu xây dựng Trung tâm nghiên cứu nguồn gen và giống cây thuốc quốc gia đặt tại Viện Dược liệu (Bộ Y tế) để phục vụ nghiên cứu, chọn, tạo và cung cấp các giống dược liệu chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đầu tư xây dựng mới một số cơ sở theo hướng hiện đại, đồng bộ để đảm bảo mỗi vùng có ít nhất 1 nhà máy sơ chế, chế biến, chiết xuất cao dược liệu đạt chuẩn.

Tính đến tháng 8.2011, cả nước có 322 cơ sở sản xuất từ dược liệu tron đó có 12 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO đông dược. Bên cạnh các thuốc ca, đơn, hoàn tán cổ truyền, thuốc đông dược trong nước cũng đươc sản xuất khá phổ biến dưới các dạng bài chế hiện đại như nang cứng, nang mềm, siro, thuốc nước, cao dán thấm qua da. Số lượng số đăng ký thuốc đông dược nước ta là 2.283 mặt hàng, chiếm hơn 10% trong tổng số hơn 22.000 số đăng ký sản xuất thuốc trong nước.