Càng bị tổn thương càng phải truyền thông tốt

ThienNhien.Net – Các nước đang phát triển là những nước dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Thế nhưng, giới truyền thông ở các nước này vẫn còn rất thờ ơ trước thảm họa này. Dưới đây là một số ý kiến chia sẻ của James Fahn, một nhà báo quốc tế rất quan tâm đến các vấn đề môi trường và phát triển bền vững trên tờ BBC.

“Tôi muốn dẫn chứng ra đây câu chuyện về một nhà báo Trung Quốc tên là Zhang Ke. Anh là phóng viên thường trú tại Bắc Kinh của Thời báo Doanh Nghiệp Trung Quốc. Năm 2006, khi đến Thành phố Lục Bàn Thủy thuộc tỉnh Quý Châu, anh đã rất ngạc nhiên khi nghe ngài phó thị trưởng thành phố nói rằng đây là thành phố có chất lượng không khí tốt nhất tỉnh Quý Châu – thành phố không hề có một hầm mỏ hay nhà máy hoá chất nào.

Zhang Ke đã tiến hành kiểm tra một cách độc lập và nhận thấy rằng thành phố này thậm chí đã khởi công một nhà máy nhiệt điện mà không thực hiện đầy đủ các quy trình đánh giá tác động môi trường tối thiểu. Dự án này tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ô nhiễm nguồn nước, thậm chí là nước sinh hoạt của người dân với hơn 30 nhà máy than cốc, thải ra một lượng khổng lồ các loại  khí nhà kính độc hại đối với sức khỏe con người và khí quyển.

Zhang Ke đã thông báo cho đội thanh tra của thành phố biết những kết quả điều tra của mình và đề nghị ngài phó thị trưởng phải đóng cửa các nhà máy bất hợp pháp này. Đồng thời anh cũng viết một loạt bài về kết quả điều tra của mình. Nhờ sức mạnh của công luận, các nhà chức trách đã buộc phải thực hiện những yêu cầu của anh để bảo vệ người dân trước những rủi ro mà các dự án bất hợp pháp ở thành phố Lục Bàn Thủy có thể gây ra. Với những cống hiến của mình, năm đó anh đã giành được giải thưởng quốc gia dành cho các nhà báo môi trường.

Khả năng đưa tin yếu

Cải thiện việc đưa tin về các vấn đề biến đổi khí hậu rất quan trọng trong cuộc chiến với những thách thức của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Công việc này đòi hỏi các nhà báo không chỉ phải có kiến thức chuyên môn mà cần phải có cả nhiệt huyết, lòng dũng cảm, sự quan tâm đến sự tồn vong của nhân loại trước thảm họa toàn cầu. Nhà báo phải là những người dám nói lên sự thật và phải tạo ra được sự tác động đối với các nhà hoạch định chính sách.

Bài báo của Zhang Ke là một trong số những bài báo đã tạo ra được những phản hồi tích cực từ các nhà chính trị để từ đó tạo ra được sự thay đổi tích cực trong các quyết định của chính quyền.

Hay như bài báo “Cuộc đối đầu giữa Bush và những người được giải” của Andy Revkin đăng trên tờ Thời báo New York và bài báo “Trái đất đang nóng lên” của Dan Vergano đăng trên tờ Nước Mỹ ngày nay được xem như những bài báo xuất sắc đã thay đổi lập trường quan điểm của chính phủ Bush về vấn đề biến đổi khí hậu.

Nhưng một thực tế đáng buồn là chính tại những nước đang phát triển, những nước bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu thì việc đưa tin về biến đổi khí hậu lại rất hạn chế.

Một trong những dẫn chứng hài hước nhất cho vấn đề này là một phóng viên truyền hình của Indonesia thậm chí đã phát biểu rằng, hiệu ứng nhà kính là kết quả của việc xây dựng quá nhiều những ngôi nhà kính chọc trời.

Tại một cuộc hội thảo mà tôi tham dự đầu năm nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam – một vựa lúa quan trọng hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do nước biển dâng – thì hầu như các phóng viên địa phương đều hiểu biết rất ít hoặc thậm chí là không biết gì về vấn đề này.

Một nghiên cứu kéo dài hai tháng trên năm tờ báo lớn của Việt Nam vào cuối năm 2007 cũng cho thấy trong một tháng chỉ có khoảng hai đến ba bài báo về biến đổi khí hậu được đăng. Và phần lớn trong số đó là những lời trích dẫn khô khan của các nhà lãnh đạo mà rất ít đề cập đến việc giải thích cho người đọc hiểu thế nào là biến đổi khí hậu và biến đổi khí hậu sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ.

Thiếu kinh nghiệm và sự quan tâm

Môi trường, khoa học và biến đổi khí hậu thường không được xem là các tiêu điểm trong giới truyền thông ở các nước đang phát triển. Do đó, các chuyên mục này thường được giao cho những phóng viên trẻ hoặc những cộng tác viên thiếu kinh nghiệm với vốn kiến thức hạn chế về biến đổi khí hậu cũng như những hậu quả của nó. Họ không có đủ thời gian và kinh phí để nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề này, do đó lượng tin bài về biến đổi khí hậu rất ít hoặc rất hời hợt.

Nhưng chướng ngại lớn nhất có lẽ là từ ban biên tập các toà soạn báo, rất nhiều trong số họ không quan tâm hoặc không có hiểu biết về những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, họ còn phải chịu sức ép từ các doanh nghiệp – những khách hàng quảng cáo – nguồn thu chính của các tòa soạn. Trường hợp như các công ty năng lượng là khách hàng quảng cáo của các tờ báo thì họ sẽ không bao giờ muốn những tin tức liên quan đến biến đổi khí hậu hiển thị trên các trang báo này.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, việc đưa tin cũng như biên tập về vấn đề biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển hiện nay cũng đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tiến trình này vẫn còn quá chậm.

Khắc phục như thế nào?

Các nhà báo và các tổ chức truyền thông ở các nước đang phát triển muốn đưa tin về biến đổi khí hậu rất cần được sự hỗ trợ từ nhiều phía. Đó là các viện nghiên cứu, nơi có thể cung cấp những thông tin mang tính chuyên ngành; các trung tâm khí tượng quốc gia và quốc tế, nơi cung cấp những thông tin xác đáng và cần thiết để giới truyền thông có thể đưa tin. Nói cách khác, các tổ chức truyền thông cần nhận được sự hỗ trợ đa phương, song phương và từ các cá nhân để nâng cao khả năng đưa tin về vấn đề biến đổi khí hậu.

Có nhiều cách khác nhau để hỗ trợ cải thiện khả năng làm báo về vấn đề biến đổi khí hậu:

– Bổ sung các môn học liên quan đến khoa học và môi trường vào trong chương trình giảng dạy của các trường đào tạo báo chí, truyền thông. Các viện nghiên cứu sẽ là nguồn hỗ trợ tốt nhất để phát triển các chương trình giảng dạy này

– Thành lập các tổ chức truyền thông mới tập trung chuyên sâu vào vấn đề biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của nó.

– Đào tạo phóng viên, thuyết phục biên tập viên để cải thiện khả năng đưa tin của báo chí về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các khóa học ngắn thông qua các cuộc hội thảo chuyên đề cũng rất quan trọng. Đó không chỉ là nơi đào tạo, cung cấp thông tin, bổ sung kiến thức cho các nhà báo mà còn là nơi mà các nhà báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ được học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm làm báo về môi trường nói chung và về biến đổi khí hậu nói riêng từ các bậc tiền bối.

Giống như Zhange Ke, nhờ những kinh nghiệm và kiến thức mà anh học hỏi được từ một cuộc hội thảo dành cho các nhà báo môi trường được tổ chức bởi Hiệp hội các nhà báo trẻ Trung Quốc và Mạng lưới Báo chí Trái đất Internew đã giúp anh có đủ tự tin và bản lĩnh để tìm ra sự thật của vụ việc ở thành phố Lục Bàn Thủy.

Có thể nói rằng, truyền thông có vai trò rất lớn trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Đó là phương tiện hiệu quả nhất để có thể cung cấp thông tin và tăng cường khả năng ứng phó của người dân trước những nguy cơ của biển đối khí hậu. Chính vì vậy, cải thiện khả năng đưa tin của các phóng viên, nhà báo ở các nước đang phát triển là vô cùng cần thiết và không thể chậm trễ.”


Tác giả bài viết, James Fahn, hiện giữ chức Giám đốc điều hành của Mạng lưới Báo chí Trái đất, đồng thời là Trưởng đại diện của hãng thông tấn Internews tại Thái Lan. Ông là tác giả của nhiều bài viết về các vấn đề môi trường ở các nước đang phát triển. Năm 2003, ông xuất bản cuốn “A Land on fire” (“Vùng đất nảy lửa” – tạm dịch), về những phát hiện mới của mình khi nghiên cứu về những vấn đề môi trường và những xung đột xoay quanh nó ở khu vực Đông Nam Á.