Cảnh sát môi trường: Tân binh cừ khôi

ThienNhien.Net – Có lẽ trong ngành công an, không có binh chủng nào mới hơn cảnh sát môi trường (CSMT). Thành lập cuối năm 2006, chính thức ra mắt lực lượng đầu năm 2007, chưa đầy một năm đi vào hoạt động song tiếng vang và thành tích mà CSMT đã đạt được thật đáng khâm phục. Nhân dịp đầu xuân Mậu Tý, ThienNhien.Net xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc trao đổi của chúng tôi với Đại tá Nguyễn Xuân Lý – Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường.

Thưa ông, sau gần một năm ra quân, lực lượng CSMT đã đạt được những thành tựu nổi bật gì?

Trong năm qua, một trong thành tựu lớn nhất mà CSMT đạt được là công tác xây dựng lực lượng. Từ chưa có gì, nay chúng tôi đã hình thành một binh chủng chống tội phạm trong lực lượng công an nhân dân. Khi mới thành lập, Cục CSMT chỉ có hơn 20 người nhưng nay đã có 170 đồng chí. 64 tỉnh thành trên cả nước đều đã có phòng CSMT, trung bình mỗi tỉnh thành có khoảng 20 – 50 đồng chí.

CSMT
Tác nghiệp (Ảnh: Nhân Dân)

CSMT dường như đã trở thành một “thương hiệu” đối với quần chúng nhân dân, trong đời sống kinh tế xã hội và trên trường quốc tế. Trong năm 2007, chúng tôi đã mở một số chuyên án trọng điểm như: vụ nhập khẩu hàng ngàn ắc quy chì đã qua sử dụng; buôn bán và tái chế rác thải y tế; nhập khẩu nhựa, thép phế liệu, các vụ buôn bán động vật hoang dã (hổ, gấu) với quy mô lớn, doanh nghiệp xả chất thải lỏng độc hại ra các sông Nhuệ, Đáy, Thị Vải, Đồng Nai góp phần biến chúng thành các dòng sông chết, các vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và cố ý làm lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Cả hai việc làm này đều đã huy động được hệ thống chính trị cấp ủy, chính quyền các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân, tích cực tham gia đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm môi trường.

Thông qua quá trình đấu tranh chống tội phạm, CSMT đã kiến nghị Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp bước đầu xây dựng hành lang pháp lý đấu tranh chống tội phạm môi trường và kiến nghị bịt kín các kẽ hở về pháp lý trong BVMT. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đầu tư cơ sở vật chất ban đầu và hình thành được đường lối, phương thức và biện pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm môi trường.

Theo ông, yếu tố nào quyết định những thành công đó?

Trước hết phải kể đến sự tập trung chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ, Đảng ủy và Lãnh đạo Tổng cục cảnh sát, sự hỗ trợ tối đa của các lực lượng trong ngành công an, các cấp, ngành khác.

Song, yếu tố quyết định là bản thân lực lượng CSMT đã sớm ổn định tổ chức, nghiên cứu và sớm tìm ra được đường lối, phương thức và biện pháp hoạt động, nỗ lực vượt qua những khó khăn thách thức ban đầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, CSMT gặp những khó khăn, thách thức nào?

Chúng tôi nhận thấy hệ thống qui phạm pháp luật còn thiếu và chưa đồng bộ. Chẳng hạn, Chương 17 Bộ luật hình sự (1999), trừ hai điều 186 và 190, có quy định một trong hai yếu tố cấu thành tội phạm môi trường là gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, văn bản pháp luật chưa hề quy định thế nào là nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Đặc biệt, trong lĩnh vực môi trường hậu quả nghiêm trọng thường khó đánh giá trước mắt, có thể hàng chục năm sau mới xảy ra, chẳng hạn như hậu quả làng ung thư do ảnh hưởng của các kho thuốc trừ sâu.

Đồng thời, Nghị định số 81/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT quy định mức phạt hành chính tối đa chỉ là 70 triệu đồng. Đối với nhiều doanh nghiệp vi phạm, mức phạt này không thấm tháp gì so với lợi nhuận họ kiếm được. Chẳng hạn đối với việc kinh doanh rác hiện nay, người ta sánh lợi nhuận của chúng có thể còn cao hơn cả buôn ma túy.

Như vậy, về cả hai mặt xử lý hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đều không đủ sức răn đe hành vi vi phạm.

Cái thiếu thứ hai mà chúng tôi đề xuất bổ sung là Pháp lệnh xử lý hành chính và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự. Hiện tại, chúng tôi chưa có thực quyền trong quá trình điều tra mà phải mời đơn vị bạn là thanh tra Bộ TNMT cùng phối hợp.

 rác phế liệu
Hiện trường 200 tấn rác thải nguy hại nhập lậu của công ty Thiên Quan 10/2007 (Ảnh: MONRE)

Một khó khăn nữa đối với CSMT hiện nay là nhân sự và trang thiết bị. Biên chế CSMT hiện nay chưa đủ so với yêu cầu công việc. Hầu hết anh em chiến sĩ giỏi về nghiệp vụ điều tra nhưng yếu về kiến thức môi trường, cần được tổ chức tập huấn, huấn luyện. Cục mới thành lập nên trang thiết bị thiếu thốn rất nhiều, những trang thiết bị chuyên dụng lại toàn là những thứ cực kỳ đắt tiền, ngân sách chưa cho phép.

Bên cạnh đó, tình hình tội phạm về môi trường diễn ra hết sức nghiêm trọng và phức tạp, ngày càng tinh vi, bao khắp trên mọi lĩnh vực, mọi nơi, thậm chí còn cấu kết với tội phạm quốc tế.

Xin ông cho biết, nhiệm vụ nào sẽ được lực lượng CSMT ưu tiên triển khai trong năm 2008?

Trước tiên, khi muốn triển khai kế hoạch hay nhiệm vụ nào đó thì ta phải căn cứ vào đặc điểm tội phạm và dự báo.

Như tôi đã đề cập trên, tội phạm về môi trường diễn ra trên mọi địa bàn, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội (KTXH). Tội phạm môi trường cũng thường gắn với hoạt động KTXH. Do đó, vì lợi ích cục bộ hay quá tập trung nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP mà chính quyền các cấp có thể lãng quên nhiệm vụ phát triển bền vững. Mặt khác, khi các vụ vi phạm bị phát hiện, tội phạm môi trường thường “ra sức” trốn tránh và mua chuộc CSMT, nếu không được, chúng có thể vận động các thế lực liên quan, gián tiếp gây áp lực đối với CSMT. Thủ đoạn của loại tội phạm này ngày càng trở nên tinh vi hơn, có lúc lại cấu kết với cả tội phạm quốc tế (như vụ nhập biến thế cũ từ 30-40 năm trước cho nhà máy nhiệt điện).

Ở nước ta, hiện tiềm ẩn hoặc đang tiếp diễn một số nguy cơ về môi trường như: việc nhập rác ồ ạt sẽ biến Việt Nam trở thành bãi rác của các nước phát triển, tình hình vi phạm an toàn thực phẩm và dịch bệnh sẽ vẫn tiếp diễn nghiêm trọng, sẽ phát hiện thêm nhiều doanh nghiệp không đủ vốn, năng lực để xử lý môi trường hoặc cố tình không xử lý, các vi phạm trong làng nghề, khai thác tài nguyên khoáng sản, tội phạm trong nông nghiệp và nông thôn, đa dạng sinh học cũng sẽ gia tăng.

Trong năm 2008, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, từ Trung ương đến địa phương và trước hết là hoàn thiện chức năng của Cục. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục kiến nghị lên trên cải thiện hành lang pháp lý. Đặc biệt, CSMT sẽ tập trung sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện điều tra và xử lý các vụ việc trên các địa bàn trọng điểm phục vụ đắc lực phát triển KTXH của đất nước. CSMT cũng sẽ tham gia tích cực hơn công tác quản lý nhà nước về BVMT như: thanh tra, kiểm tra, thẩm định đánh giá tác động môi trường và xây dựng các mô hình điểm về công tác bảo vệ môi trường mà trước tiên là chính trong lực lượng công an nhân dân.

Thưa ông, có ý kiến e ngại rằng chức năng của CSMT, Cục BVMT thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) chồng chéo nhau?

Không những không chồng chéo mà ngược lại chúng tôi đã hợp tác và hỗ trợ nhau rất hiệu quả, đó là một sự phát triển đồng bộ, hài hoà. Bên Bộ TN&MT cũng như Cục kiểm lâm thực hiện chức năng quản lý nhà nước, còn CSMT thực hiện phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường. Sắp tơi, Bộ Công An và Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ ra một thông tư liên tịch hướng dẫn công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT.

Trong dịp năm mới 2008, ông có lời nhắn gì đến bạn đọc ThienNhien.Net?

Trước tiên, thay mặt Đảng uỷ lãnh đạo Cục tôi xin gửi lời cảm ơn tới toàn thể nhân dân cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp ban ngành liên quan đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cũng mong rằng trong thời gian tới, CSMT sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ quý báu đó.

Hy vọng rằng các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân sẽ tự mình hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại ngay địa phương, cơ quan và tại chính nhà mình.

Chúc bạn đọc ThienNhien.Net một năm mới an khang – thịnh vượng và an toàn.

Xin chân thành cảm ơn ông!