Gian nan giữ rừng Phong Nha-Kẻ Bàng

ThienNhien.Net – Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) có diện tích rộng 85.754 ha, chủ yếu rừng núi đá vôi, nơi giao thoa của nhiều loài sinh học, trở thành vùng đa dạng sinh học với nhiều loài đặc hữu. Việc bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh học nơi đây được tỉnh Quảng Bình coi trọng đặt lên hàng đầu.

Theo tài liệu khoa học đã công bố, di sản thiên nhiên Thế giới vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện có 2651 loài thực vật bậc cao, 735 loài động vật có xương sống và 369 loài côn trùng. Trong đó, có tới 116 loài thực vật; 129 loài động vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 79 loài thực vật; 72 loài động vật được ghi trong sách đỏ thế giới.

Tỉnh đã tạo điều kiện nhiều mặt để lực lượng kiểm lâm nơi đây đủ mạnh đảm đương nhiệm vụ bảo vệ rừng. Hạt kiểm lâm vườn Phong Nha-Kẻ Bàng có 240 cán bộ, chiến sỹ được bố trí trên 10 trạm, chốt kiểm soát và 2 đội cơ động thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường vào ra Di sản.

Ông Phan Hồng Thái, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết: “Tính từ năm 2003 đến tháng 8 năm nay, Hạt đã phát hiện và xử lý gần 720 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu hơn 500m3 gỗ các loại và 425 kg động vật hoang dã; đã xử phạt, bán lâm sản tịch thu sung công quỹ hơn 3,5 tỷ đồng. Điều đáng nói là có tới 95% vụ việc vị phạm lâm luật ở đây chủ yếu là từ các vùng rừng lân cận và bên kia biên giới Việt-Lào đưa về đi qua địa phận của Di sản. Nhờ đó mà vốn rừng nơi đây vẫn được bảo tồn và phát triển với diện tích có độ che phủ đạt trên 94%, đứng hàng đầu trong số các vườn Quốc gia trong cả nước”.

Tuy nhiên, công việc bảo vệ rừng Di sản thiên nhiên Thế giới vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng của lực lượng kiểm lâm diễn ra ngày một gian nan. Càng xử lý kiên quyết các vụ vi phạm thì các chiến sỹ kiểm lâm càng vấp phải sự chống trả quyết liệt của lâm tặc. Trong 5 năm qua, ở đây đã có 26 vụ kiểm lâm vườn bị lâm tặc hành hung làm 19 cán bộ, chiến sỹ bị thương.

Điển hình vụ xảy ra vào tối 30 Tết năm 2005, tổ kiểm lâm Khe Gát trong khi làm nhiệm vụ đã phát hiện hai xe ô tô chở gỗ lậu yêu cầu dừng lại cho kiểm tra liền bị ngay bọn lâm tặc rút dao rựa chém cán bộ kiểm lâm Phạm Xuân Cường bị thương nặng. Ngày 18/09/2005, tại cầu Chà Ro thuộc xã Phúc Trạch, khi tổ kiểm lâm chặn xe bắt giữ gỗ lậu, bọn lâm tặc dã huy động hơn 20 thanh niên ở xã Phúc Trạch đến gây gổ, đánh trọng thương kiểm lâm viên Lê Hồng Thịnh và phá hỏng xe máy của kiểm lâm Hoàng Văn Đức và Phan Văn Ái rồi cướp lại gỗ tẩu thoát. Ngày 10/06/2007, tại đỉnh đèo Đá Đẻo trên đường Hồ Chí Minh, tổ kiểm lâm cơ động bắt giữ 6 người gùi gỗ trái phép. Bọn lâm tặc lập tức huy động 15 thanh niên đến dùng hung khí đánh trọng thương hai kiểm lâm viên Dương Quyết Thắng và Hoàng Văn Luyến rồi cướp gỗ.

Gần đây nhất, đêm 23/04/2008, tại Hung Nha ( xã Phúc Trạch) trên đường tuần tra, tổ kiểm lâm Trộ Mợng đã bị hai chục thanh niên bịt mặt phục đánh cho kiểm lâm viên Phạm Thế Thân bị trọng thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện…

Rõ ràng, việc chống người thi hành công vụ ở vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bọn lâm tặc tỏ ra manh động, liều lĩnh và bất chấp luật pháp, coi thường phép nước. Nhưng điều mà cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trăn trở, băn khoăn không phải lo sợ vì tính mạng của các anh bị đe doạ mà là cuộc sống của hàng ngàn người dân sống trong vùng đệm của Di sản vốn trước đây sống chủ yếu dựa vào rừng bây giờ đang gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng là nỗi trăn trở đầy trách nhiệm của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Quảng Bình trước cuộc sồng của hàng ngàn hộ dân ở 12 xã vùng đệm của Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng.

Mấy năm nay, tỉnh đang triển khai nhiều dự án tạo công ăn việc làm cho người dân vùng đệm và đồng bào dân tộc ít người sống trong vùng Di sản. Từ giữa năm nay, tỉnh đang triển khai dự án có tổng nguồn vốn hơn 12 triệu EUR do tổ chức giữ gìn, phát huy Di sản của Cộng Hoà Liên bang Đức hỗ trợ cho vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng. Dự án này sẽ giúp 50.000 người dân vùng đệm trở thành những vệ tinh trong các hoạt động du lịch sinh thái, phát triển kinh tế trong Di sản.

Ngoài dự án này, tổ chức FFA cũng đã giúp người dân vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng có cuộc sống bền vững gắn với việc giữ rừng, phục hồi các loài linh trưởng trong Di sản. Hiện nay, các hộ gia đình người kinh cùng với đồng bào dân tộc Mã Liềng, A rem, Ma Coong sinh sống ở vùng đệm và trong Di sản được đầu tư các công trình phục vụ sản xuất và đời sống.

Trong việc nhận đất rừng chăm sóc, bảo vệ và trồng mới, người dân ở đây đang thực hiện có hiệu quả dự án trồng và bảo tồn cây sa nhân. Ở xã Sơn Trạch cửa ngõ của Di sản, 319 hộ dân được tạo việc làm có thu nhập ổn định như sắm thuyền chở khách hàng ngày vào thăm hang động Phong Nha; hơn 300 thanh niên được đào tạo học nghề nhiếp ảnh trở thành tay máy hành nghề có tín nhiệm với du khách đến thăm hang động Phong Nha-Kẻ Bàng…

Những việc làm nói trên , bước đầu đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển Di sản; từng bước đưa Phong Nha-Kẻ Bàng thực sự là địa chỉ hấp dẫn của các nhà khoa học và đông đảo du khách trong nước và ngoài nước./.